Công ty Luật Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 334 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Điện thoại: 0911666884- 0924.488.884.

Công ty Đấu giá Kim Trọng Hùng Kính chào Các bạn

Địa chỉ: 07 Khúc Hạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng

Kim Trọng Hùng Group Kính chào Các bạn

Đồng sáng lập: LS Vũ Trọng Kim và LS Nguyễn Cao Hùng. Website:luatkimtronghung.com.

Luật sư Vũ Trọng Kim-CT Hội cựu TNXP

Ủy viên trung ương ĐCS khóa VIII, IX, X, XI. Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XIII, XIV.

Luật sư Nguyễn Cao Hùng-Giảng viên thỉnh giảng Luật Đầu tư

Tác giả sách: 200 câu hỏi đáp về Khiếu nại, tố cáo. Đồng tác giả sách: Bình luận KH BLTTHS 2015-XNB CAND

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

"Dân ta phải biết biển ta", qua thông điệp của tàu USS Lassen Mỹ

"Dân ta phải biết biển ta", thông điệp của tàu USS Lassen Mỹ

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc được thông qua tại thành phố Montegoby của Jamaica vào ngày 10-12-1982. Công ước đã có hiệu lực và hiện nay có 161 thành viên tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam (ngày 23/6/1994), Trung Quốc, Malasia, Philippin, Indonesia, Singapore và Brunay.
ĐIỀU 13. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi 
1. “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. 
2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chung không có lãnh hải riêng.

ĐIỀU 60. Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế 
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng: 
a) Các đảo nhân tạo; 
b) Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác; 
c) Các thiết bị và công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng. 
2. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư. 
3. Việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, và việc duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm. Các thiết bị hay công trình đã bỏ hoặc không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra về mặt đó. Khi tháo dỡ phải tính đến việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia khác. Cần thông báo thích đáng về vị trí, kích thước và độ sâu của những phần còn lại của một thiết bị hoặc công trình chưa được tháo dỡ hoàn toàn. 
4. Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; trong các khu vực đó, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó. 
5. Quốc gia ven biển ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế có thể áp dụng được. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trinh, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình dó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục. 
6. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn. 
7. Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. 
8. Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa. 


Như vậy, Bắc Kinh cũng không thể phủ định rằng việc tàu USS Lassen Mỹ đi vào khu vực bãi Su Bi (Bãi cạn lúc chìm lúc nổi) là đúng theo công ước Luật biển UNCLOS: đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Sau đây là một số khái niệm chung để mọi người dân Việt Nam cần phải biết

1> Quốc gia ven biển:

Là quốc gia có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.

a. Nội thủy (Internal Waters)
Điều 8: Nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

b. Lãnh hải (Territorial Sea)
Điều 3: Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở, chiều rộng tối đa là 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m).

Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình. Chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải là tuyệt đối. Chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh hải cũng là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền đối với vùng nước lãnh hải không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì ở lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.

Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua .

c. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone)

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Quốc gia ven biển cũng có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải để trừng trị việc vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

d. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone)

Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). 

Theo điều 56 , trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Khác với nội thủy và lãnh hải, quốc gia ven biển không có chủ quyền mà chỉ có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó cũng như đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Hiện nay, tài nguyên thiên nhiên chính trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang quan tâm và đẩy mạnh thăm dò, khai thác là tôm, cá. Đối với số lượng tôm, cá mà quốc gia ven biển không đánh bắt hết thì có thể cho phép các quốc gia khác đánh bắt (nhưng họ phải trả lệ phí và tuân thủ các quy định của quốc gia ven biển).

Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. 

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định các quốc gia khác, bất kể là quốc gia có biển hay không có biển, được hưởng một số quyền nhất định ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển như quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển

đ. Thềm lục địa (Continental Shelf)

Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: Có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến hàng trăm hải lý. 

Điều 76: Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. 

Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý thì quốc gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị. 

Thực hiện quyền này, các quốc gia ven biển đã trình lên LHQ 60 báo cáo quốc gia khác nhau, trong đó có 5 báo cáo chung - do 2 hoặc 3, 4 nước cùng làm báo cáo đối với một khu vực cụ thể. Ngày 6.5.2009, Đại diện thường trực nước ta tại LHQ cùng với Đại diện thường trực Malaysia trình LHQ báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở nam biển Đông. Tiếp đó, ngày 7.5.2009, Đại diện thường trực nước ta tại LHQ đã trình tiếp báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc.

Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Hiện nay, các nước ven biển tập trung thăm dò, khai thác nguồn lợi dầu khí để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong tương lai, ngoài dầu và khí, các nước sẽ thăm dò và khai thác các tài nguyên khác như quặng sắt, đồng, chì, thiếc… ở thềm lục địa của mình. 

Đặc biệt, khoản 2, điều 77 nhấn mạnh quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây, nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Điều cần nhấn mạnh là, một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.

2> Quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế theo Công ước luật Biển năm 1982

a. Vùng biển quốc tế ( Biển cả):

Theo Công ước luật Biển năm 1982, vùng biển quốc tế là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Ở vùng biển quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống ngầm, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền tự do này, các quốc gia phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan của Công ước luật Biển năm 1982 như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển... Công ước quy định vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hòa bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.

b. Đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương):

Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển. Công ước luật Biển năm 1982 quy định đáy biển quốc tế là di sản chung của nhân loại và không một quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó. Đây cũng là những quy định mới trong luật biển quốc tế hiện đại. Công ước luật Biển năm 1982 quy định: khác với vùng biển quốc tế, ở đáy biển quốc tế các quốc gia không có quyền tự do khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đáy biển quốc tế, Công ước luật Biển năm 1982 đã quy định thành lập một tổ chức quốc tế mới là Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương.

Sự ra đời của Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của công ước. Theo đó, một số điều khoản của Công ước luật Biển năm 1982 liên quan quy chế pháp lý của đáy biển quốc tế đã có thay đổi nhất định để đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển.

3> Các cơ chế quốc tế để thực thi các quy định của Công ước luật Biển năm 1982

a) Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước luật Biển năm 1982:

Họp thường niên để thảo luận việc thực hiện công ước, bầu các cơ chế liên quan như Tòa án quốc tế về luật Biển, Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, xem xét và đánh giá hoạt động của các cơ chế đó. Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước luật Biển năm 1982 được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York vào khoảng tháng 6 hằng năm. Các quyết định được hội nghị thông qua bằng đa số phiếu. 

b) Tòa án quốc tế về luật Biển:

Có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan giải thích và thực hiện Công ước luật Biển năm 1982. Trụ sở của tòa án đặt tại Hamburg (Đức). Tòa có 21 thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm (có thể được bầu lại). Các thẩm phán của tòa án được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước luật Biển năm 1982 bầu bằng bỏ phiếu kín. Cho đến nay các quốc gia thành viên Công ước đã trình 19 vụ việc lên Tòa án quốc tế về luật Biển, trong đó 18 vụ liên quan tranh chấp giữa các quốc gia và 1 vụ Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương xin ý kiến tư vấn của tòa. Dư luận cho rằng về lâu về dài các quốc gia sẽ đưa nhiều vụ việc tranh chấp ra tòa nhiều hơn vì tòa án này có một số ưu thế nhất định so với các cơ chế tư pháp quốc tế khác.

c) Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương:

Có chức năng thay mặt toàn thể cộng đồng quốc tế quản lý đáy biển quốc tế (cấp phép thăm dò tài nguyên ở đó, định ra các chính sách thăm dò khai thác, phân chia thu nhập từ việc khai thác tài nguyên ở đáy biển quốc tế cho cộng đồng quốc tế…). Các quốc gia thành viên Công ước là thành viên đương nhiên của Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương.

Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương đóng tại Kingston (Jamaica). Các cơ quan chính của Cơ quan Quyền lực bao gồm Đại hội đồng với đại diện tất cả các quốc gia thành viên (tương tự như Đại hội đồng LHQ), Hội đồng với 36 thành viên (nhiệm kỳ 4 năm) và Ban Thư ký do Tổng thư ký đứng đầu.

d) Ủy ban Ranh giới thềm lục địa:

Được trao chức năng xem xét các báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa quá 200 hải lý, sau đó ra khuyến nghị đối với các báo cáo. Ủy ban có 21 thành viên được Hội nghị các thành viên công ước bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Sau khi Ủy ban có khuyến nghị, các quốc gia ven biển ấn định ranh giới thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý của mình. 

Tính đến ngày 5.6.2012, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa đã nhận được 60 báo cáo quốc gia về thềm lục địa quá 200 hải lý, trong đó có Báo cáo chung giữa Việt Nam và Malaysia về khu vực thềm lục địa phía nam biển Đông và Báo cáo riêng của nước ta về thềm lục địa phía Bắc. Hằng năm Ủy ban tiến hành các kỳ họp tại trụ sở LHQ ở New York. Do nội dung các báo cáo phức tạp và công việc xem xét các báo cáo thuộc dạng mới, nên đến nay mặc dù đã rất cố gắng, nhưng Ủy ban mới ra khuyến nghị đối với 17 báo cáo. Với tiến độ như vậy, dự kiến phải khoảng hai chục năm nữa Ủy ban mới ra được kết luận về tất cả các báo cáo quốc gia. Vì thế, trong mấy năm gần đây các quốc gia thành viên Công ước luật Biển năm 1982 đang cố gắng thương lượng để tìm các biện pháp thúc đẩy tiến độ công việc của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa.










Áp dụng Án Lệ- cuộc cách mạng pháp lý mới của Việt nam

Áp dụng Án Lệ- cuộc cách mạng pháp lý của Việt nam

Chiều 29-10, TAND Tối cao tổ chức họp báo công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16-12-2015.

1> Tranh luận về lẽ công bằng trong tố tụng dân sự

Ngày 26-10, Quốc hội đã có buổi thảo luận cuối cùng về dự án BLTTDS (sửa đổi) trước khi thông qua ở cuối kỳ họp. Hầu hết các vấn đề mới nhất, cũng là sửa đổi lớn nhất vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Chẳng hạn, đa số ĐB đồng tình với nội dung tòa không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện vì lý do chưa có luật quy định nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại e ngại rằng nó xung đột với ngay Điều 4 của dự luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện để bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của mình. “Như vậy, tòa vẫn có thể nói quyền mà anh đòi là không hợp pháp nên không thụ lý”.

Một vấn đề khác là dự luật đề ra các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Lúc ấy, tòa có quyền áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật hoặc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng quy định như vậy là vội vàng vì Hiến pháp cũng như pháp luật chỉ cho phép tòa xử tuân theo pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật: “Giao cho thẩm phán xử theo lẽ phải, lẽ công bằng thì hóa ra thẩm phán có quyền làm luật? Xử sơ thẩm nói thế này công bằng, phúc thẩm bảo thế khác mới đúng, lấy gì làm cơ sở? Tôi cho rằng những việc như vậy không nhiều, nếu cần thì tòa yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích luật là đủ”.

Tương tự, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói: “Quốc hội làm luật để hạn chế sự tùy tiện thì sao lại giao cho thẩm phán dựa vào lẽ công bằng mơ hồ nào đó để xử. Đứng trước vụ tranh chấp giá trị hàng chục tỉ đồng, thẩm phán sẽ cân nhắc thế nào về lẽ công bằng khi mà lương họ chỉ 7-8 triệu đồng?”.

Ngược lại, nhiều ĐBQH bảo vệ quyết liệt những giá trị mới của dự luật. Trong đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã hai lần đăng đàn lập luận về lẽ công bằng.

“Lẽ công bằng là những giá trị, tư tưởng, quan điểm đạo đức có sẵn trong đời sống xã hội. Nhà nước đúc kết lẽ công bằng ấy thành các quy định pháp luật. Cái gì chưa đúc kết thì tự thân xã hội vận động, ứng xử theo lẽ thường của nó. Với những trường hợp chưa có luật quy định ấy, khi tranh chấp xảy ra, tòa phải dựa vào lý lẽ về công bằng đó để giải quyết, thuyết phục, thỏa mãn các bên tranh chấp” - ông Nghĩa nói.


2> Án lệ là gì?

Theo giới luật học, án lệ là đường lối áp dụng luật pháp của các tòa án về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ để các thẩm phán theo đó xét xử trong những trường hợp tương tự về sau. Xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo  Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao: Án lệ là nội dung trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa về một vụ việc cụ thể, có tính chuẩn mực, chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết vụ việc cụ thể đó.

Thời điểm này đã có đủ cơ sở pháp lý để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về việc ban hành và áp dụng án lệ. Chẳng hạn, Điều 22 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”…


3> Có án lệ, thẩm phán không thể xử tùy tiện

Có án lệ sẽ giảm sai sót (Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam):

Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về án lệ là cần thiết nhằm bổ khuyết cho những điểm thiếu hụt, chưa rõ ràng của hệ thống luật thành văn của nước ta. Tập hợp án lệ sẽ là căn cứ đối chiếu giúp việc giải quyết án của các tòa được thống nhất, bảo đảm cho việc xét xử công bằng hơn. Bởi lẽ người dân, đương sự có vụ việc tương tự đang được tòa giải quyết có quyền nghiên cứu án lệ để đối chứng, đề xuất các cấp tòa giải quyết theo án lệ nhằm bảo đảm sự công bằng.

Theo nghị quyết, thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải nghiên cứu, vận dụng án lệ, nếu không thì phải nêu rõ lý do trong bản án. Như vậy, thẩm phán, hội thẩm sẽ không thể tùy tiện thích thì áp dụng án lệ, không thích thì không áp dụng. Án lệ sẽ trở thành cẩm nang để thẩm phán, hội thẩm xét xử trong trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, giảm thiểu sai sót, hạn chế tiêu cực. Sự công khai của án lệ không những là một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hữu hiệu mà còn có tác dụng quan trọng giúp giảm thiểu đáng kể các kháng cáo, kháng nghị. Viện dẫn án lệ trong bản án còn làm tăng tính thuyết phục trong phán quyết của tòa.

Cái gì tốt thì nên làm (Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An):

Ngoài những mặt tích cực như dự thảo nghị quyết về án lệ của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra thì về thực tiễn, án lệ còn có nhiều lợi ích khác đối với riêng thẩm phán. Nó chống được tư duy xơ cứng của người xét xử, thậm chí làm thay đổi quan niệm chỉ áp dụng pháp luật thành văn ở chúng ta hiện nay. Điều này giúp thẩm phán vận dụng linh hoạt hơn với những vấn đề tương tự nhau để tạo ra một chuẩn mực đúng đắn, hợp lý trong xét xử.

Có ý kiến băn khoăn rằng nội hàm “làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau” của án lệ phải thuộc thẩm quyền giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn ngành tòa án chỉ được giải thích giới hạn ở phạm vi vụ việc cụ thể. Theo tôi, không nên suy nghĩ cứng nhắc như vậy vì cái gì tốt, có lợi thì nên làm. Việc áp dụng án lệ chắc chắn sẽ tốt hơn cho công tác xét xử, trong khi việc giải thích của cơ quan lập pháp trong những năm qua chưa đạt kết quả cao. Các nước cũng áp dụng được thì không lý gì chúng ta dùng lập luận trên để chối bỏ lợi ích của án lệ. Nếu cứ chờ giải thích pháp luật mà quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, các tranh chấp không được giải quyết thì sự chờ đợi đó có ý nghĩa gì?


4> Cá nhân cũng được đề xuất về án lệ

a. Quy trình tuyển chọn, hủy bỏ chặt chẽ

Việc tổ chức rà soát, phát hiện quyết định, bản án của các tòa để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành theo định kỳ sáu tháng. Những người có trách nhiệm rà soát để đề xuất là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương (đối với quyết định, bản án của tòa mình và các tòa trực thuộc). Một điểm đáng chú ý là cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa đáp ứng được ba tiêu chí trên (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học).

Sau khi nhận được đề xuất, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học sẽ tiến hành đăng tải các quyết định, bản án, nội dung được đề xuất công nhận làm án lệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến trong thời gian hai tháng.

Tiếp đó, trong thời hạn một tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố lấy ý kiến nói trên, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì phối hợp với các vụ chức năng của TAND Tối cao tập hợp góp ý, nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong quyết định, bản án được đề xuất… trình chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định thành lập hội đồng tư vấn án lệ. Trên cơ sở kết quả tư vấn của hội đồng này, chánh án TAND Tối cao sẽ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để thông qua án lệ.

Trường hợp do sự thay đổi của pháp luật hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ. Những người có thẩm quyền, trách nhiệm rà soát, đề xuất về án lệ cũng có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Sau khi tiếp nhận, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo chánh án TAND Tối cao để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét việc hủy bỏ, thay thế án lệ. Trên cơ sở kết quả biểu quyết của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chánh án TAND Tối cao công bố việc hủy bỏ hoặc thay thế án lệ. Văn bản hủy bỏ hoặc thay thế án lệ phải đăng trên tạp chí TAND, cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao và gửi đến các tòa.

b. Ủng hộ cá nhân đề xuất án lệ (TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM):

Mặt tích cực mà án lệ mang lại thì không cần bàn cãi nhiều bởi đa phần ai cũng công nhận và cho rằng cần thiết phải có. Bên cạnh những quy định hiện có của pháp luật thì cần phải áp dụng tập quán tương tự pháp luật và án lệ. Về bản chất, tòa xử theo án lệ là việc vận dụng các phán quyết có từ trước để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Về nguyên lý, người tạo ra án lệ là HĐXX ở bất cứ cấp tòa nào chứ không hẳn chỉ là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có quyền làm ra án lệ.

Tôi đánh giá cao quy định của dự thảo nghị quyết về việc ngoài những người có trách nhiệm đề xuất án lệ là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương thì cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn án lệ nếu đáp ứng được các tiêu chí mà dự thảo đề ra. Tôi cho đây là một nội dung rất tiến bộ, linh hoạt, là bước chuẩn bị tốt cho quy trình tuyển chọn án lệ sau này.


5> Nội dung công bố nghị quyết về áp dụng Án lệ

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết nghị quyết gồm 10 điều, trong đó Điều 1 hướng dẫn về khái niệm án lệ và giá trị pháp lý của án lệ. Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Nghị quyết cũng hướng dẫn các tiêu chí lựa chọn án lệ, theo đó, án lệ phải đáp ứng được ba tiêu chí:

Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.

Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực.

Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng.

Nghị quyết cũng dành một điều hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử. Theo đó, thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ghi trong quyết định công bố án lệ của chánh án TAND Tối cao.

Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.


6> Xử khác án lệ: Phải nêu rõ lý do

Theo nghị quyết, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết giống nhau phải được xử lý như nhau. Số bản án, quyết định của tòa có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý được án lệ giải quyết phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa.

Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành dẫn tới các nội dung của án lệ không còn phù hợp với pháp luật, không bảo đảm công bằng, công lý thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị để hủy bỏ, thay thế án lệ.

7> Án lệ và Liêm sỉ của Tòa án

Khi học luật ở Việt Nam, chúng ta vẫn được các giáo viên dạy: Ở các nước theo truyền thống common law thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn ở Việt Nam thì chúng ta không công nhận điều này.

Khi chúng ta đi học luật tại một quốc gia common law, tôi có tranh luận vấn đề này với một vị giáo sư người Mỹ: “Tại sao Hoa Kỳ lại coi án lệ là một nguồn của pháp luật?” Ông ấy trả lời: “Thực ra chẳng có văn bản chính thức nào của nước Mỹ coi án lệ là nguồn của pháp luật, từ Hiến pháp cho đến tất cả các luật khác. Nhưng chúng tôi vẫn căn cứ vào án lệ để xét xử là bởi nguyên tắc stare decisis.”

Nguyên tắc stare decisis thì dân luật chúng ta ai cũng hiểu, đó là việc các vụ án giống nhau thì tòa phải phán xét giống nhau. Ví dụ, trong vụ việc trước, tòa án công nhận một hợp đồng viết qua email là có hiệu lực. Nếu sau này gặp một vụ việc khác tương tự như vậy, tòa án buộc phải coi hợp đồng viết qua email là có hiệu lực.

Ông giáo sư nói: “Nguyên tắc này rất hiển nhiên”. Nếu hai vụ án giống nhau mà tòa án xét xử khác nhau thì tòa án trở nên tùy tiện, muốn xét xử thế nào cũng được. Hệ quả là, pháp luật trở nên hỗn loạn. Nếu tòa án muốn xét xử vụ việc sau khác đi, tòa sẽ phải làm một trong hai việc: (1) tòa phải chỉ ra và giải thích sự khác biệt căn bản của 2 vụ việc dẫn đến kết quả xét xử khác nhau; hoặc (2) đưa vụ việc lên tòa án cấp trên. Tòa án cấp dưới bị ràng buộc bởi các bản án trước đó của mình và của tòa cấp trên, trong khi tòa cấp trên chỉ bị ràng buộc bởi bản án của chính mình, chứ không bị ràng buộc bởi bản án của tòa cấp dưới. Riêng tòa án tối cao thì không bị ràng buộc.

Về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi được nghe một vị thẩm phán tâm sự. Trong một vụ án, ông được Chánh án chỉ đạo là phải xét xử cho bên nguyên thắng kiện. Ông đã đồng tình và làm theo. Sau đó ít lâu, ông được phân công xét xử một vụ việc khác có nội dung hoàn toàn tương tự với vụ việc trước, nhưng lần này được Chánh án chỉ đạo là xử cho bên bị thắng kiện. Vị thẩm phán này thấy nếu làm như vậy thì mình là người tiền hậu bất nhất nên đã cáo ốm để khỏi phải nhận vụ việc này.Câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ, bởi số lượng thẩm phán hành xử một cách có liêm sỉ như vị thẩm phán trên rất ít. Chuyện các thẩm phán “tiền hậu bất nhất” diễn ra khá phổ biến.

Trong một cuộc trò chuyện khác, với một thẩm phán người Pháp, một đất nước theo truyền thống civil law. Tôi hỏi: “Ở Pháp không có nguyên tắc stare decisis cứng nhắc như ở Mỹ, vậy có khi nào thẩm phán xét xử vụ việc sau tương tự nhưng lại phán quyết khác vụ việc trước đó không?” Vị thẩm phán đó trả lời: “Ở Pháp, các vụ án trước đó chia thành 2 loại. Một số bản án được công nhận và tất cả các thẩm phán sau này buộc phải tuân theo. Còn các bản án khác thì không bắt buộc như vậy.”. Vị thẩm phán đó nói tiếp: “Nhưng trên thực tế, dù không bắt buộc nhưng việc phán quyết khác đi là vô cùng hiếm. Bởi nếu làm như vậy, vị thẩm phán đó sẽ phải giải trình rất rõ lý do, nếu giải trình không thuyết phục thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được tiếp tục làm thẩm phán.”

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, Luật Tổ chức tòa án 2014 đã khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình của Pháp. Tòa án tối cao sẽ lựa chọn một số bản án và biến nó trở thành tiền lệ bắt buộc áp dụng. Nhưng điều chúng ta lo lắng không phải ở số đó, mà chính là ở số còn lại. Nếu các bản án không được tập hợp và công khai trong một cơ sở dữ liệu chung, nếu thẩm phán không viết rõ lập luận của mình trong bản án, và nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm khi thẩm phán “tiền hậu bất nhất” thì những câu chuyện như của vị thẩm phán còn liêm sỉ trên vẫn chỉ là chuyện hiếm gặp. Và hậu quả hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn sẽ hỗn loạn 






Quảng cáo siêu ngắn 5s & vấn đề quảng cáo sai sự thật ở nước ta

Quảng cáo siêu ngắn 5s & vấn đề quảng cáo sai sự thật ở VN


Ưu thế của những đoạn quảng cáo siêu ngắn 5s,  quảng cáo trên truyền hình, là thời lượng ngắn nên tiết kiệm chi phí khi phát sóng, đồng thời thông điệp về sản phẩm cũng ngắn gọn, đầy đủ thông tin. “Hơn nữa, những quảng cáo ngắn như vậy cũng thường xuất hiện trên truyền hình vào khung giờ ‘vàng’ khoảng 7-8h tối, nên rất đông người xem, vì nhà nhà đều xem tivi vào thời điểm này”.

Tuy nhiên, yếu tố bất lợi của những quảng cáo nói trên chính là việc gây ra cảm giác phản cảm đối với người xem, vì thường đi kèm với âm thanh mạnh, dữ dội và slogan trực diện “đánh” vào sản phẩm.
Dù thế, khi tần suất xuất hiện của những quảng cáo nói trên ngày một nhiều, không cần biết người xem đón nhận như thế nào, hàng ngày, các video nói trên vẫn được lên sóng đều, từ máy lọc nước, hàng gia dụng, thời trang, thậm chí cả… thuốc sinh lý.

Tại nước ngoài, các đoạn quảng cáo với thời lượng 5 giây không hiếm. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn được xen vào khi giới thiệu về sản phẩm. 

Kangaroo mới đây bị dấy lên nghi vấn về việc quảng cáo sai sự thật với nhãn hàng máy lọc nước Kangaroo KG110 – Omega.
Video tổng hợp những quảng cáo siêu ngắn ăn theo Kangaroo phát sóng hàng loạt trên truyền hình. Thường, những quảng cáo này được phát liên tiếp thành một series vào khung giờ "vàng" vào 7-9h tối. Sau đó là liên tiếp xuất hiện các đoạn quảng cáo 5 giây chỉ bao gồm tiếng động và slogan cho sản phẩm, sau “hiện tượng” Kangaroo

Theo đó, sản phẩm này được quảng cáo có khả năng “ngăn ngừa mỡ máu”. Quảng cáo được đi kèm với kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, trong đó, kết quả kiểm định cũng khuyến cáo: Nên sử dụng máy lọc nước RO của Kangaroo tại các gia đình bệnh nhân, người có nguy cơ nhiễm mỡ máu cao ở tuổi trung niên như một phương pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa rối loạn mỡ máu.

Tuy nhiên, phát biểu trên báo giới, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội có 2 vấn đề: Số mẫu nhỏ (chỉ thực hiện với 20 bệnh nhân trong thời gian 2 tháng) và tỷ lệ giảm quá ít (0,91 – 0,96%), không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Rất nhanh sau đó, bệnh viện Tim cũng lên tiếng bảo vệ mình khi cho rằng phía Kangaroo đã thực hiện quảng cáo với nhiều nội dung chưa đầy đủ, chính xác theo kết quả thử nghiệm tại bệnh viện, gây sự hiểu lầm, tạo dư luận không chuẩn xác về kết quả thử nghiệm.

Sự việc cũng đã được đưa lên tới Bộ trưởng Bộ Y tế. Báo Lao động trích lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: Phải xem lại xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào quy chế về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị và thuốc rất chặt chẽ. Nếu sai thì phải xử lý!

Sự khéo léo của hãng máy lọc nước

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cho rằng: Kangaroo không quảng cáo sai sự thật và vẫn có cái lý riêng của mình. Sự việc này liên quan đến kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, và Kangaroo được phép sử dụng kết quả này.
Tờ thông báo kết quả đề tài không thông tin rõ ràng về số lượng mẫu thử, thời gian, cũng như mức giảm trong thông báo là nhiều hay ít mà chỉ nói chung chung là có giảm.
“Đương nhiên, việc sử dụng câu chữ chung chung thế này thì Kangaroo là bên có lợi”, vị chuyên gia này nói. 

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, vấn đề nằm ở chỗ đại diện 2 tổ chức – Bệnh viện Tim Hà Nội và Hội Tim mạch phản bác nhau về kết quả chuyên môn nói trên, chứ không phải Kangaroo quảng cáo sai hay lừa dối.
“Kangaroo có thể thông báo là không biết cụ thể về chuyên môn mà chỉ sử dụng kết quả trên để truyền thông. Như vậy, nhãn hàng Kangaroo không bị ảnh hưởng nhiều lắm”, ông nói.

Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội bị chứng minh là sai quy chế, Kangaroo sẽ phải gỡ toàn bộ thông tin quảng cáo sản phẩm nói trên.
“Khi lợi thế truyền thông này không còn, doanh số của Kangaroo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, chuyên gia trên cho biết.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: Khi gỡ thông tin, chỉ sản phẩm “ngăn ngừa mỡ máu” bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ sản phẩm của Kangaroo bị ảnh hưởng.
“Chắc chắn sau sự việc này, Kangaroo sẽ rất khó khôi phục được sản phẩm nói trên”, chuyên gia này cho biết.

Xử lý tiền khủng hoảng như thế nào?

Thực tế thì hiện vẫn chưa có một cuộc khủng hoảng truyền thông với Kangaroo. Nhưng dù sao, nhãn hàng máy lọc nước này cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Kangaroo bán sản phẩm và rất có thể sau sự kiện này, sẽ có thêm nhiều vụ việc không hay ho khác của Kangaroo cũng bị lôi lên mặt báo.

Trước sự việc trên, đến thời điểm hiện tại, phía Kangaroo vẫn giữ im lặng và cố gắng không để thông tin lan rộng. Chuyên gia trên cho rằng đây không phải cách xử lý tốt.


“Đi be các điểm vỡ không phải cách xử lý tốt. Việc cần là phải xử lý tận gốc vấn đề”, ông nói.

Theo chuyên gia, Kangaroo nên xử lý tiền khủng hoảng theo 2 bước:

- Bước 1: Công bố việc tin tưởng nghiên cứu của Bệnh viện Tim là đúng và bắt tay với các bệnh viện để nghiên cứu sâu hơn
Kangaroo có thể nói rằng họ tin kết quả kiểm định trên là đúng. Nếu mẫu thử chưa chuẩn xác, họ sẽ bắt tay với Bệnh viện Tim Hà Nội hoặc các bệnh viện khác, hoặc cơ quan chức năng để tiếp tục làm kiểm định lâm sàng, sau đó công bố trở lại.
Đồng thời, tạm thời thu hồi sản phẩm. Khi có kết quả lâm sàng hợp lý sẽ công bố thông tin và tung ra sản phẩm, gắn sản phẩm với niềm tin người tiêu dùng.
“Xử lý như vậy là đàng hoàng, chính đáng. Không cần phải im hơi lặng tiếng”, chuyên gia này cho biết.

- Bước 2: Xoay chuyển tình thế từ bất lợi sang có lợi
Từ vụ này, Kangaroo hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế từ bất lợi thành có lợi.
Theo đó, Kangaroo nên có động thái lý giải về nguyên lý làm sao dùng nước từ máy lọc nước có thể giảm được mỡ máu, và công nghệ ấy khác biệt so với các công nghệ khác thế nào.
Thời gian thực hiện lâm sàng ở Bước 1 có thể mất từ 6 – 12 tháng. Nếu chỉ ngồi chờ đợi kết quả kiểm định lâm sàng thì sẽ lỡ cơ hội kinh doanh. Kangaroo có thể xin phép truyền thông sản phẩm trước. Trong trường hợp không được phép truyền thông sản phẩm thì có thể thực hiện truyền thông về mặt nguyên lý khoa học trước.
Sau khi có được kết quả kiểm định lâm sàng sẽ kết hợp công bố kết quả, truyền thông và công bố sản phẩm ra thị trường.

Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo và bệnh viện tim Hà Nội nói gì?

Trước sự phản ứng về quảng cáo “thổi phồng” thiết bị lọc nước có chức năng ngăn ngừa mỡ máu của Kangaroo, ngày 29/10, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản (Bộ TT&TT). Ông Toàn cho biết, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158/2014, quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cụ thể, nghị định trên quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng; Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo....

Trước đó, trong hai ngày 26 và 27/10, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có buổi làm việc với Cty Cổ phần Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc về việc Tập đoàn này sử dụng Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo ngày 01/10/2015 của Bệnh viện Tim Hà Nội vào quảng cáo máy lọc nước RO Kangaroo có thể ngăn ngừa mỡ máu khiến dư luận từ hiểu nhầm, tin tưởng và hoang mang.

Tại các biên bản làm việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc đã xin lỗi tập thể Ban Giám đốc, cán bộ, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội về việc đã thực hiện quảng cáo kết quả nghiên cứu bước đầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, có thể gây sự hiểu lầm về thông tin quảng cáo.

Theo yêu cầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc thu hồi toàn bộ các biển quảng cáo, nội dung quảng cáo có liên quan (hoàn thành về cơ bản vào cuối ngày 29/10/2015) và công khai đính chính thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định
Nguồn: tổng hợp

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Lợi thế chiến lược của Việt Nam: Thay đổi cách làm du lịch, nông nghiệp công nghệ cao

 LỢI THẾ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM :
Thay đổi cách làm du lịch, nông nghiệp CNC


Trồng rau bằng công nghệ thủy canh tại Nông trại Kim Bằng (Đà Lạt) cho thu nhập 5 tỉ đồng/ha/năm, trong khi trồng theo cách cũ tại Lâm Đồng chỉ cho thu nhập hơn 140 triệu đồng/ha/năm - Ảnh: Mai Vinh 
Để đất nước có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, có nhiều việc quan trọng phải làm. Trong đó, lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển là loại công việc quan trọng hàng đầu. Nước ta không ít lần đề ra các chiến lược phát triển, trong đó có xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Thậm chí đã viết đầy đủ và toàn diện, có những chỉ tiêu rất cụ thể, có cả những khẩu hiệu và chọn khâu đột phá.

Trong mấy chục năm nay, qua các kỳ đại hội và kế hoạch 5 năm, chúng ta đã xác định hàng chục ngành ưu tiên (mũi nhọn). Đến nay hỏi lại không rõ Việt Nam đang ưu tiên cho mũi nhọn nào và câu trả lời thường không thống nhất
Cần xem lại chiến lược phát triển

Từ thực tế 30 năm đổi mới, nay nhìn lại một cách nghiêm túc và thẳng thắn sẽ thấy có những vấn đề cần phải xem lại. Không thể nói chúng ta đã lựa chọn các chiến lược phát triển tốt rồi, cứ thế mà làm, không có gì phải nghĩ, phải bàn nữa. Thử xem chúng ta đã có thứ hàng công nghiệp gì của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới? Hầu như chưa có gì đáng kể.

Trong mấy chục năm qua, qua các kỳ đại hội và kế hoạch năm năm, chúng ta đã từng lựa chọn nhiều ngành, sản phẩm khác nhau để phát triển như: công nghiệp nặng, ximăng, sắt thép, cơ khí, ôtô, đóng tàu, công nghiệp chế biến, các nhà máy mía đường, khai thác bôxit...Đến nay có thể nói về cơ bản chưa có cái nào thành công để tham gia có thương hiệu với thị trường quốc tế. Không ít chương trình đã thất bại (như các nhà máy mía đường, nội địa hóa ôtô, đóng tàu thủy... chẳng hạn).

Ta nói Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng đến nay bình quân giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha rất thấp, thua xa so với những nước không có điều kiện bằng ta. Ta cũng nói Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch, nhưng du lịch của ta còn quá ít, thấp xa so với nhiều nước có điều kiện kém hơn ta nhiều.

Nguồn lao động chất lượng cao còn rất thiếu. Công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Thị trường trong nước bị mất dần, ta thua ngay ở sân nhà. Người Việt Nam phải đi làm thuê ngày càng nhiều, kể cả đi nước ngoài và ngay ở trong nước... Tình hình có đúng như thế không? Nếu đúng thì chiến lược phát triển của chúng ta không thể không có vấn đề.

Phân tích tình hình để suy nghĩ tìm hướng đi mới khả thi và hiệu quả hơn. Muốn tìm được hướng mới thì phải thảo luận thẳng thắn, dân chủ, nhiều người tham gia ý kiến, có phản biện, có tranh luận, lắng nghe nhau. Với tinh thần đó, tôi xin nêu một số ý kiến để các cơ quan liên quan và bạn đọc tham khảo.

Lợi thế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch...

Nước ta có những lợi thế đáng kể để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới; một nền nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm và dịch vụ) và một số ngành công nghiệp phụ trợ.
Nông nghiệp công nghệ cao ở các nước rất nhiều nơi đã đạt 3 - 4 tỉ đồng giá trị sản phẩm/ha, nhiều nơi khác đạt 20 tỉ đồng/ha, riêng Israel cao nhất đã đạt 60 tỉ đồng/ha, trong khi điều kiện của Israel khó khăn hơn ta rất nhiều.
Thực tế ở Việt Nam đã có một số nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm 1 - 3 tỉ đồng/ha, cá biệt có chỗ hơn 10 tỉ đồng/ha, nhưng còn quá ít những nơi như vậy. Nếu Việt Nam đạt mức 1/10 của họ (20 tỉ/ha) thì chỉ cần 30% diện tích canh tác đã có thể đạt giá trị sản phẩm gấp 1,5 lần GDP của cả nước hiện nay. Lĩnh vực nông nghiệp có giá trị gia tăng khá, giải quyết được nhiều lao động, giảm bớt di dân ra thành phố và giảm ra nước ngoài làm ôsin...
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp; tổ chức tốt công tác thị trường, điều chỉnh chính sách đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu và có thể tự nguyện tích tụ để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; trên cơ sở của kinh tế hộ gia đình phát triển lên, vượt ra ngoài ranh giới của hộ, mà hình thành một cách tự nhiên các đơn vị kinh tế hợp tác nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Ngày nay trên thế giới du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao; được xem là sứ giả hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc. Du lịch có giá trị gia tăng khá cao, còn tạo thu nhập xã hội gấp hơn hai lần so với doanh thu, các trung tâm du lịch ở thế giới và Việt Nam đều có mức sống cao hơn hẳn các vùng lân cận, ít ô nhiễm môi trường so với công nghiệp, thúc đẩy việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan làm cho đất nước đẹp hơn lên.
Du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác (khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, thương mại, may mặc thời trang, văn hóa dân tộc, sản xuất hàng mỹ nghệ, vận tải hành khách...). Cứ mỗi việc làm trong ngành du lịch ước tính tạo ra hai việc làm cho các ngành khác. Ẩm thực là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng phát triển tốt.
Ta có nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền rất đa dạng, phong phú, có thể tạo thành “bếp ăn” hấp dẫn của thế giới, nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ “xuất khẩu tại chỗ”, vòng quay của vốn nhanh, tỉ suất lợi nhuận cao. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ra về, khi hỏi họ thích món ăn gì của Việt Nam, họ trả lời rất thích món phở. Làm phở để bán cho khách đối với người Việt không phải là việc khó.
Để phát triển du lịch, nước ta cần mạnh dạn mở cửa, bỏ visa cho nhiều nước nữa, thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch ra quốc tế, quản lý và xây dựng môi trường du lịch tốt, tổ chức thêm các đường bay thẳng, kết nối các tour tuyến du lịch quốc tế để đón khách vào Việt Nam.

Phát triển du lịch, tạo việc làm cho hàng chục triệu người
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho du lịch không quá khó, sử dụng lao động nhiều, gấp ba lần ngành tài chính, bốn lần ngành khai thác khoáng sản, sáu lần ngành sản xuất ôtô. Ở Việt Nam, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vậy mà đã sử dụng được 1,7 triệu lao động (năm 2013), nếu phát triển gấp 10 lần so với hiện nay (hoàn toàn khả thi) thì có thể sử dụng hàng chục triệu lao động.
Con số ấy thật có ý nghĩa khi Việt Nam đang còn nhiều lao động không có việc làm. Ngoài việc thu được kinh tế, du lịch còn thúc đẩy phát triển con người (do tiếp biến với các nền văn hóa khác nhau, với con người ở nhiều nước văn minh đến, chứ không phải tiếp xúc chủ yếu với máy móc như công nghiệp cơ khí).

Trên đây là góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, vừa gửi đến báo Tuổi Trẻ bài viết ngày 28/10/2015
 TS VŨ NGỌC HOÀNG

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Lồng ghép vấn đề tài nguyên và môi trường trong văn kiện Đại hội đảng các cấp

Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 389- CV/BCSĐTNMT gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương về việc lồng ghép vấn đề tài nguyên và môi trường trong văn kiện Đại hội đảng các cấp.

Tài nguyên là tài sản quốc gia, là đầu vào của mọi nền kinh tế, cung cấp các điều kiện thiết yêu cho cuộc sống của con người; môi trường là nơi con người tồn tại và phát triên, cung cấp không gian cho các hoạt động kinh tế -xã hội; biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, có tính chất làm gia tăng cấp độ rủi ro, mức độ nguy hiểm của các vấn đề ô nhiềm môi trường, suy thoái tài nguyên, là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Việt Nam là quốc gia ven biển, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu; tài nguyên có hạn trong khi nhu cầu khai thác, sử dụng tăng nhanh; môi trường chịu áp lực lớn từ quá trình phát triên kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên (QLTN) và bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là những vấn đề có ý nghĩa đặcbiệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các vấn đề quan trọng nêu trên, bảo đảm phát triên bên vừng đất nước, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT; chỉ đạo lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT vào văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, vấn đề ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT cần được xem xét, đưa vào thành một nội dung riêng trong báo cáo chính trị của các Tỉnh ủy, Thành ủy; trong đó cần quan tâm, lưu ý một số yêu cầu trong tổng kết, đánh giá công tác ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT giai đoạn 2010 - 2015 và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2015 - 2020, cụ thể như sau:

Một là, tổng kết, đánh giá thực trạng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong đó lưu ý tới đánh giá chung tình hình chủ động ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT, tập trung vào các nội dung: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tăng cường quản lý nhà nước; đa dạng hóa nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH, QLTN và BVMT.Đồng thời, tập trung đánh giá cụ thể tình hình ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hai là, về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cần tập trung vào việc tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trường xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững; tăng cường giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác, đa dạng hóa nguồn lực tài chính và tập trung đầu tư có hiệu quả; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do rủi ro thiên tai; tăng cưòng quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Đặc biệt cần tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Theo Website Bộ TNMT. 30/7/2015

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Marketing Communication Mix = Promotional Mix

Communication Mix = Promotional Mix

Digital Marketing Campaign đòi hỏi phải lựa chọn các phương tiện truyền thông phù hợp (Selecting the Digital Media Mix), đó chính là thành tố Promotion trong Marketing Mix, cũng có thể hiểu theo thuật ngữ khác đó là Phối hợp truyền thông (Communication Mix). Khái niệm dưới đây sẽ giải thích vì sao Communication Mix = Promotional Mix.
“Promotion unfortunately has a range of meanings. It can be used to describe the marketing communications aspect of the marketing mix or, more narrowly, as in sales promotion. In its very broad sense it includes the personal methods of communications, such as face to face or telephone selling, as well as the impersonal ones such as advertising. When we use a range of different types of promotion – direct mail, exhibitions, publicity etc. we describe it as the promotional mix” (Wilmshurst, 1993 as cited in Chaffey & Ellis Chadwick, 2012).
"Chiêu thị tiếc là có nhiều nghĩa. Nó có thể được sử dụng để mô tả các khía cạnh truyền thông tiếp thị của marketing hỗn hợp, hoặc hẹp hơn, như trong xúc tiến bán hàng. Trong ý nghĩa rất rộng của nó bao gồm các phương pháp cá nhân của truyền thông, chẳng hạn như mặt đối mặt hay bán điện thoại, cũng như những người vô cảm như quảng cáo. Khi chúng ta sử dụng một loạt các loại khác nhau của quảng cáo - thư trực tiếp, các cuộc triển lãm, công khai, vv chúng tôi mô tả nó như là sự pha trộn quảng cáo "(Wilmshurst, năm 1993 như là trích dẫn trong Chaffey & Ellis Chadwick, 2012).

Communication Mix/ Promotional Mix bao gồm những thành tố chính dưới đây, bạn có thể mix các thành tố với nhau để tạo ra một chiến lược truyền thông phù hợp.



Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Các luật liên quan điều chỉnh hoạt động quảng cáo

Các luật liên quan điều chỉnh hoạt động quảng cáo
(Bộ luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa, Luật Bảo về quyền của người tiêu dùng)


Trong pháp luật hình sự, hành vi quảng cáo lừa đảo có thể coi là một tội hình sự và người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 168 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Người nào quảng cáo gian dối hàng hóa hoặc dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá nợ tiền án nhưng tái phạm tội, phải chịu phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng Việt Nam, cải tạo không giam giữ trong ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội có thể bị phạt từ năm đến năm mươi triệu đồng, cấm tiếp tục hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

Trong pháp luật cạnh tranh, quảng cáo để cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê là một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 39 khoản 6 của Luật Cạnh tranh năm 2004) và là hành vi bị cấm. Theo Điều 45 của Luật Cạnh tranh, quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh bao gồm các hành vi sau đây: (1) So sánh trực tiếp hàng hoá và dịch vụ của mình với hàng hóa và dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; (2) Bắt chước các sản phẩm khuyến mại khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; (3) Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây: a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, sản xuất, nơi sản xuất, người chế biến, nơi chế biến; b) Phương pháp sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho người khác; (4) Các hoạt động khuyến mại khác bị pháp luật cấm. 

Trong pháp luật xuất bản, quảng cáo trên các xuất bản phẩm phải tuân theo các quy định sau đây: không cho phép quảng cáo trên bản đồ hành chính. Việc quảng cáo trên lịch treo tường được thực hiện theo quy định sau đây: Diện tích quảng cáo không quá 20% diện tích của mỗi trang lịch và quảng cáo nội dung hình ảnh phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và các quy định khác của pháp luật quảng cáo; Không quảng cáo trên lịch nghỉ lễ quốc gia và các ngày lễ lớn của đất nước (Điều 30 của Luật Xuất bản năm 2012). Theo Điều 49 của Luật Xuất bản, không chen quảng cáo vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung của ấn phẩm điện tử bằng bất kỳ hình thức nào, trên các ấn phẩm điện tử. 

Theo luật báo chí, báo chí xuất bản, quảng cáo truyền hình, lệ phí quảng cáo. Nội dung quảng cáo cần phải tách biệt khỏi nội dung tuyên truyền và không vi phạm các quy định tại Điều 10 của Luật Báo chí năm 1989 (Điều 10 quy định không có thông tin trên báo chí). Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã đưa vào các khái niệm về quảng cáo trên báo chí. Theo đó, quảng cáo trên báo là một hình thức thông báo, giới thiệu với công chúng về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, các tổ chức dịch vụ thương mại và phi thương mại và cá nhân thuộc các loại hình báo chí (khoản 16, Điều 1). Điều 7 của Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định báo chí có quyền tổ chức hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, phát hành sách, quảng cáo, làm phim, nhiếp ảnh và kinh doanh các thiết bị, vật liệu liên quan đến báo chí chuyên nghiệp tạo thu nhập tái đầu tư cho sự phát triển của báo chí. 

Hoạt động xúc tiến liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Quảng cáo năm 2012 và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP một số tài liệu có liên quan. Luật Quảng cáo xác định hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo (Mục 13, Điều 8). Điều 21 của Nghị định số 37/2006 quy định/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, việc sử dụng các sản phẩm quảng cáo thương mại có chứa đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải được sự chấp thuận của các chủ thể sở hữu trí tuệ ; thương nhân có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật. Luật Sở hữu trí tuệ có một số quy định liên quan đến nội dung quảng cáo tại các Điều 26, 33, 75, 124 và 130. 

Trong pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tài liệu xúc tiến là các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá. Cụ thể, khoản 17 Điều 3 (Giải thích thuật ngữ) Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định: "Tài liệu đính kèm sản phẩm, hàng hóa bao gồm kết quả đánh giá phù hợp, tờ rơi quảng cáo, giới thiệu các tính năng, sử dụng, đặc điểm, sử dụng nhãn hiệu của sản phẩm và hàng hóa" . Hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi lừa đảo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xuất xứ hàng hoá được xác định là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. 

Trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả, hoặc các nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và dịch vụ đã công bố, viết hóa đơn, quảng cáo hoặc cam kết (khoản 6 Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010). Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đều bị nghiêm cấm hành vi gian lận hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến hoặc che giấu thông tin được cung cấp với các nội dung còn thiếu, sai lệch, không chính xác theo quy định tại các điểm a, b, c, khoản 1, Điều 10 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Thời gian gần đây, đơn cử người tiêu dùng bị mất số điện thoại và sau đó tài khoản ngân hàng bị lấy cắp đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề sử dụng các phương thức điện tử trong giao dịch tài chính, thương mại hàng ngày. Vấn đề đặt ra liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT.

Nhiều người tiêu dùng đang bức xúc vì một ngày nhận được đôi, ba chục tin nhắn điện thoại với các nội dung quảng cáo, chào mời dịch vụ hoặc dụ dỗ chơi cá cược,…Các tin nhắn này phần lớn có mục đích lừa đảo, hướng dẫn người xem thực hiện theo các yêu cầu để có thể thu lợi bất chính. Nếu thực hiện theo các hướng dẫn này, người tiêu dùng có thể ngay lập tức bị trừ tiền trong tài khoản. Nếu tỉnh táo, không thực hiện theo các nội dung hướng dẫn thì người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc và khó chịu khi liên tục phải mở điện thoại để kiểm tra tin nhắn.

Hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đối với lĩnh vực giao kết hợp đồng trên phương tiện điện tử chủ yếu tập trung vào hành vi không cung cấp thông tin đẩy đủ, chính xác; không cung cấp thời gian nghiên cứu và chính sách chấm dứt hợp đồng…

Lợi dụng khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua và người bán, một trong những gian lận tiêu dùng chủ yếu xảy ra trong thời gian hiện nay là vấn đề quảng cáo gian dối, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Vụ việc tiêu biểu cho hành vi này là hiện tượng quảng cáo và bán vòng Titan Quan Âm xảy vào năm 2009. Theo đó, vì tin tưởng vào nội dung quảng cáo được phát liên tục trên các đài truyền hình và mạng internet, rất nhiều người đã mua vòng Titan Quan Âm với giá bán gần 1 triệu đồng, kèm theo sự tin tưởng đeo chiếc vòng này sẽ chữa được bách bệnh, phòng được mọi rủi ro. Thực tế, giá gốc của chiếc vòng này chỉ là 4000đ, nhập khẩu từ Trung Quốc và làm chủ yếu từ nguyên liệu sắt chứ không phải Titan, vàng, kim loại quý như quảng cáo. Thậm chí nhiều sau khi mua sản phẩm về họ cũng không biết được mình đã bị lừa đảo. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, công bố kết quả kiểm tra sản phẩm thì người tiêu dùng mới biết. Những hành vi tương tự vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn với các mặt hàng: mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại…

Ở mức độ lớn hơn là vụ Mạng lưới Muaban24 vừa qua vào tháng 8 năm 2012. Theo đó, các đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ người tiêu dùng mua bán các gian hàng ảo trên Internet với số tiền lớn, sau đó được trích hoa hồng cao khi giới thiệu những người khác cùng mua hàng. Về bản chất, nếu việc mua bán các gian hàng ảo để phục vụ cho hoạt động kinh doanh online thì đây là hoạt động bình thường. Tuy nhiên, trong mạng lưới Muaban24, việc mua các gian hàng ảo chỉ là hành vi đánh lừa thị giác, nhằm tạo ra cái cớ để thúc đẩy hành vi kiếm tiền hoa hồng từ người mua sau theo mô hình đa cấp kim tự tháp. Khi công an vào cuộc thì Muaban24 đã phát triển đại diện tại hơn 50 tỉnh thành trong cả nước chỉ trong 1 năm, đã bán được hơn 120.000 gian hàng, doanh thu thu về hơn 600 tỷ đồng, trong đó các đối tượng lừa đảo bỏ túi riêng 200 tỷ đồng.

Quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT
Đứng trước những vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian gần đây, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định những điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch điện tử. Bên cạnh các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, thì các quy định về kiểm soát hoạt động giao dịch điện tử cũng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác.

Quy định nhằm bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.
Tại Điều 6 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật) có quy định về quyền của người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp các doanh nghiệp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp có trách nhiệm:
a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;
b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;
c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;
d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Để thực hiện các quy định này thì các doanh nghiệp lưu ý khi xây dựng Chính sách thông tin của doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên và công bố công khai cho người tiêu dùng được biết. Đặc biệt, cần lưu ý tới quy định mới liên quan đến quyền chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba. Theo đó, người tiêu dùng có quyền thể hiện ý kiến chấp nhận hay không chấp nhận khi doanh nghiệp muốn chuyển thông tin của họ cho bên thứ ba.


Quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng trong TMĐT.
- Thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác;
- Người tiêu dùng phải được thông báo rõ ràng về các quy định, điều khoản, về quy trình ký hợp đồng mua bán trước khi ký hợp đồng;
- Người tiêu dùng có quyền xem xét và đồng ý tham gia hợp đồng;
- Người tiêu dùng có quyền xem, chỉnh sửa, tải về các tài liệu liên quan tới GDDT.

Để đảm bảo các quyền lợi nêu trên của người tiêu dùng, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định như sau:
Điều 17 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật (NĐ 99) quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản, ví dụ Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có); Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; Chi phí giao hàng (nếu có); Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;…
Ngoài ra, trường hợp bên thứ ba cung cấp dịch vụ tới người tiêu dùng thì bên thứ ba cũng phải Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụnhư quy định tại Điều 13 của NĐ 99.

Như vậy, theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin tới người tiêu dùng, mà ngay cả các đơn vị quảng cáo, các nhà báo, đài, truyền hình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi đăng tải các thông tin quảng cáo. Quy định này tiếp tục được mở rộng khi quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm: Xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định này, đối với các vấn nạn spam tin nhắn điện thoại di động, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi vi phạm này.

Liên quan đến chứng từ trong giao dịch điện tử, khoản 2 điều 20 của Luật cũng quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các trang web bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp doanh nghiệp cố tình không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin giao dịch hoặc quảng cáo thông tin gian dối, khoản 2 điều 17 của NĐ 99 cũng quy định quyền của người tiêu dùng được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng. Nếu trường hợp này xảy ra, doanh nghiệp phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.

Như vậy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT đã được nhấn mạnh và quy định theo sát thực tế của hoạt động TMĐT. Vấn đề còn lại là ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và quyết định các giao dịch trên các phương tiện điện tử, đồng thời, phải khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát và có các chế tài xử phạt thích đáng đối với các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Pháp luật về cạnh tranh & bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật, kinh nghiệm cho VN

Pháp luật về cạnh tranh & bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật, 
kinh nghiệm cho VN

Theo Sắc lệnh ngày 29/5/2009 thông qua việc thành lập Cục Quan hệ Người tiêu dùng (Consumer Affairs Agency – CAA) trực thuộc Văn phòng Nội các (Cabinet Office), ngày 1/9/2009 CAA chính thức đi vào hoạt động với hơn 200 nhân viên để xử lý các vụ việc có liên quan đến người tiêu dùng . Trước đây, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là một trong những chức năng của Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC).

Việc tách riêng cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cùng khung khổ pháp lý mới liên quan đến chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng gắn với việc thay đổi đáng kể pháp luật về các hành vi thương mại không lành mạnh Nhật Bản với những thay đổi trong Đạo luật số 54 năm 1957 về chống độc quyền tư nhân và duy trì thương mại lành mạnh có hiệu lực từ ngày 4/1/2010. Theo đó, việc xử lý các hành vi thương mại không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến người tiêu dùng sẽ được chuyển sang thuộc thẩm quyền của CAA .

Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong việc ban hành Luật và Chính sách cạnh tranh ở châu Á, những kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này có thể sẽ rất bổ ích cho Việt Nam. Thứ nhất, liên quan tới việc trong năm 2010Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng, theo hình mẫu Nhật Bản có thể nghĩ đến việc thành lập Cục Bảo vệ Người tiêu dùng như một cơ quan độc lập chứ không phải có một Ban Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh như hiện nay.

Thứ hai, cần có biện pháp để áp dụng cơ chế đòi bồi thường thiệt hại đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh ở Nhật Bản chủ yếu được xử lý thông qua cơ chế đưa ra Toà án đòi bồi thường thiệt hại. Qua hơn 4 năm chính thức có hiệu lực, Luật Cạnh tranh năm 2004 mới được áp dụng để xử lý hơn 20 vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể thấy nhiều khi doanh nghiệp này biết doanh nghiệp khác vi phạm Luật Cạnh tranh, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích của mình, nhưng đành nhắm mắt cho qua mà không khiếu nại vì có khiếu nại và được giải quyết, mức xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là quá thấp (chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng), không đủ sức răn đe. Trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã xác định cơ chế để doanh nghiệp đòi bồi thường thiệt hại là thông qua tố tụng dân sự nhưng thực tế chưa có vụ việc nào được giải quyết theo hướng này để răn đe làm gương, tác động đến ý thức tôn trọng pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp, tác động đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực và quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh, đặc biệt đối với xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh (là các vụ việc đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam và cần phải tập trung xử lý trước). Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam vẫn được giao cho một số cơ quan khác theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, như vậy đảm bảo được việc xử lý theo diện rộng nhưng sẽ không có chiều sâu. Ở Nhật Bản, JFTC là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh với các chế tài như lệnh yêu cầu bãi bỏ hành vi vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại . Nếu theo mô hình Nhật Bản, rõ ràng ở Việt Nam nếu áp dụng cơ chế cho phép cơ quan quản lý cạnh tranh ra quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đòi hỏi cơ quan này phải có năng lực nhất định.

Thứ tư, theo kinh nghiệm Nhật Bản, đồng thời cũng nên giới hạn thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh chỉ xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến doanh nghiệp khác. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến người tiêu dùng sẽ chuyển giao cho cơ quan chuyên về bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy sẽ tạo được sự chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh./.

Nguồn: TS Phạm Trí Hùng

Lý do Trung Quốc không thể gia nhập TPP



Lý do Trung Quốc không thể gia nhập TPP

Theo tin tức ngày 6/10 trên trang mạng của Bộ Thương mại Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc khi trả lời câu hỏi liên quan của các phóng viên đã chỉ rõ hiệp định TPP là một trong những hiệp định thương mại tự do quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.

Trung Quốc giữ thái độ cởi mở đối với các quy tắc phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giúp thúc đẩy xây dựng cơ chế nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mong muốn hiệp định này thúc đẩy các dàn xếp thương mại tự do khác ở khu vực này, cùng đóng góp cho đầu tư thương mại và phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Vận chuyển container tại cảng ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

TPP là do 4 nước New Zealand, Singapore, Chile và Brunei trong các nước thành viên của Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khởi xướng, hiệp định thương mại tự do của một nhóm quan hệ đa phương bắt đầu ấp ủ từ năm 2002, tên cũ là Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng cùng với số thành viên đàm phán dần dần gia tăng, Mỹ tuyên bố tham gia vào tháng 2/2008, đã phát triển lên thành 12 nước thành viên, cuối cùng ở mức độ rất lớn được giải thích là hành vi mà Mỹ chủ đạo quy tắc thương mại thế giới nhằm vào Trung Quốc, là quy tắc thương mại khu vực mới có ý nghĩa tương tự như WTO.

Tại sao TPP không có Trung Quốc?

Điều mà WTO theo đuổi là cắt giảm thuế quan, điều mà TPPtheo đuổi là thương mại tự do. Thương mại tự do bao gồm những gì? Bao gồm không thuế quan, bao gồm luân chuyển tự do toàn bộ hàng hóa, dịch vụ, tất cả chế độ quản lý kinh tế đều phải thống nhất tiêu chuẩn; phân tích chi tiết các lĩnh vực có tự do thương mại và dịch vụ, trao đổi tự do tiền tệ, chế độ thuế công bằng, tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích của người lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, tự do thông tin. Nói cụ thể chính là cấm các loại biện pháp, thao túng, trợ cấp..., mà hiện nay Trung Quốc còn xa mới đạt được những điều kiện và quy tắc thương mại này.

Xét về mặt lý luận và quy tắc của TPP, bất cứ nước nào cũng đều có thể tham gia TPP, nhưng riêng Trung Quốc thì không được, dùng câu nói của một quan chức TPP: “TPP là một câu lạc bộ chỉ cấm Trung Quốc tham gia."

Trung Quốc gia nhập TPP khó ở đâu?

Trao đổi tự do tiền tệ. Điểm này dường như là nhằm vào Trung Quốc, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vừa mới bắt đầu, nếu giờ đây Trung Quốc mở cửa trao đổi tự do tiền tệ chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, một lượng lớn tiền vốn đổ ra bên ngoài. Điểm này sẽ loại Trung Quốc ra ngoài.

Tư nhân hóa (cổ phần hóa) các doanh nghiệp nhà nước. Điều này cũng là nhằm vào Trung Quốc, cố ý dùng vấn đề này để loại Trung Quốc ra ngoài, trong thời gian 10 năm qua, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc không những không yếu đi, trái lại ngày càng mạnh lên, “nước tiến dân lùi,” ngày càng lũng đoạn. Muốn tham gia TPP thì phải tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, việc này đối với các doanh nghiệp nhà nước ở tầng lớp được lợi ích từ phân phối của cải hiện nay là rất khó khăn.

Hơn nữa, những trở ngại khác trong việc tham gia TPP của Trung Quốc cũng không ít: bảo vệ môi trường, quyền và lợi ích người lao động, quyền sở hữu trí tuệ…, mỗi vấn đề đều đặt tiêu chuẩn cao, trong đó, bảo vệ môi trường, bảo vệ thương mại là “rào cản xanh.”

TPP chủ trương đưa ra các yêu cầu tiêu chuẩn cao trên các phương diện như tính đa dạng sinh học và thương mại, các hiệp định môi trường đa phương, lĩnh vực bất đồng về bảo vệ môi trường, nghề đánh bắt cá trên biển. Năm 2015, Luật bảo vệ môi trường mới của Trung Quốc được thực thi, được coi là luật bảo vệ môi trường “nghiêm khắc nhất trong lịch sử,” có thể bắt giữ cả người phụ trách doanh nghiệp, thời gian gần đây cũng xuất hiện những hóa đơn phạt lên đến 15,8 triệu nhân dân tệ, đã có tác dụng thúc đẩy đối với việc bảo vệ môi trường ở Trung Quốc, nhưng phải nhìn nhận rằng những việc này còn hạn chế ở phạm vi ô nhiễm môi trường.


Thách thức về quyền và lợi ích người lao động không nhỏ, “rào cản xanh” trong bảo vệ thương mại. Các quy tắc thương mại lao động của các nước như Mỹ và Nhật Bản chú trọng đến đãi ngộ tiền lương và điều kiện môi trường của người lao động trong sản xuất hàng hóa, nhấn mạnh đến sự quan tâm về giá trị của người lao động và sự quan tâm nhân văn của các doanh nghiệp đối với môi trường và người tiêu dùng.

Tuy nhiều năm nay tiền lương công nhân ở Trung Quốc đang tăng lên, giá thành sức lao động cũng gia tăng, nhưng trước mắt vẫn khó có thể thay đổi giá cả sức lao động tương đối rẻ, môi trường làm việc và thời gian nghỉ ngơi không được đảm bảo, sự thực vẫn còn khoảng cách tương đối dài so với Mỹ và Nhật Bản trong việc bảo vệ quyền và lợi ích người lao động, cũng như vấn đề thiếu vắng các tổ chức công đoàn của Trung Quốc trong việc bảo vệ người lao động.

Xét từ một vài điểm trên, TPP chính là một hệ thống thương mại đặt ra để gạt Trung Quốc ra ngoài, hơn nữa với điều kiện của Trung Quốc hiện nay là không thể đủ điều kiện tham gia.

Trung Quốc bị gạt ngoài lề sẽ nảy sinh vấn đề gì?

Tuy TPP là thị trường mở cho các nước thành viên, trong cuốn “Bàn về tài sản quốc gia” của Adam Smith luôn nhấn mạnh mở cửa thị trường, giảm thuế sẽ có lợi nhiều thứ, TPP còn là “cái bánh ngon” không thuế quan, nhưng suy cho cùng là sự giao dịch giữa các nước, trong đó liên quan đến văn hóa, truyền thống, kiểm soát vĩ mô (thực ra là mỗi nước đều mong muốn mình giành được nhiều lợi ích hơn để các nước khác được lợi ít hơn). Nhưng chung quy là có lợi ích rất lớn trong đó, vì vậy một khi thành lập phải giảm bớt yêu cầu của các nước khác đối với hàng hóa xuất khẩu của nước mình.

Trung Quốc bị gạt ngoài lề, vậy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm bớt nhiều, bởi vì cộng thêm giá thành sản xuất, giá thành kinh doanh , giá thành thuế..., thì giá cả hàng hóa của Trung Quốc không thể cạnh tranh được với hàng hóa trong hệ thống TPP, cũng có nghĩa là các nước lớn nhập khẩu như Mỹ có thể sẽ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, như vậy xuất siêu thương mại của Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh.

Xuất siêu thương mại của Trung Quốc giảm mạnh, thì giao dịch ngoại hối của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, dự trữ ngoại hối cũng sẽ giảm theo, thậm chí có thể xuất hiện tình trạng nhập siêu mang tính thường xuyên, bởi dầu thô, quặng sắt… mà Trung Quốc nhập khẩu là nhu cầu tất yếu. Từ đó Trung Quốc có thể từ nước thương mại lớn nhất thế giới bị đẩy lùi xuống thành nước thương mại đang phát triển, từ nước xuất siêu thương mại lớn nhất thế giới có thể đẩy lùi xuống thành nước nhập siêu thương mại lớn nhất thế giới, từ nước dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới có thể xuống thành nước dự trữ ngoại hối ít nhất.

Ngoài ra, việc Trung Quốc bị gạt ra ngoài TPP tiếp theo sẽ xuất hiện những hậu quả nặng nề, nghĩa là một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Trung Quốc, việc này sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Trung Quốc hiện nay, bởi các sản phẩm mà những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này sản xuất ở Trung Quốc sẽ không có sức cạnh tranh.

Mục đích của Mỹ?

Mỹ thông qua đàm phán TPP có thể phát huy vai trò cân bằng đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN, làm yếu đi sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc trong khu vực này, đảm bảo lợi ích địa chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ ở Đông Á. Đạt được đàm phán, Mỹ sẽ đặt ra các quy tắc mới về các mặt như quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động… Mặt khác, do khu vực thương mại tư do có đặc trưng mở cửa đối nội, hạn chế đối ngoại, đồng thời với việc rào cản thương mại giữa các nước thành viên giảm bớt, lại tạo thành rào cản cao hơn đối với các nền kinh tế ngoài khu vực, nên sẽ nảy sinh hiệu quả chuyển dịch thương mại. Mục tiêu chiến lược cơ bản mà Mỹ tích cực thúc đẩy TPP chính là duy trì và mở rộng bản đồ tài nguyên của mình, xây dựng lại hệ thống tín dụng, tiếp tục duy trì địa vị bá quyền siêu cường của Mỹ.

Có quan điểm cho rằng thương mại tự do là một trong những quan niệm giá trị trọng tâm của Mỹ kể từ thành lập nước, do vậy việc thúc đẩy tự do thương mại quốc tế đối với Mỹ là việc hợp logic. WTO vốn phải gánh một phần trách nhiệm, nhưng hiện nay WTO đang rơi vào bế tắc, ngày càng suy thoái. Một khi đạt được thỏa thuận thì WTO sẽ chỉ tồn tại trên danh nghĩa./.

Nguồn: Việt Nam +