Kiến nghị về vai trò của luật sư trong giai đoạn xác minh đơn thư tố cáo trước khi khởi tố vụ án hình sự
I/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: Điều 53. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Điều 93 quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
II/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đang được rà soát sửa đổi, là luật sư hành nghề bào chữa trong các vụ án hình sự tôi nhận thấy và góp ý sửa đổi một việc như sau:
Hiện tại, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự luật sư mới chỉ được quyền tham gia tố tụng ở các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử mà không được tham gia trong giai đoạn xác minh đơn thư tố cáo trước khi khởi tố vụ án. Điều này ảnh hưởng xấu tới cơ hội hành nghề của luật sư, cản trở mong muốn chính đáng của công dân có được luật sư bảo vệ khi lâm vào vòng lao lý.
Thực tiễn cho thấy, trường hợp khách hàng là người bị tố cáo bị cơ quan điều tra triệu tập đến lấy lời khai và yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ để làm rõ một số nội dung đơn thư tố cáo, nhưng khi luật sư muốn làm việc cùng khách hàng thì lại bị cơ quan điều tra từ chối. Lý do đưa ra là thời điểm đó mới đang xác minh dấu hiệu tội phạm và chưa có quyết định khởi tố, ngoài ra luật chỉ quy định luật sư bắt đầu tham gia hoạt động bào chữa khi khách hàng trở thành bị can (khi có quyết định khởi tố bị can) hoặc bị bắt tạm giữ.
Trong giai xác minh đơn thư tố cáo, cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động điều tra không khác gì so với giai đoạn đã khởi tố vụ án rồi. Như cũng triệu tập lấy lời khai, cũng yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, xác minh lý lịch, giám định và các hoạt động điều tra khác.
Giai đoạn xác minh đơn thư tố cáo rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến số phận pháp lý của công dân nhưng họ lại không được quyền mời luật sư bào chữa, như thế là bất hợp lý. Đây là lỗ hổng lớn của bộ luật tố tụng hình sự và là nguyên nhân tạo ra sự lộng quyền bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra.
Trong thời gian gần đây kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau và để đòi nợ nhiều khi biện pháp được lựa chọn lại là hình sự hóa sự việc, thay vì kiện ra tòa dân sự để đòi thì đương sự lại tố cáo nhờ cơ quan công an điều tra. Các cán bộ ngân hàng cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi gặp nhiều phiền phức, mặc dù sau khi có kết luận là sự việc không có dấu hiệu tội phạm, hành vi không cấu thành tội thì đương sự cũng đã rất tốn kém rồi về thời gian, công sức và tiền bạc rồi.
Sự việc mới đây ông Đỗ Duy Việt (47 tuổi, trú tại thôn Thành Thắng, xã Luận Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) sau khi bị triệu tập làm việc đã chết tại đồn Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Gia đình nghi ngờ chết do bị đánh đập, cơ quan công an thì cho rằng nghi can xấu hổ nên treo cổ tự tử. Đáng chú ý là ông Việt chết khi cơ quan điều tra mới đang lấy lời khai xác minh dấu hiệu tội phạm và chưa có quyết định khởi tố. Sự việc này cho thấy giai đoạn tiền tố tụng cũng rất cần có sự tham gia của luật sư để kiểm soát hoạt động của cơ quan điều tra cũng như tư vấn pháp lý cho khách hàng đỡ túng quẫn làm liều.
Tương tự với trường hợp em Đỗ Đăng Dư ở Hà Nội cũng vậy. Và ....
III. KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Ban nội chính trung ương, Viện trưởng VKSNDTC-kiêm Trưởng ban soạn thảo BLTTHS sửa đổi, xem xét bổ sung quyền của luật sư tham gia bào chữa bảo vệ cho khách hàng trong giai đoạn xác minh đơn thư tố cáo trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
2. Đề nghị các luật sư đồng nghiệp quan tâm bàn thảo tạo chuyển biến về vấn đề này góp phần bảo vệ quyền hành nghề của luật sư đồng thời cũng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
3. Đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm phản ánh những sự việc thực tế có liên quan đến nội dung ý kiến nêu trong kiến nghị này, góp phần xây dựng nền tư pháp nước nhà được trở lên công minh tiến bộ.
Nguồn: Ls. Ngô Ngọc Trai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét