Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

LỊCH SỬ NGHỀ LUẬT SƯ TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

 LỊCH SỬ NGHỀ LUẬT SƯ TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Nghề luật sư như chúng ta biết ngày hôm nay đã trải qua một lịch sử rất dài. Nó bắt đầu hình thành từ thời Hy lạp cổ đại (khoảng 3500-3000 năm trước CN) và phát triển vào thời Trung đại (khoảng Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15 sau CN).
Vào thời Hy Lạp Cổ Đại nghề luật sư chưa thực sự tồn tại, các bị cáo phải tự bào chữa cho mình dựa trên gợi ý từ bài diễn văn của một người biện sư nào đó ( biện sư là người được coi như làm công việc viết hộ văn bản cho người khác). Tại Roma, dù đã có nhiều người chuyên viết bài bào chữa nổi tiếng, ví dụ như Tullius Ciceron (- 106 trc JC - 46 sau JC, ông có thể được coi như ông tổ của nghề luật sư) vai trò người bảo vệ vẫn mới chỉ tồn tại dưới dạng một thể chế tự do.

Thời kỳ Trung đại là thời kỳ đặt nền móng cho nghề luật sư. Dưới triều đại của hoàng đế Justin đệ nhất, các
nguyên tắc của một Đoàn Luật Sư đã được hình thành. Việc soạn thảo và hoàn thiện những bộ quy tắc đạo đức trải dài hàng thế kỷ và thường được viết bởi những luật sư gạo cội của Đoàn. Trong thời kỳ này, muốn hành nghề Luật sư, mỗi cá nhân phải có một trình độ hiểu biết nhất định phải được nhà nước công nhận. Từ đó mới hình thành nên thuật ngữ Luật sư (trong tiếng Pháp gọi là “Maitre” và có thể dịch là “Bậc thầy”) và các chế độ về thù lao. Từ đó cũng tạo ra việc phân loại luật sư theo các đặc thù: luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, luật sư tập sự.

Thời kỳ Phục Hưng cho tới thế kỷ thứ 18. Vào thời kỳ này những nguyên tắc nghề nghiệp cơ bản vẫn được duy trì và phát triển. Các tổ chức luật sư tách khỏi các tổ chức thẩm phán, đồng thời các quy tắc đạo đức nghề nghiệp được luật hóa thông qua các sắc lệnh. Các luật sư bắt đầu tham gia vào việc soạn thảo các bộ luật và các quy tắc ứng xử khác. Tuy nhiên trong lĩnh vực hình sự, bị cáo vẫn phải tự bào chữa và họ thường xuyên bị đánh đập, tra tấn. Vai trò của luật sư cũng chưa được coi trọng, mới chỉ đóng vai trò tư vấn ban đầu. 
Tại Pháp bắt đầu từ Cách mạng 1789, việc tra tấn tội phạm bị cấm và tính độc lập của nghề Luật sư dần được khẳng định. Luật sư được hưởng quyền miễn trừ khi tham gia bào chữa và từ năm 1851, Luật sư phải bào chữa miễn phí cho các đối tượng khó khăn. Thời kỳ Đệ tam Cộng Hòa (1870 – 1940) là thời kỳ phát triển rực rỡ của giới Luật sư Pháp. Trong số 23 Tổng thống thời kỳ này thì có 11 người là Luật Sư. 

Tại Việt nam, ngành luật nói chung cũng như nghề luật sư nói riêng tại Việt Nam chủ yếu hình thành dưới thời
thuộc Pháp. Về đào tạo luật, ngày 10/11/1907 toàn quyền Paul Bert thành lập Trường Đại Học Hà Nội (phố Lê Thánh Tông ngày nay) gồm 5 trường cao đẳng là Luật và Pháp Chính (École de Droit et d'Administration), Khoa Học, Y Khoa, Xây Dựng, Văn Chương. Ngày 15/10/1917 Trường Pháp Chính (École de Droit et d'Administration) được thành lập lúc đầu nhằm đào tạo quan lại "ngạch Tây" phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp về hành chánh, tài chánh, tư pháp, học trình 3 năm, riêng ban tài chánh học 2 năm. Tốt nghiệp được bổ dụng làm tham biện ở các công sở (còn gọi là tham tá), hoặc đi làm tri phủ, tri huyện ở các tỉnh. Trường được đổi thành Cao Đẳng Học Viện Đông Dương (École des Hautes Étude Indochinoises) do nghị định ngày 18/09/1924 với mục đích đào tạo ở bậc cao học về luật pháp, chính trị, lịch
sử và triết học. Muốn nhập học phải có bằng tú tài bản xứ hay tú tài Pháp, chương trình học 3 năm. 

Ngày 11/09/1931 theo sắc lệnh của tổng thống Pháp đổi thành Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l'Indochine) sau đó năm 1941 đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học luật tại đây và Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, Ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.

Hoạt động luật sư ở Việt Nam đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh này đã quy định việc duy trì tổ chức luật sư trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là một trong những quyền quan trọng của bị cáo. Hiện nay hành lang pháp lý cho hoạt động luật sư là Luật luật sư được Quốc hội thông qua năm 2006 và được sửa bổ sung vào năm 2012.

Dù hình thành và phát triển chưa lâu so với lịch sử của nghề luật sư nhưng giới Luật sư và luật gia nước ta rất tự hào khi trong hàng ngũ của mình có rất nhiều người là các chính khách nổi tiếng và có đóng góp lớn lao cho đất nước như Đại tướng - luật gia Võ Nguyên Giáp, luật sư Phan Anh, luật sư Phan Văn Trường, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, luật sư Phạm Văn Bạch, luật sư Vũ Trọng Khánh, luật sư Vũ Đình Hoè, luật sư Trần Công Tường, luật sư Nguyễn Văn Hưởng, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Ngô Bá Thành…và nhiều luật sư khác. Đặc biệt, luật sư Thái Văn Lung đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ Quốc.

Nguồn: Luật sư. Vũ Văn Tính ( Paris ngày 10 tháng 10 năm 2013) 
[*] Bài viết này có tham khảo các tài liệu: “Les avocats à travers l’histoire” trên trang web www.avocats.fr; “Thi cử và nền giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc Pháp” của tác giả Trần Bích San; “Cuộc đời anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” – Báo GTVT ngày 5 tháng 10 năm 2013.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét