Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Vấn đề yêu cầu phản tố trong giải quyết một vụ án thừa kế

Vấn đề yêu cầu phản tố trong giải quyết một vụ án thừa kế
ThS. Nguyễn Thị Hạnh - Giảng viên Khoa Đào tạo Thẩm phán- Học viện Tư pháp

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự có yêu cầu phản tố của bị đơn cho thấy, có Tòa án vẫn còn nhầm lẫn trong việc xác định yêu cầu phản tố, điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố và giải quyết về mặt nội dung yêu cầu phản tố. Việc nhầm lẫn này dẫn đến hậu quả không bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự. Chúng tôi xin nêu một vụ án cụ thể để minh chứng. Nội dung vụ án như sau:

Cụ Đặng Văn S và cụ Nguyễn Thị T sinh được 8 người con (đã chết 2 người là bà Đặng Thị X và Đặng Thị B) còn lại 6 người gồm bà Đặng Thị M, bà Đặng Thị L, Đặng Thị N, Đặng Thị S, Đặng Thị T và ông Đặng Văn Th. Năm 1996 cụ S chết, năm 1999 cụ T chết, các cụ không để lại di chúc. Tài sản của các cụ để lại có 1200 m2 đất thổ cư tại phố Y, xã P, huyện M, tỉnh VP. Khi còn sống, các cụ chưa phân chia tài sản cho ai. Ông Th đang quản lý 400 m2, bà M đang quản lý 400 m2, bà L quản lý 200 m2, bà S quản lý 200 m2.

Ngày 16.8.2005, ông Đặng Văn Th khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại theo pháp luật, khi chia để lại 200 m2 đất phía sau làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông Th yêu cầu gộp diện tích 400 m2 bà M đang quản lý, sử dụng vào di sản để chia thừa kế và cho rằng việc bà M cung cấp giấy chuyển nhượng của cụ S năm 1984, của cụ T năm 1997 là giả mạo.

Bị đơn bà Đặng Thị M thống nhất với lời khai của ông Th về người để lại di sản và người thừa kế. Tuy nhiên, bà cho rằng khi còn sống bố mẹ bà đã chuyển nhượng cho bà diện tích đất bà đang ở. Trong quá trình sử dụng từ năm 1984 đến nay hàng năm bà vẫn đóng thuế và không có ai tranh chấp. Do đó, bà không đồng ý sát nhập diện tích đất bà đang ở vào khối tài sản chung của cụ S, cụ T để chia thừa kế.

Ngày 15.1.2007, bà M có đơn yêu cầu phản tố. Trong đơn, bà đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng 400 m2 đất là của bà và chia di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại theo pháp luật, bà đồng ý trích ra 200 m2 đất trong di sản của bố mẹ giao cho ông Th làm nơi thờ cúng, còn lại chia cho các hàng thừa kế.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà L, bà N, bà S, bà T cũng có cùng quan điểm với ông Th, yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật.

Với nội dung vụ án như trên, bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án huyện M đã xử:
- Xác nhận diện tích đất 800 m2 tờ bản đồ số 13 tại khu 5, phố Y, xã T, huyện M có giá trị 1.6000.00.000 là tài sản chung của cụ Đặng Văn S và cụ Nguyễn Thị T.
- Xác nhận diện tích 400 m2 thửa số 15, tờ bản đồ số 13 tại khu 6, phố Y, xã T, huyện M là tài sản hợp pháp của bà Đặng Thị M.
- Xác nhận cụ S mất năm 1996, cụ T mất năm 1999 chia thừa kế theo pháp luật tài sản của cụ S, cụ T có 800 m2.
- Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ S, cụ T gồm bà Đặng Thị M, bà Đặng Thị L, Đặng Thị N, Đặng Thị S, Đặng Thị T và ông Đặng Văn Th.

Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự giao cho ông Th 200 m2 đất phía sau có trị giá 400.000.000 đồng làm nơi thờ cúng.
Xác nhận mỗi kỷ phần được hưởng 200.000.000 đồng
1. Giao cho bà M 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh
2. Giao cho bà L 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh
3. Giao cho bà N 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh
4. Giao cho bà S 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh
5. Giao cho bà T 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh
6. Giao cho ông Th 100 m2 đất thổ cư trị giá 200.000.000 đồng có các chiều giáp ranh

Ngày 8/2/2007, bà Đặng Thị L, Đặng Thị N, Đặng Thị S, Đặng Thị T và ông Đặng Văn Th có chung kháng cáo, không nhất trí với bản án sơ thẩm về việc công nhận 400 m2 đất thuộc thửa số 15, tờ bản đồ số 13 tại khu 6, phố Y, xã T, huyện M là tài sản của bà M.

Tại bản án phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh VP đã nhận định: “Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn là bà M, Hội đồng xét xử thấy: Tòa án sơ thẩm đã thông báo về việc thụ lý vụ án từ ngày 22/8/2005, cùng với việc nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình với yêu cầu khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố với nguyên đơn căn cứ khoản 1, Điều 176 BLTTDS. Trước đó, bà M không có yêu cầu chia cho bà phần đất ông Th và các em đang quản lý sử dụng tại biên bản hòa giải ngày 29.5.2006. Sau một thời gian dài, đến ngày 15.1.2007 bà M mới có yêu cầu phản tố và chỉ nộp 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình tại biên lai số 008536 ngày 18.1.2007 trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử 4 ngày (22.01.2007). Đáng lẽ Tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố này, giả sử có đủ điều kiện chấp nhận thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị đơn nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí căn cứ Điều 178 và khoản 3 Điều 171BLTTDS. Vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa bản án, bác yêu cầu phản tố của bà M”.

Trong vụ án này, chúng tôi không bàn đến việc xây dựng hồ sơ vụ án, đánh giá chứng cứ, giải quyết vụ án về mặt nội dung mà chỉ bình luận liên quan đến vấn đề xác định yêu cầu phản tố của bà Đặng Thị M cũng như nhận định và quyết định của Toà án tỉnh VP về việc “bác yêu cầu phản tố của bà M”.
Vấn đề thứ nhất: Về việc xác định yêu cầu phản tố của bà Đặng Thị M

Theo nội dung đơn yêu cầu phản tố của bà M, bà có hai yêu cầu: công nhận quyền sử dụng 400 m2 đất là của bà và chia di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại theo pháp luật. Tòa án tỉnh VP đã xác định cả hai yêu cầu này đều là yêu cầu phản tố. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc Tòa án xác định cả hai yêu cầu của bà M là yêu cầu phản tố có chính xác không?

Trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự, nhiều trường hợp còn sự nhầm lẫn giữa yêu cầu phản tố với ý kiến phản bác của bị đơn. Sự nhầm lẫn này có nguyên nhân xuất phát từ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) còn chưa rõ ràng, cụ thể để nhận diện được chính xác về yêu cầu phản tố cũng như nhận thức của một số thẩm phán về vấn đề này còn có sự mơ hồ. Việc xác định chính xác yêu cầu của bị đơn là yêu cầu phản tố có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án dân sự bởi lẽ thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn (Điều 178 BLTTDS) và trong bản án phải phán quyết cụ thể về yêu cầu phản tố của bị đơn.

Để xác định yêu cầu của công nhận quyền sử dụng 400 m2 đất và yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại theo pháp luật của bà M có phải là yêu cầu phản tố không, chúng ta cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này. Điều 176 BLTTDS quy định:
“1. Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.
2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn được chấp nhận khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.

Trên cơ sở quy định của Điều 176 BLTTDS, Mục 11, Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã hướng dẫn cụ thể như sau:
“11.1. Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng về yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết. Trường hợp bị đơn có yêu cầu cùng về yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn), thì đây là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn..
11.2. Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầucủa nguyên đơn.
11.3. Yêu cầu phản tốcủa bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căncứ.
11.4. Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tốcủa bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.”

Về yêu cầu thứ nhất của bà M: Trong vụ án trên, nguyên đơn (ông Th) và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có hai yêu cầu, đó là yêu cầu gộp 400 m2 đất mà bà M đang quản lý vào di sản thừa kế và yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại, còn bà M yêu cầu công nhận 400 m2 đất đó là của bà. Từ yêu cầu của các đương sự trong vụ án có thể khẳng định rằng: đối tượng tranh chấp ở đây là 400 m2 đất bà M đang quản lý, các bên đương sự thống nhất về việc chia di sản thừa kế và đều có yêu cầu chia. Bên nguyên đơn ông Th và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng: 400 m2 đất này là tài sản của bố mẹ để lại vì vậy yêu cầu xác định là di sản thừa kế. Còn bị đơn bà M khẳng định 400 m2 đất đó không còn là di sản thừa kế mà là tài sản của bà và yêu cầu công nhận quyền sử dụng diện tích đất đó cho bà. Đối chiếu với nội dung các quy định của pháp luật đã viện dẫn nêu trên, tác giả cho rằng việc Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm xác định yêu cầu này của bà M là yêu cầu phản tố là chính xác vì đây là một yêu cầu mới, độc lập, không cùng với yêu cầu của nguyên đơn; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Yêu cầu này của bà M nếu được chấp nhận sẽ dẫn đến loại trừ yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với yêu cầu thứ hai của bà M: Nguyên đơn (ông Th) yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có cùng yêu cầu với ông Th. Mặc dù trước đó, bà M không yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại nhưng trong đơn yêu cầu phản tố, bà M cũng có yêu cầu chia di sản thừa kế, là quyền sử dụng đất mà ông ông Th, bà L, bà S đang quản lý. Đây là quyền của đương sự trong tố tụng dân sự. Trước khi mở phiên tòa, BLTTDS không có quy định giới hạn thời hạn quyền yêu cầu của đương sự. Tại phiên tòa, đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu không vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Rõ ràng, yêu cầu này của bà M không mang tính độc lập mà cùng yêu cầu với yêu cầu của nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên chúng tôi cho rằng không thể xác định là yêu cầu phản tố. Như vậy, không phải mọi yêu cầu của bị đơn đối với nguyền đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự đều là yêu cầu phản tố. Theo quan điểm của tác giả, trong vụ án thừa kế, chia tài sản chung không chỉ nguyên đơn mà các đương sự khác là bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế, chia tài sản chung. Tương tự như vậy, trong vụ án ly hôn không chỉ nguyên đơn mà cả bị đơn đều có quyền yêu cầu ly hôn, nuôi con và chia tài sản. Vì vậy, với nhận định :“Trước đó, bà M không có yêu cầu chia cho bà phần đất ông Th và các em đang quản lý sử dụng tại biên bản hòa giải ngày 29.5.2006. Sau một thời gian dài, đến ngày 15.1.2007 bà M mới có yêu cầu phản tố”, Tòa án tỉnh VP đã xác định yêu cầu chia di sản thừa kế của bà M là yêu cầu phản tố, tác giả cho rằng không chính xác.
Vấn đề thứ hai: Về nhận định và quyết định của Toà án tỉnh VP “bác yêu cầu phản tố của bà M”.

Liên quan đến vấn đề này, có 2 nội dung cần trao đổi:
Thứ nhất: Thời hạn bị đơn có quyền yêu cầu phản tố trong quá trình giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 175, 176 BLTTDS. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 175 BLTTDS và khoản 1 Điều 176 BLTTD thì trong thời hạn thông báo thụ lý vụ án 15 ngày hoặc 30 ngày (trong trường hợp gia hạn) kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn (khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định bổ sung bị đơn có quyền phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập). Có nghĩa là, từ thời điểm nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì bị đơn bắt đầu có quyền yêu cầu phản tố. Song, ở thời điểm giải quyết vụ án này BLTTDS chỉ quy định về thời điểm bắt đầu bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố mà không quy định thời điểm kết thúc của thời hạn bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Và như vậy, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết vụ án ở Toà án cấp sơ thẩm. Cho nên, với nhận định của Tòa án tỉnh VP:(“Trước đó, bà M không có yêu cầu chia cho bà phần đất ông Th và các em đang quản lý sử dụng tại biên bản hòa giải ngày 29.5.2006. Sau một thời gian dài, đến ngày 15.1.2007 bà M mới có yêu cầu phản tố và chỉ nộp 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình tại biên lai số 008536 ngày 18.1.2007 trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử 4 ngày (22.01.2007). Đáng lẽ Tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố này, giả sử có đủ điều kiện chấp nhận thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị đơn nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí căn cứ Điều178 và khoản 3 Điều 171BLTTDS. Vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa bản án, bác yêu cầu phản tố của bà M”) theo quan điểm của tác giả là không đúng các quy định của BLTTDS đã phân tích nêu trên. Bởi lẽ, nội dung nhận định này cho thấy, Tòa án tỉnh VP đã không chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn là do bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố quá thời hạn quy định tại Điều 176 BLTTDS. Điều này đã dẫn đến việc không bảo đảm quyền của bị đơn trong tố tụng dân sự, làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác, triệt để.

Vì BLTTDS không quy định về thời điểm kết thúc của thời hạn bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố nên việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 176 BLTTDS của các Toà án trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự không thống nhất. Các Toà án đã chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn (thụ lý yêu cầu phản tố) ở các thời điểm khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Có Toà án chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn đến thời điểm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Có Toà án chỉ chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn trong thời hạn thông báo thụ lý vụ án (15 hoặc 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý). Có những vụ án, tại phiên tòa bị đơn mới đưa ra yêu cầu phản tố và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét, giải quyết. Trong trường hợp này, đương sự đã lập luận rằng BLTTDS đã không có quy định giới hạn thời điểm bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố nên tại phiên tòa bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Với quan điểm tạo sự thống nhất trong việc xác định thời hạn bị đơn có quyền yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS đã bổ sung quy định tại Điều 176 “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố cho đến trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. Quy định này phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, bảo đảm được quyền của các đương sự trong tố tụng dân sự.

Thứ hai: Vì cho rằng bà M đã đưa ra yêu cầu phản tố quá thời hạn quy định tại Điều 176 BLTTDS nên Tòa án tỉnh VP nhận định: “bác yêu cầu phản tố của bà M” và do đó trong phần quyết định của bản án phúc thẩm cũng đã: “bác yêu cầu phản tố của bà M đòi chia di sản thừa kế trên diện tích đất của ông Th, bà , bà đang quản lý” điều này là không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bà M.

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, khi bị đơn đưa ra yêu cầu thì trước hết Tòa án phải xem xét yêu cầu đó có phải là yêu cầu phản tố theo quy định tại khoản 2 Điều 176 BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 11, Phần 11 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS. Khi đã xác định được chính xác yêu cầu của bị đơn là yêu cầu phản tố thì tiếp theo là phải xác định có đủ điều kiện để thụ lý yêu cầu đó không. Nếu đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố. Điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ điều kiện thụ lý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng thời phải bảo đảm điều kiện về thời hạn yêu cầu phản tố. Nếu không đủ điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố thì Tòa án không chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố (không thụ lý yêu cầu). Khi đã chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố, Tòa án phải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu đó trong cùng một vụ án. Kết quả của việc giải quyết yêu cầu là Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu (một phần hoặc toàn bộ).

Như vậy, cần phân biệt không thụ lý yêu cầu phản tố với giải quyết về mặt nội dung yêu cầu phản tố của bị đơn. Nếu nhầm lẫn sẽ dẫn đến trường hợp không đủ điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố nhưng trong bản án lại quyết định “bác yêu cầu phản tố…” và hậu quả là đương sự bị mất quyền khởi kiện đối với yêu cầu này. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 168 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung) thì Tòa trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau: “b) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện”

Từ các phân tích trên cho thấy, trong giải quyết vụ án dân sự rất cần thiết phải phân biệt các khái niệm: khôngchấp nhận xem xét yêu cầu và không chấp nhận yêu cầu. Qua nghiên cứu các bản án dân sự tác giả thấy: khi không chấp nhận yêu cầu của đương sự nhiều bản án vẫn sử dụng cụm từ “bác yêu cầu”. Mặc dù, xét về bản chất của “bác yêu cầu” và “không chấp nhận yêu cầu” là giống nhau song BLTTDS không sử dụng cụm từ “bác yêu cầu”. Tại khoản 4 Điều 238 BLTTDS quy định cách viết bản án sơ thẩm đã khẳng định: “Trong nhận định của Tòa án phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Một trong những yêu cầu của soạn thảo bản án là phải bảo đảm tính chính xác.Vì vậy, khi soạn thảo bản án dân sự tác giả cho rằng các Thẩm phán cần sử dụng thuật ngữ pháp lý theo đúng quy định của BLTTDS.

Trở lại vụ án, do cho rằng không đủ điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố của bà M, Tòa án phải khẳng định việc không chấp nhận xem xét yêu cầu này và nhận định rõ trong phần “xét thấy” của bản án tại sao không chấp nhận xem xét yêu cầu của đương sự, vỉ vậy không thể nhận định và quyết định“bác yêu cầu phản tố của bà M” được.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vấn đề yêu cầu phản tố trong giải quyết một vụ án thừa kế, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét