Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Ngôn ngữ Hợp đồng - tiếng Việt hay tiếng Anh?

Ngôn ngữ Hợp đồng - tiếng Việt hay tiếng Anh?


Hỏi:Công ty tôi (chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế website, logo cho nhãn hiệu) có nhiều khách hàng và đối tác làm ăn là người nước ngoài, do đó các hợp đồng chúng tôi ký kết hầu hết bằng tiếng Anh. Xin hỏi là luật pháp Việt Nam có quy định gì đối với ngôn ngữ phải sử dụng khi giao kết Hợp đồng hay không?


Giao kết hợp đồng bằng tiếng Việt hay tiếng Anh?








Ngoại trừ một số quy định chuyên ngành, các luật chính điều chỉnh các hoạt động thương mại không đề cập đến vấn đề hợp đồng giao kết trong lãnh thổ Việt Nam phải được lập bằng tiếng Việt hay không.

Luật Thương mại 2005 là cơ sở pháp lý chính cho các giao dịch thương mại (ví dụ như các hoạt động kinh doanh của công ty bạn) không đưa ra quy định cụ thể là hợp đồng phải được viết bằng ngôn ngữ gì. Bộ Luật Dân sự điều chỉnh rộng hơn các hành vi dân sự cũng chỉ đưa ra định nghĩa cho các giao dịch dân sự là bằng lời nói hoặc văn bản.

Tuy nhiên cũng nên lưu ý Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng dân sự là tiếng Việt nên khi có tranh chấp xảy ra cần đưa ra thụ lý và tranh tụng tại các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước thì hợp đồng đó sẽ được xem xét trên cơ sở tiếng Việt.

Ngoài ra, còn có một số luật và quy định chuyên ngành yêu cầu các hợp đồng phải được viết bằng tiếng Việt như sau.

Giao kết hợp đồng bằng tiếng Việt hay tiếng Anh?


Đối với Luật Công chứng thì các hợp đồng thuộc đối tượng bắt buộc phải công chứng như mua bán nhà ở, bất động sản... đều phải được lập bằng tiếng Việt.

Đối với Thông tư 156/2013/TT-BTC về thuế, tài liệu bằng tiếng nước ngoài (trong đó có hợp đồng ký kết trong quá trình kinh doanh) thì phải được dịch ra tiếng Việt cho cơ quan thuế xem xét.
  • Người nộp thuế phải ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. 
  • Trong trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang A4 thì người nộp thuế phải có văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Như vậy, trong các thoả thuận dân sự (và thương mại) giữa các bên hợp đồng, bạn có thể tự chọn ngôn ngữ giao kết tuỳ thích - tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý những luật chuyên ngành có thể yêu cầu Hợp đồng phải được viết (hoặc có bản) bằng tiếng Việt - nhất là khi bạn làm việc với các cơ quan hành chính, nhà nước. Ngoài ra, bạn cũng thể tham khảo sử dụng hợp đồng song ngữ.

Nguồn: Thư viện pháp luật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét