Công ty Luật Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 334 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Điện thoại: 0911666884- 0924.488.884.

Công ty Đấu giá Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 07 Khúc Hạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng

Kim Trọng Hùng Group Kính chào Các bạn

Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng. Website:luatkimtronghung.com.

Luật sư Vũ Trọng Kim-CT Hội cựu TNXP

Ủy viên trung ương ĐCS khóa VIII, IX, X, XI. Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XIII, XIV.

Luật sư Nguyễn Cao Hùng-Giảng viên thỉnh giảng Luật Đầu tư

Tác giả sách: 200 câu hỏi đáp về Khiếu nại, tố cáo. Đồng tác giả sách: Bình luận KH BLTTHS 2015-XNB CAND

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

CHIẾT KHẤU & KHUYẾN MÃI

CHIẾT KHẤU & KHUYẾN MÃI


Khuyến mãi và Chiết khấu thương mại là hai khái niệm khác nhau. Không thể áp dụng quy định thủ tục khuyến mại cho chiết khấu.


Sáng 28-6, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án Công ty Cổ phần Thương mại Phú Lễ Việt Nam kiện cục trưởng Cục Thuế TP.HCM về quyết định truy thu thuế hơn 5,6 tỉ đồng. Tòa đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Theo án sơ thẩm, Công ty Phú Lễ không bị truy thu hơn 5,1 tỉ đồng nhưng vẫn bị truy thu khoảng 400 triệu đồng.

Trong quá trình bán sỉ hàng, Công ty Phú Lễ đã tặng, biếu cho các cửa hàng áo mưa, chén, cốc, ly thủy tinh, xô đựng đá... để phục vụ việc bán hàng tại các cửa hàng. Khi kê khai thuế, công ty này vẫn kê khai và khấu trừ số thuế giá trị gia tăng của các loại hàng biếu, tặng, cho kể trên.

Cơ quan thuế cho rằng Phú Lễ đã thực hiện hoạt động khuyến mãi. Theo quy định của Nghị định 37/2006 về xúc tiến thương mại thì doanh nghiệp phải nộp thông báo về khuyến mãi cho Sở Thương mại tỉnh, thành (nay là Sở Công Thương). Tại tòa, đại diện Cục Thuế TP cho rằng thông báo này được xem là “chứng từ”. Doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho số hàng khuyến mãi nếu đủ “hóa đơn, chứng từ”. Do Phú Lễ không đủ “chứng từ” nên không được khấu trừ thuế, phải truy thu và xử phạt khoảng 400 triệu đồng.

Tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, đã tuyên rằng Cục Thuế truy thu đúng. Doanh nghiệp biếu, tặng, cho thì xem như đang khuyến mãi và phải có thông báo khuyến mãi với Sở Công Thương thì mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong vụ kiện Cục Thuế TP, phần thắng kiện của Công ty Phú Lễ chiếm gần 92% tổng số tiền mà Cục Thuế truy thu, phạt thuế, chiếm trên 5,1 tỉ đồng trong số gần 5,6 tỉ đồng trong quyết định.

Khi bán hàng, Phú Lễ có hợp đồng với đại lý thỏa thuận nếu đại lý mua hàng đạt doanh số trên 100 triệu đồng thì được hưởng chiết khấu thương mại 5%. Khi thanh tra, Cục Thuế TP.HCM xem đây là việc khuyến mãi và cho rằng rượu là hàng cấm khuyến mãi nên đã bác bỏ các khoản chiết khấu, áp lại doanh thu và thuế, dẫn đến truy thu, xử phạt trên 5,1 tỉ đồng.

Trong lần xử sơ thẩm năm 2015, tòa đã tuyên rằng khuyến mãi và chiết khấu thương mại là khác nhau và Phú Lễ đang thực hiện chiết khấu thương mại. Do đó việc truy thu thuế của Cục Thuế TP là không có cơ sở. Quyết định truy thu thuế phải bị hủy và điều chỉnh lại. Cả Phú Lễ và Cục Thuế TP đều không kháng cáo đối với nội dung này.

 Thực trạng pháp luật Khuyến mại tại VN

1. Cơ sở pháp lý:

Tại Điều 14[1] Nghị định hợp nhất số 08/VBHN, quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, quy định về khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Như vậy, các hoạt động khuyến mại trong tiếp thị thương mại điện tử cũng được điều chỉnh từ Điều 88 đến Điều 101, tại mục 1, chương IV của Luật Thương mại 2005; Và từ Điều 1 đến Điều 20 của Nghị định này; cũng như các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh & hạn chế kinh doanh của nghị định Số: 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014; Thông tư Liên tịch số 07/2007/TTLT- BTM-BTC của Bộ Tài chính-Bộ Thương mại ban hành ngày 06/07/2007 quy định về quản lý hoạt động khuyến mại của cơ quan nhà nước.

Theo Điều 88 Luật Thương mại Số: 36/2005/QH11, Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Nghị định số 8/VBHN, tại Điều 2 đã quy định thương nhân bao gồm người trực tiếp hoặc người kinh doanh dịch vụ xúc tiến; & bổ sung đối tượng được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại là cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp trưng bày; triễn lãm; hội chợ. 

Thời gian gần đây, do tính chất phức tạp về giá cả và khuyến mại, vì thế mà Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 đã ra đời, sau đó được hợp nhất với Luật về hàng không dân dụng thành Luật giá số 10/VBHN-VPQH ngày 11/12/2014. Theo luật này, hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (khoản 2 Điều 10); Quy định về trường hợp kiểm tra yếu tố cấu thành giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (Điều 19), thuộc diện bình ổn giá (Điều 15) và hàng hóa dịch vụ khác có giá biến động bất thường (Điều 26). Bên cạnh đó, Luật Giá còn quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (Điều 11&Điều 12); của người tiêu dùng (Điều 13& Điều 14). 

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động của website khuyến mại trực tuyến[2] được quy định tại mục 3, từ Điều 39 đến Điều 43. Thông tin về giá cả hàng hóa dịch vụ được quy định tại Điều 31. Các hình thức của website khuyến mại trực tuyến được quy định tại Điều 7[3] Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quy định quản lý website thương mại điện tử.

Về "hứa thưởng, thi có giải" ngày càng phức tạp như: hứa thưởng; rút lại tuyên bố hứa thưởng; trả thưởng; thi có giải, trong hoạt động khuyến mại và trong quan hệ dân sự nói chung, vì thế Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015, hiệu lực ngày 01/01/2017, đã dành chương XVII từ Điều 570 đến Điều 573 để điều chỉnh hành vi này. Ngoài ra, một số văn bản pháp quy chuyên ngành quy định về hoạt động khuyến mại trong các lĩnh vực như: cạnh tranh, dược phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, thuế, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ vận chuyển, vv¼ 

2. Nội dung cơ bản: 

+ Sản phẩm hạ giá & khuyến mại 

Theo khoản 6 Điều 11 của Luật Giá 2012 thì việc hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau: "Hàng tươi sống; Hàng hóa tồn kho; Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ; Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật; Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.".

Theo Luật Thương mại 2005, tại Điều 93[4] quy định hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; Và Điều 94[5] quy định hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá khuyến mại. Với hình thức khuyến mại bằng chương trình mang tính may rủi thì phải nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng (khoản 4 Điều 96).

Tại mục 1 Nghị định Số: 08/VBHN-BCT, hiệu lực 07/02/2014, đã quy định nguyên tắc thực hiện khuyến mại, hạn mức tối đa giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không quá 50% (Điều 6). Việc bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó được quy định tại Điều 9[6].

+ Các hình thức khuyến mãi & hành vi bị cấm:

Theo Luật Thương mại 2005, Điều 92[7] quy định các hình thức khuyến mại & Điều 100[8] quy định 10 hành vi bị cấm trong khuyến mại.

3. Pháp luật về Thuế trong hoạt động khuyến mại:

Theo ước tính, thương mại điện tử có trên 1.300 lĩnh vực ứng dụng, chính sách pháp luật thuế hiện hành bao gồm gần 300 loại phí, lệ phí & 12 loại thuế. Trong đó, hoạt động tiếp thị chịu sự điều chỉnh chủ yếu của pháp luật về thuế Giá trị gia tăng (Số: 05/VBHN-VPQH, ngày 11/7/2013, hiệu lực 11/7/2013 & Số: 16/VBHN-VPQH, ngày 11/12/2014, hiệu lực ngày 11/12/2014); thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; và Thuế Tiêu thụ đặc biệt với các loại hàng hóa dịch vụ như: thuốc lá; rượu; bia; kinh doanh golf, bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi golf (Điều 2 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt số: 06/VBHN-VPQH, ngày 11/12/2014, hiệu lực 11/12/2014),.v.v.

Thông tư số 16/VBHN-BTC, ngày 17/6/2015, hiệu lực 17/6/2015, hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, tại khoản 5 Điều 7 quy định giá tính thuế[9] & Tại khoản 5 Điều 14[10] quy định nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. 

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 04/VBHN-VPQH, ngày 11/7/2013, hiệu lực 11/7/2013, tại điểm m, khoản 2 Điều 9 quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: "Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;". Nhưng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/VBHN-VPQH, ngày 11/12/2014, đã bãi bỏ điểm này. 

Như vậy, khi khuyến mại là hàng hóa dịch vụ doanh nghiệp phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ là hàng hoá dịch vụ khuyến mại, giá tính thuế GTGT bằng không (0). Trường hợp khuyến mại bằng phiếu quà tặng thì không phải lập hoá đơn. Khoản chi khuyến mại có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ) và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN từ kỳ tính thuế 2015 khoản chi này được tính theo số thực chi căn cứ vào hoá đơn chứng từ hợp pháp.

Thông tư số 103/2014/TT-BTC, ngày 06/8/2014, hiệu lực 01/10/2014, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại việt nam hoặc có thu nhập tại việt nam, tại khoản 4 Điều 2 có quy định về đối tượng không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ "Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet)" & " Xúc tiến đầu tư và thương mại". Ví dụ 6: Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Trường hợp tổ chức ở Singapore thực hiện quảng cáo sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trên internet thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Như vậy, Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ tiếp thị, quảng cáo cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài đều phải nộp thuế. Trường hợp xúc tiến đầu tư và thương mại, theo kiểu truyền thống, ở nước ngoài thì không phải chịu thuế.

Luật thuế thu nhập cá nhân số 15/VBHN-VPQH, ngày 11/12/2014, tại khoản 6; khoản 7; khoản 8 Điều 3, quy định thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập trúng thưởng trong khuyến mại, trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác; thu nhập từ bản quyền chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

[1] Điều 14 Nghị định hợp nhất số 08/VBHN: "Đối với chương trình khuyến mại mà hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại được mua, bán hoặc cung ứng qua internet và các phương tiện điện tử khác, thương nhân thực hiện khuyến mại phải tuân thủ các quy định về khuyến mại của Luật Thương mại và Nghị định này". 

[2] Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định: "10. Website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.". 

[3] Điều 7 Thông tư số 47/2014/TT-BCT " 1. Website hoạt động theo hình thức quy định tại điểm a và b Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; 2.Website thực hiện khuyến mại cho hàng hóa của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại dưới những hình thức sau: a) Tặng hàng hóa hoặc đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; b) Bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó, được áp dụng trong một thời gian nhất định hoặc với một số lượng khách hàng nhất định; c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về khuyến mại". 

[4] Điều 93 Luật Thương mại 2005 quy định: "1. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại để xúc tiến việc bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó; 2. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.". 

[5] Điều 94 Luật Thương mại 2005 quy định: "1. Hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng; 2. Hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để khuyến mại có thể là hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đó đang kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ khác; 3. Hàng hóa, dịch vụ được dùng để khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp; 4. Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.". 

[6] Điều 9 Nghị định 08/VBHN-BCT quy định: " 1. Trong trường hợp thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá thì mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trong thời gian khuyến mại tại bất kỳ thời điểm nào phải tuân thủ quy định tại Điều 6 Nghị định này; 2. Không được giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ trong trường hợp giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định giá cụ thể; 3. Không được giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiểu; 4. Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày; 5. Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ." 

[7] Điều 92 Luật Thương mại 2005 quy định: "1. Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; 2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; 3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ; 4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định; 5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; 6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; 7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác; 8. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại; 9. Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận." 


[8] Điều 100 Luật Thương mại 2005quy định:"1. Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; 2.Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; 3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi;4. Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức;5. Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;6. Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác;7. Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;8. Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng;9. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;10. Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật này." 


[9] Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 16/VBHN-BTC quy định giá tính thuế:" 5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho. Một số hình thức khuyến mại cụ thể được thực hiện như sau: a) Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0. Ví dụ 29: Công ty TNHH P sản xuất nước ngọt có ga, năm 2014 Công ty có thực hiện đợt khuyến mại vào tháng 5/2014 và tháng 12/2014 theo hình thức mua 10 sản phẩm tặng 1 sản phẩm. Chương trình khuyến mại vào tháng 5/2014 được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Theo đó, đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 5/2014, Công ty TNHH P xác định giá tính thuế bằng không (0). Trường hợp chương trình khuyến mại vào tháng 12/2014 không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, Công ty TNHH P phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 12/2014; b) Đối với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, dịch vụ trước đó thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Ví dụ 30: Công ty N hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, chuyên bán các loại thẻ cào di động. Công ty thực hiện đăng ký khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại dưới hình thức bán hàng thấp hơn giá bán trước đó cho thời gian từ ngày 01/4/2014 đến hết ngày 20/4/2014, theo đó, giá bán một thẻ cào mệnh giá là 100.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT) trong thời gian khuyến mại được bán với giá 90.000 đồng. Giá tính thuế GTGT đối với một thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng trong thời gian khuyến mại được tính như sau: ; c) Đối với các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ thì không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm.". 


[10] Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 16/VBHN-BTC quy định nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau: "5. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ."