Công ty Luật Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 334 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Điện thoại: 0911666884- 0924.488.884.

Công ty Đấu giá Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 07 Khúc Hạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng

Kim Trọng Hùng Group Kính chào Các bạn

Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng. Website:luatkimtronghung.com.

Luật sư Vũ Trọng Kim-CT Hội cựu TNXP

Ủy viên trung ương ĐCS khóa VIII, IX, X, XI. Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XIII, XIV.

Luật sư Nguyễn Cao Hùng-Giảng viên thỉnh giảng Luật Đầu tư

Tác giả sách: 200 câu hỏi đáp về Khiếu nại, tố cáo. Đồng tác giả sách: Bình luận KH BLTTHS 2015-XNB CAND

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Hướng dẫn sử dụng Incoterms 2010


Hướng dẫn sử dụng Incoterms 2010

Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms - Các điều khoản thương mại quốc tế) là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterm là một ngôn ngữ quốc tế trong giao nhận và vận tải hàng hoá ngoại thương, quy định những điều như: ai sẽ trả tiền vận tải, ai sẽ đảm trách các chi phí về thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hoá, ai chịu trách nhiệm về những tổn thất và rủi ro của hàng hoá trong quá trình vận chuyển, thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hoá....

Incoterms 2010 là phiên bản mới nhất của Incoterm, được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ở Paris, Pháp và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011.

Sau đây Ezlaw sẽ hướng dẫn giải thích các thuật ngữ trong Incoterms 2010 để giúp người sử dụng, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế lựa chọn một cách chính xác và hiệu quả điều kiện Incoterms thích hợp cho từng giao dịch cụ thể.





Ngoài ra có một số lưu ý căn bản mà bạn nên biết về Incoterms:

Chỉ khi nào các bên tham gia hợp đồng quy định sử dụng Incoterms trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì nó mới trở thành điều kiện bắt buộc, ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng. 
Các phiên bản ra đời sau không phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản trước. Chính vì vậy, mà khi sử dụng thì cần phải ghi rõ áp dụng Incoterms phiên bản nào để đối chiếu, để xác định trách nhiệm của các bên.  
Cũng vì vậy, mà nên chú trọng phân biệt giữa Incoterms 2000 và Incoterms 2010. Một trong những sửa đổi quan trọng trong phiên bản Incoterms 2010 là bỏ 4 điều khoản (DAF Giao tại biên giới , DES Giao tại tàu, DEQ Giao tại cầu cảng và DDU Giao hàng chưa nộp thuế) và đưa vào 2 điều khoản mới (DAP – Delivered at Place và DAT – Delivered at Terminal). 
Incoterms chỉ xác định thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa từ người mua đến người bán chứ không xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa, cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. 
Luật của các quốc gia được áp dụng có thể làm mất hiệu lực điều kiện Incoterms. 

Incoterms, có thể nói, là một thứ ngôn ngữ được sử dụng phổ biến bởi các doanh nhân trên khắp thế giới. Ngoài tác dụng đẩy nhanh tốc độ xây dựng hợp đồng ngoại thương và xác định giá cả mua bán hàng hoá, Incoterms còn là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện khiếu nại và giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa người mua và người bán trong quá trình thực hiện hợp đồng ngoại thương. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là khi TPP sẽ được hoàn thành sớm, các doanh nghiệp trong nước đều sẽ có cơ hội tham gia vào những hợp đồng, thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, việc nắm bắt được những định nghĩa cơ bản của Incoterms ngay từ bây giờ là rất quan trọng.

Vụ án 5: Khởi kiện hành chính về Quyết định kỷ luật buộc thôi việc ông Trịnh Văn Trung ở Kiên Giang


Chỉ bị xử án treo có bị buộc thôi việc không?

Ông Trịnh Văn Trung là chuyên viên chính, giữ chức Trưởng phòng Phòng Kinh tế chuyên ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang. Trong khoảng thời gian giữ chức vụ, ông Trung đã cho phép chuyển nhượng hai dự án chăn nuôi và cấp một dự án khu du lịch sinh thái sai quy định của pháp luật có mục đích trục lợi cá nhân. Ngày 31/8/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã xét xử, tuyên phạt ông Trung 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 24/2/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kỷ luật buộc thôi việc ông Trung vì có những sai phạm đã bị xử phạt hình sự nêu trên. Ông Trung khiếu nại. Ngày 25/5/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1149/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của ông Trung với nội dung giữ nguyên quyết định số 419/QĐ-UBND. Ngày 27/6/2011, ông Trung khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang hủy quyết định số 419 nêu trên.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 04/2011/HCST ngày 21/10/2011, TAND tỉnh Kiên Giang đã quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông Trung. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 31/2012/HCPT ngày 6/4/2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chấp nhận yêu cầu của ông Trung, hủy Quyết định số 419. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 20/3/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm, giao cho Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có vấn đề pháp lý quan trọng là:
Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định các hành vi tham nhũng là: “...3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...”
Điều 69 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau: “ Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc...”
Theo các quy định nêu trên thì ông Trung đã bị kết án về hành vi tham nhũng. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Trung là đúng quy định của pháp luật.
Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào Điều 10 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ để cho rằng ông Trung được Tòa án cho hưởng án treo nên không thuộc trường hợp bị buộc thôi việc để xử hủy Quyết định số 419 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

Theo quy định tại Điều 69 Luật phòng chống tham nhũng thì mọi trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng đều phải bị buộc thôi việc. Trong quan hệ với Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ thì Luật phòng chống tham nhũng vừa là quy định cụ thể lại vừa là văn bản pháp quy có giá trị cao hơn nên phải áp dụng quy định của Luật phòng chống tham nhũng.

Vụ án 4: Tiền - Tài ở Cần Thơ bị kết án về tội Cố ý gây thương tích.


 Giết người hay Cố ý gây thương tích. Chuyển tội danh và khung hình phạt đúng tại sao vẫn bị hủy án.

Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Văn Tiền là hai anh em sinh đôi, đều sinh ngày 05/9/1996 và trú tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Khoảng 12 giờ 30 ngày 06/12/2011 tại quán trà sữa, do mâu thuẫn phát sinh giữa nhóm của Duy (trong nhóm có Tài) và nhóm của Võ, Tài đã bị Võ chém một nhát vào đầu và phải đưa vào bệnh viện. Sau khi sự việc xảy ra , hai nhóm điện thoại qua lại rủ đánh nhau. Khoảng 20 giờ cùng ngày, nhóm của Duy (trong nhóm có Tài và Tiền cùng tham gia) rượt đuổi nhóm của Võ bằng xe môtô. Đến đường Nguyễn Trãi, nhóm của Duy đuổi kịp anh Hải và anh Tuấn ngồi cùng xe mô tô, nhóm của Duy đã dùng mã tấu và ống tuýp sắt liên tục tấn công khiến Hải và Tuấn phải đi cấp cứu.
Kết luận giám định xác định tỷ lệ thương tích của Tuấn là 20%, của Hải là 25%.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2012/HSST ngày 10/9/2012. Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ kết án 10 bị cáo về tội “Giết người” trong đó Nguyễn Văn Tài 04 năm tù, Nguyễn Văn Tiền 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 173/2012/HSPT ngày 03/12/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh kết án 10 bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” trong đó Nguyễn Văn Tài 02 năm tù, Nguyễn Văn Tài 01 năm tù cho hưởng án treo. Bản án Phúc thẩm đã bị Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị, đề nghị hủy phần hình phạt của bản án phúc thẩm nêu trên đối với Nguyễn Văn Tài và Nguyễn văn Tiền và đình chỉ vụ án đối với hai bị cáo.
Tại phiên họp ngày 21/3/2014 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy phần quyết định hình sự đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Văn Tiền và đình chỉ vụ án. Quyết định của Hội đồng thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:
Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo về tội Giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS. Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chỉ xử phạt các bị cáo về tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 2 Điều 104 BLHS. Đây là sự thay đổi rất lớn về trách nhiệm hình sự của các bị cáo vì Khoản 1 Điều 93 có khung hình phạt mức thấp nhất là 12 năm tù và mức cao nhất là tử hình, còn Khoản 2 Điều 104 chỉ có khung hình phạt từ 2 năm tù đến 7 năm tù. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán cũng  xác định các bị cáo chỉ phạm tội Cố ý gây thương tích. Quyết định giám đốc thẩm thống nhất với nhận địch của cấp phúc thẩm là tuy các bị cáo dùng hung khí nguy hiểm (mã tấu, gậy sắt) tấn công vào vùng  có thể gây nguy hiểm đến tính mạng (đầu) của nạn nhân nhưng không đủ căn cứ xác định các bị cáo mong muốn tước đoạt tính mạng nạn nhân và thực tế nạn nhân không chết.
Đối với  Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn Tài là hai anh em sinh đôi sinh ngày 05/9/1996, khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (ngày 06/12/2011) mới 15 tuổi 03 tháng 01 ngày, cho nên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 BLHS). Tiền và Tài chí có hành vi đồng phạm tội theo Khoản 2 Điều 104 là tội phạmnghiêm trọng nên Tiền và Tài chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm kết án hai bị cáo như đã nêu trên là không đúng pháp luật.
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
Sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không xác định được ý thức chủ quan của kẻ phạm tội là mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân và thực tế nạn nhân không chết thì không kết tội Giết người mà chỉ kết tội Cố ý gây thương tích.
Khi chuyển đổi tội danh, khung hình phạt phải xem xét toàn diện, đầy đủ các quy định liên quan đến việc thay đổi đó. Người đang đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội bị quy kết có thể thuộc trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi chuyển sang tội nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ hơn.

Vụ án 3: Kiện hành chính do vợ chồng ông Lê Văn Phê khởi kiện Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa- Vũng tàu


Khởi kiện yêu cầu cơ quan nhà nước ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng có phải là khởi kiện hành chính không?

Ngày 08/11/1994, ông Lê Văn Phê ký hợp đồng số 08/HĐK khoán bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ ven biển với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu với tổng diện tích khoán là 23,5 ha; thời hạn hợp đồng đến 08/11/2044.
Ngày 08/3/2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn số 121/NN-LN có nội dung: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tiến hành thanh lý hợp đồng khoán đã ký với các hộ gia đình; Ban quản lý Rừng phòng hộ có trách nhiệm lập lại hợp đồng với các hộ gia đình đã nhận khoán trước đây.
Ngày 04/9/2007, ông Phê và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu tiến hành thanh lý hợp đồng số 08/HĐK. Sau đó, ông Phê có đơn xin tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ nhưng Ban quản lý Rừng phòng hộ không đồng ý ký hợp đồng với lý do ông Phê đã tự ý chuyển giao cho nhiều người khác thực hiện hợp đồng số 08/HĐK.
Ngày 19/3/2012, ông Phê có đơn khởi kiện hành chính yêu cầu Ban quản lý Rừng phòng hộ Bà Rịa-Vũng Tàu tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng theo các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng 08/HĐK trước đây.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2012/HCST ngày 11/9/2012, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bác đơn khởi kiện của ông Lê Văn Phê. Bản án bị kháng cáo. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 49/2012/HC-PT ngày 26/12/2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định y án sơ thẩm.
Tại phiên họp ngày 15/4/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án hành chính phúc thẩm và Bản án hành chính sơ thẩm; giao cho TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có vấn đề pháp lý quan trọng là:
Hợp đồng số 08/HĐK ký ngày 08/11/1994 giữa vợ chồng ông Lê Văn Phê và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu là hợp đồng dân sự. Do có sự thay đổi về một bên tham gia hợp đồng (Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao nhiệm vụ thay thế Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu) dẫn đến có sự kiện thay đổi hợp đồng với Ban quản lý Khu bảo tồn. Việc thanh lý hợp dồng với Ban quản lý Khu bảo tồn cũng như ký hợp đồng mới với Ban quản lý Rừng phòng hộ đều là giao dịch dân sự. Vì vậy, tranh chấp về việc chấm dứt hay tiếp tục thực hiện hợp đồng số 08?HĐK hay yêu cầu ký hợp đồng khoán mới đều là tranh chấp dân sự và phải được giải quyết bằng vụ án dân sự chứ không phải vụ án hành chính. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định việc từ chối ký kết hợp đồng là hành vi hành chính (giống như hành vi từ chối giao đất) để giải quyết vụ án hành chính là không đúng pháp luật.
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
Khi quan hệ được xác lập là hợp đồng dân sự thì dù có sự thay đổi về chủ thể tham gia hợp đồng bằng quyết định hành chính, các tranh chấp về việc thực hiên, thay đổi, chấm dứt hợp đồng vẫn là tranh chấp dân sự chứ không phải tranh chấp hành chính; yêu cầu giải quyết tranh chấp phải được giải quyết theo tố tụng dân sự chứ không phải tố tụng hành chính.


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Quy định mới về cấp bằng lái xe quốc tế tại Việt Nam


(Thông tư Số: 29/2015/TT-BGTVT của Bộ giao thông vận tải ngày 06/ 07/ 2015 có hiệu lực ngày 01/10/2015)

Việt Nam sẽ cấp bằng lái xe quốc tế








Từ ngày 1/10/2015, Tổng cục đường Bộ (TCĐB) và các sở GTVT sẽ tiến hành cấp giấy phép lái xe quốc tế cho người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại VN, có giấy phép lái xe quốc gia do VN cấp còn giá trị sử dụng.

Tên tiếng Anh của giấy phép lái xe này là International Driving Permit và được viết tắt là IDP.



IDP được sử dụng để lái xe tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế Vienna 1968 về giao thông đường bộ và công ước về biển báo – tín hiệu đường bộ.

Ấn vào ĐÂY để xem 85 quốc gia trên.



IDP không giống như bằng lái xe trong nước mà là 1 quyển sổ nhiều trang. Đó là một quyển sổ có kích thước A6 (148 x 105cm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, sử dụng dãy số tự nhiên bao gồm 15 chữ số, 3 chữ số đầu là mã Quốc gia (084), 12 chữ số sau là số GPLX quốc gia.

Hạng xe được phép điều khiển của IDP tương ứng với các hạng xe của GPLX quốc gia do VN cấp.



IDP được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, ghi thông tin cơ bản của IDP, phạm vi sử dụng của IDP. Trong đó, phần khai về người lái xe và phân hạng IDP được in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được cấp phép dễ dàng sử dụng ở các quốc gia ở các quốc gia tham gia công ước Vienna 1968.



Dự kiến mức phí cấp giấy phép lái xe quốc tế cũng bằng với mức phí cấp bằng vật liệu mới là 135.000 đồng. Khi đó, người Việt Nam sử dụng giấy phép lái xe quốc tế khi tham gia giao thông ở các nước tham gia công ước Vienna thì không cần phải đăng ký trước với cơ quan quản lý giao thông tại nước đó.

Để được cấp IDP, người dân nộp đơn đề nghị theo mẫu trong thông tư 29/2015/TT-BGTVT tại TCĐB VN hoặc sở GTVT. Sau khi nộp đơn, trong vòng không quá 5 ngày, TCĐB hoặc sở GTVT sẽ tiến hành cấp IDP cho người yêu cầu được cấp. Trong trường hợp TCĐB hoặc sở GTVT từ chối cấp phải nêu rõ và giải thích lý do cho người dân hiểu.

Có một số nước lớn như Mỹ, Nhật không tham gia vào công ước Vienna 1968, nhưng lại tham gia vào công ước Vienna 1949 - là một công ước cũng công nhận một loại IDP - giấy phép lái xe quốc tế (Việt Nam không tham gia vào công ước này). Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng chính thức trên các diễn đàn du lịch quốc tế thì những nước tham gia vào công ước Vienna 1949 như Mỹ và Nhật cũng sẽ có thể công nhận giấy phép lái xe quốc tế từ các nước tham gia vào công ước Vienna 1968 như Việt Nam.

Sau đây là bản đồ tô màu các nước công nhận IDP 1949 hoặc 1968 (xanh đậm và xanh nhạt)



Vụ án 2: tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư giữa bà Nguyễn Thị Dậu và Công ty cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Vinashin tại Hà Nội

Cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác không hạn chế không? Nếu vi phạm điều kiện chuyển nhượng thì xác định lỗi như thế nào?

Công ty Cổ phần Du lịch Đống Đa là loại hình doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, Công ty đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 8/4/2005. Bà Nguyễn Thị Dậu là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Du lịch Đống Đa. Ngày 12/10/2007, bà Dậu ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033 với Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Vinashin (gọi tắt là Vinashin). Theo hợp đồng, bà Dậu thỏa thuận sẽ chuyển nhượng cho Vinashin 23.400 cổ phần phổ thông đồng thời đàm phán và mua lại của các cổ đông khác 3.240 cổ phần. Vinashin đặt cọc cho bà Dậu 35 tỷ đồng và bà Dậu chuyển cho Vinashin 18.448 cổ phần để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng. Hai bên thỏa thuận đến ngày 25/4/2008 sẽ thực hiện xong các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, bà Dậu thì cho rằng Vinashin vi phạm nghĩa vụ thanh toán dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng không thực hiện được còn Vinashin lại cho rằng bà Dậu không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo thỏa thuận của hai bên. Do vậy, ngày 23/11/2009, bà Dậu khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033.

Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 46/2010/KDTM-ST ngày5/4/2010, TAND thành phố Hà Nội đã quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033 và buộc các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 152/2010/KDTM-PT ngày 16/9/2010, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hợp tác đầu tư số 033 và buộc bà Dậu hoàn trả Vinashin toàn bộ số tiền đã nhận trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bị đơn có khiếu nại. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 17/4/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có vấn đề pháp lý quan trọng là:

Tại thời điểm bà Dậu ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033 với Vinashin thì bà Dậu là cổ đông sáng lập và bà Dậu vẫn bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần theo Khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp. Khoản 5 Điều 84 quy định: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ”.

Hợp đồng 033 được ký kết khi chưa có sự chấp thuận chuyển nhượng của Đại hội đồng cổ đông nên hợp đồng 033 vô hiệu. Nếu là hợp đồng có hiệu lực thì phải căn cứ vào hợp đồng để xác định vi phạm và trách nhiệm dân sự. Nhưng với hợp đồng vô hiệu thì phải căn cứ vào việc ai có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ hợp đồng vô hiệu. Thực tế, các bên tham gia hợp đồng 033 có thỏa thuận bổ sung bà Dậu phải tổ chức Đại hội cổ đông để nhận được sự chấp thuận của đa số các cổ đông về việc bà Dậu chuyển nhượng cổ phần cho phù hợp với Điều 84 nêu trên. Tuy nhiên, bà Dậu đã không thực hiện thỏa thuận này nên phải xác định bà Dậu là người có lỗi chính làm cho hợp đồng vô hiệu.

Tòa án cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng số 033 là không đúng, còn Tòa án cấp phúc thẩm hủy hợp đồng số 033 buộc bà Dậu trả lại cho Vinashin 45 tỷ đồng đã nhận nhưng không buộc Vinashin trả lại bà Dậu 18.448 cổ phần đồng thời chỉ xác định Vinashin có lỗi cũng là không đúng.

Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng theo Khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005. Khi hợp đồng chuyển nhượng cổ phần bị vô hiệu do vi phạm điều kiện quy định ở Khoản 5 do chưa có ý kiến chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông thì phải xác định lỗi chính là của bên chuyển nhượng.





Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Vụ án 1: Đòi nhà cho thuê giữa ông Diệp và bà Thơ tại Quận 3 – TP Hồ Chí Minh


Trong tranh chấp tài sản, tài sản không thuộc về bên này thì có thể mặc nhiên quyết định của bên kia hay không?

Các nguyên đơn là ông Hoàng Đình Diệp, bà Hoàng Thị Ích và chị Hoàng Thị Châu là ba trong số các người con của cụ Nguyễn Thị Hào (chết năm 2005). Các nguyên đơn trình bày:
Năm 1956 cụ Hào mua một phần diện tích đất thuộc khuôn viên, sân của căn nhà 436/11 Ter Lê Văn Duyệt của cụ Uông Thị Chỉnh. Việc mua bán chỉ lập giấy viết tay, nay đã bị thất lạc. Vì thế, năm 2002 cụ Chỉnh có lập giấy tái xác nhận là có bán căn nhà trên cho cụ Hào (có xác nhận của chính quyền địa phương).
Sau khi nhận chuyển nhượng, cụ Hào đã làm nhà tạm trên diện tích đất này và đó là căn nhà mang số 436/41/3 Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), phường 11, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Cụ Hào cho bà Nguyễn Thị Thơ thuê lại căn nhà tạm trên với giá 50 đồng (việc thuê chỉ nói miệng). Bà Thơ chỉ phải trả tiền nhà một thời gian, sau đó do thấy hoàn cảnh khó khăn nên cụ Hào không thu tiền nhà nữa. Từ năm 1970 đến khi cụ Hào mất, cụ Hào đòi lại nhà nhưng bà Thơ không trả. Nay, ông Diệp đại diện cho các thừa kế của cụ Hào yêu cầu Tòa án xem xét công nhận căn nhà số 436/41/3 Cách Mạng Tháng Tám thuộc quyền sở hữu của cụ Hào và buộc bà Thơ trả lại căn nhà nêu trên cho chị em ông.
Bà Thơ khai rằng: Căn nhà 436/41/3 là do bà thuê của một người già vào năm 1964, bà không biết tên gì, bà cụ đã chết từ lâu. Việc thuê nhà chỉ có bà và bà cụ biết, không có làm giấy tờ. Sau giải phóng, bà không đóng tiền thuê nhà cho ai nữa cho đến nay. Hàng năm bà vẫn đóng thuế nhà đất cho Nhà nước và tiến hành kê khai nhà đất vào các năm 1977, 1999. Bà cho rằng cụ Hào không phải chủ sở hữu nhà, căn nhà 436/11 Ter không phải là căn nhà 436/41/3 hiện nay gia đình bà đang ở. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không có trách nhiệm trả nhà cho những người thừa kế của cụ Hào.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1061/2010/DSST ngày 26/7/2010, TAND thành phố Hồ Chí Minh quyết định công nhận quyền sở hữu căn nhà số 436/41/3 Cách Mạng Tháng Tám cho bà Nguyễn Thị Hào; buộc bà Thơ trao trả ngôi nhà trong thời hạn 3 tháng. Bà Thơ kháng cáo. Bản án phúc thẩm số 100/2011/DSST ngày 18/4/2011 Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 21/5/2014 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và hủy bản án sơ thẩm; giao cho TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:
Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường không có hồ sơ, thông tin về việc nhà 436/41/3 Cách mạng Tháng Tám trước đây mang số 436/41/3 Lê Văn Duyệt hay mang số 436/11 Lê Văn Duyệt. Mặt khác, tại đơn xin xác nhận ngày 06/8/2010 của bà Thơ, Ủy ban nhân dân phường 11, quận 3 xác nhận, “theo hiện trạng số nhà tại phường 11, quận 3, thì số nhà 436/11 Cách Mạng Tháng Tám và số 436/41/3 Cách Mạng Tháng Tám không phải là một”. Như vậy chưa có đủ cơ sở xác định nhà đất số 436/41/3 hiện nay bà Thơ đang sử dụng chính là nhà đất số 436/11 Ter Lê Văn Duyệt mà theo lời giấy xác nhận cụ Chỉnh bán cho cụ Hào.
Ngoài ra, có nhiều lời khai cho rằng nhà đất 436/41/3 có nguồn gốc của cố Nguyễn Thị Râm cho bà Thơ thuê nhà đất này theo như trình bày của bà Thơ tại đơn tường trình năm 1984. Với tình hình chứng cứ như trên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận cụ Hào có quyền sở hữu nhà  số 436/41/3, từ đó buộc bà Thơ trả lại căn nhà trên là chưa đủ căn cứ.
Cũng có ý kiến cho rằng Tòa án phải làm rõ nhà tranh chấp là của ai. Theo tố tụng dân sự thì người đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp (Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự). Vì vậy, người đi đòi nhà thì phải xuất trình chứng cứ chứng minh họ là chủ sở hữu hoặc là người thừa kế, người được giao chiếm hữu. Không có đủ căn cứ chứng minh là chủ thì cần bác yêu cầu đòi nhà.
Có vấn đề đặt ra là nếu bị đơn không thừa nhận nhà là của nguyên đơn thì công nhận nhà của bị đơn hay không? Nếu bị đơn có yêu cầu công nhận nhà là của bị đơn thì đó là yêu cầu phản tố, Tòa án sẽ xem xét theo quy định về phản tố. Nếu bị đơn chỉ không thừa nhận nhà của nguyên đơn thì đó không phải yêu cầu phản tố, Tòa án chỉ xem xét trong phạm vi khởi kiện theo đơn khởi kiện quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự (chỉ chấp nhận hay bác yêu cầu đòi nhà).
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
- Nguyên đơn khởi kiện đòi tài sản phải có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ tài sản hoặc là người thừa kế hợp pháp, người chiếm hữu hợp pháp  của tài sản đó. Nếu không chứng minh được thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Trường hợp Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong tranh chấp sở hữu mà bị đơn không có yêu cầu phản tố công nhận tài sản thuộc về mình thì Tòa án không có quyền quyết định tài sản thuộc về ai. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án chỉ được xem xét giải quyết trong phạm vi yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố của các đương sự.