Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang là như thế nào?

Ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang là như thế nào?

Theo trang web của Ngân hàng nhà nước (NHNN): “Ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng PNB, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan”.
Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành, đại diện là việc một người (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Một trong hai dạng đại diện có đại diện theo ủy quyền. Hiểu đơn giản là việc một người trao quyền cho người khác, thay mặt mình, làm (hay không làm) một việc gì đó trong phạm vi quyền mà mình có, vì lợi ích của mình. Dự thảo BLDS (sửa đổi) hiện nay nhìn chung cũng quy định tương tự như vậy.
Từ thông tin ngắn gọn được công bố trên đây, giữa ông Trầm Bê và NHNN có xác lập quan hệ đại diện theo ủy quyền. Ông Trầm Bê là người được đại diện. NHNN (hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định) là người đại diện. Phạm vi ủy quyền là NHNN sẽ thay mặt ông Trầm Bê thực hiện các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của các ngân hàng đối với toàn bộ số cổ phần tại các ngân hàng có liên quan thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê (và các bên có liên quan?). Việc ủy quyền giữa một cá nhân cho NHNN thực hiện quyền cổ đông của mình trong ngân hàng dù rất mới mẻ nhưng cũng không quá kỳ lạ so với quy định của pháp luật đã đề cập ở trên.
Về thời hạn ủy quyền, luật nói rằng thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì thời hạn ủy quyền là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Ở đây việc ủy quyền là “vô thời hạn”, theo cách hiểu của người viết có nghĩa là mãi mãi. Ngoài ra việc ủy quyền này là “không hủy ngang”, có thể hiểu là ông Trầm Bê sẽ không bao giờ được đơn phương chấm dứt việc ủy quyền cho NHNN. Còn theo luật, đại diện theo ủy quyền sẽ chấm dứt khi người ủy quyền hủy bỏ ủy quyền.
Như vậy luật cho phép người ủy quyền rút lại ủy quyền bất cứ lúc nào. Tất nhiên luật cũng cho phép các bên được tự do thỏa thuận, cho nên việc một bên cam kết với bên kia, kiểu như: “À, luật cho tôi hủy ủy quyền nhưng anh yên tâm, tôi hứa với anh là tôi không làm vậy đâu” cũng không có gì là trái với luật hay đạo đức xã hội!
Vậy trong kinh doanh, vì một lý do nào đó (dạng như lập công ty “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tên của người này nhưng tiền của người kia), liệu một nhà đầu tư nước ngoài sau khi bỏ vốn để người Việt Nam đứng tên thành lập công ty có nên buộc người Việt Nam lập một cam kết ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang cho phép bên nước ngoài thực hiện toàn bộ các quyền cổ đông trong công ty hay không? Quan hệ đó của các bên có bị xem là “giao dịch giả cách” hay nôm na là có “lách luật” hay không thì xin được bàn vào dịp khác, nhưng xét các quy định nói trên của luật và “học tập” vụ việc thực tế của NHNN thì việc ủy quyền như vậy là không trái luật.
Tuy nhiên nếu nhà đầu tư nước ngoài đi hỏi luật sư thì thường sẽ được tư vấn là: đừng vội tin vào cái dạng ủy quyền không hủy ngang ấy! Sở dĩ có lời khuyên này là vì dù cam kết không hủy ngang thì đó chỉ là một lời hứa, mà lời hứa thì không loại trừ khả năng... “gió bay”. Nghĩa là cam kết ấy có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào. Vi phạm cam kết thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm, tức là phải gánh lấy hậu quả, nhưng như vậy không có nghĩa là người ta không được quyền không hủy ngang.
Nói cách khác nhà đầu tư nước ngoài không thể cầm tờ cam kết ấy và “rung đùi” mà ngồi quản lý công ty. Đó là chưa kể đến những trường hợp khác mà việc ủy quyền sẽ đương nhiên chấm dứt, ví dụ như người ủy quyền bán cổ phần cho người khác (khi đó không có “quyền” thì lấy gì mà “ủy”) hay xấu hơn như khi người ủy quyền... mất. Xác lập quan hệ đại diện theo ủy quyền cũng không bao giờ làm cho người được đại diện mất đi các quyền đã “ủy”, nghĩa là một ngày đẹp trời người được đại diện muốn tự mình thực hiện các quyền mà mình vốn có cũng không ai được phép cấm cản cả.
NHNN lựa chọn giải pháp nói trên (biết đâu là mang tính tình thế) chắc hẳn đã nắm rõ luật, cân nhắc đầy đủ các tình huống và NHNN cũng có nhiều công cụ để đảm bảo cam kết ủy quyền được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả. Nhưng với một nhà đầu tư tư nhân thì khác, họ không có siêu quyền lực như NHNN cho nên khi nghe đối tác nói rằng sẽ ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang cho mình thì khoan hãy yên tâm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét