Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Pháp luật về cạnh tranh & bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật, kinh nghiệm cho VN

Pháp luật về cạnh tranh & bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật, 
kinh nghiệm cho VN

Theo Sắc lệnh ngày 29/5/2009 thông qua việc thành lập Cục Quan hệ Người tiêu dùng (Consumer Affairs Agency – CAA) trực thuộc Văn phòng Nội các (Cabinet Office), ngày 1/9/2009 CAA chính thức đi vào hoạt động với hơn 200 nhân viên để xử lý các vụ việc có liên quan đến người tiêu dùng . Trước đây, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là một trong những chức năng của Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC).

Việc tách riêng cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cùng khung khổ pháp lý mới liên quan đến chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng gắn với việc thay đổi đáng kể pháp luật về các hành vi thương mại không lành mạnh Nhật Bản với những thay đổi trong Đạo luật số 54 năm 1957 về chống độc quyền tư nhân và duy trì thương mại lành mạnh có hiệu lực từ ngày 4/1/2010. Theo đó, việc xử lý các hành vi thương mại không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến người tiêu dùng sẽ được chuyển sang thuộc thẩm quyền của CAA .

Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong việc ban hành Luật và Chính sách cạnh tranh ở châu Á, những kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này có thể sẽ rất bổ ích cho Việt Nam. Thứ nhất, liên quan tới việc trong năm 2010Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng, theo hình mẫu Nhật Bản có thể nghĩ đến việc thành lập Cục Bảo vệ Người tiêu dùng như một cơ quan độc lập chứ không phải có một Ban Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh như hiện nay.

Thứ hai, cần có biện pháp để áp dụng cơ chế đòi bồi thường thiệt hại đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh ở Nhật Bản chủ yếu được xử lý thông qua cơ chế đưa ra Toà án đòi bồi thường thiệt hại. Qua hơn 4 năm chính thức có hiệu lực, Luật Cạnh tranh năm 2004 mới được áp dụng để xử lý hơn 20 vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể thấy nhiều khi doanh nghiệp này biết doanh nghiệp khác vi phạm Luật Cạnh tranh, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích của mình, nhưng đành nhắm mắt cho qua mà không khiếu nại vì có khiếu nại và được giải quyết, mức xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là quá thấp (chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng), không đủ sức răn đe. Trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã xác định cơ chế để doanh nghiệp đòi bồi thường thiệt hại là thông qua tố tụng dân sự nhưng thực tế chưa có vụ việc nào được giải quyết theo hướng này để răn đe làm gương, tác động đến ý thức tôn trọng pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp, tác động đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực và quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh, đặc biệt đối với xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh (là các vụ việc đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam và cần phải tập trung xử lý trước). Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam vẫn được giao cho một số cơ quan khác theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, như vậy đảm bảo được việc xử lý theo diện rộng nhưng sẽ không có chiều sâu. Ở Nhật Bản, JFTC là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh với các chế tài như lệnh yêu cầu bãi bỏ hành vi vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại . Nếu theo mô hình Nhật Bản, rõ ràng ở Việt Nam nếu áp dụng cơ chế cho phép cơ quan quản lý cạnh tranh ra quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đòi hỏi cơ quan này phải có năng lực nhất định.

Thứ tư, theo kinh nghiệm Nhật Bản, đồng thời cũng nên giới hạn thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh chỉ xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến doanh nghiệp khác. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu gây hậu quả đến người tiêu dùng sẽ chuyển giao cho cơ quan chuyên về bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy sẽ tạo được sự chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh./.

Nguồn: TS Phạm Trí Hùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét