Quảng cáo siêu ngắn 5s & vấn đề quảng cáo sai sự thật ở VN
Ưu thế của những đoạn quảng cáo siêu ngắn 5s, quảng cáo trên truyền hình, là thời lượng ngắn nên tiết kiệm chi phí khi phát sóng, đồng thời thông điệp về sản phẩm cũng ngắn gọn, đầy đủ thông tin. “Hơn nữa, những quảng cáo ngắn như vậy cũng thường xuất hiện trên truyền hình vào khung giờ ‘vàng’ khoảng 7-8h tối, nên rất đông người xem, vì nhà nhà đều xem tivi vào thời điểm này”.
Tuy nhiên, yếu tố bất lợi của những quảng cáo nói trên chính là việc gây ra cảm giác phản cảm đối với người xem, vì thường đi kèm với âm thanh mạnh, dữ dội và slogan trực diện “đánh” vào sản phẩm.
Dù thế, khi tần suất xuất hiện của những quảng cáo nói trên ngày một nhiều, không cần biết người xem đón nhận như thế nào, hàng ngày, các video nói trên vẫn được lên sóng đều, từ máy lọc nước, hàng gia dụng, thời trang, thậm chí cả… thuốc sinh lý.
Tại nước ngoài, các đoạn quảng cáo với thời lượng 5 giây không hiếm. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn được xen vào khi giới thiệu về sản phẩm.
Kangaroo mới đây bị dấy lên nghi vấn về việc quảng cáo sai sự thật với nhãn hàng máy lọc nước Kangaroo KG110 – Omega.
Video tổng hợp những quảng cáo siêu ngắn ăn theo Kangaroo phát sóng hàng loạt trên truyền hình. Thường, những quảng cáo này được phát liên tiếp thành một series vào khung giờ "vàng" vào 7-9h tối. Sau đó là liên tiếp xuất hiện các đoạn quảng cáo 5 giây chỉ bao gồm tiếng động và slogan cho sản phẩm, sau “hiện tượng” Kangaroo
Theo đó, sản phẩm này được quảng cáo có khả năng “ngăn ngừa mỡ máu”. Quảng cáo được đi kèm với kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, trong đó, kết quả kiểm định cũng khuyến cáo: Nên sử dụng máy lọc nước RO của Kangaroo tại các gia đình bệnh nhân, người có nguy cơ nhiễm mỡ máu cao ở tuổi trung niên như một phương pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa rối loạn mỡ máu.
Tuy nhiên, phát biểu trên báo giới, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội có 2 vấn đề: Số mẫu nhỏ (chỉ thực hiện với 20 bệnh nhân trong thời gian 2 tháng) và tỷ lệ giảm quá ít (0,91 – 0,96%), không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Rất nhanh sau đó, bệnh viện Tim cũng lên tiếng bảo vệ mình khi cho rằng phía Kangaroo đã thực hiện quảng cáo với nhiều nội dung chưa đầy đủ, chính xác theo kết quả thử nghiệm tại bệnh viện, gây sự hiểu lầm, tạo dư luận không chuẩn xác về kết quả thử nghiệm.
Sự việc cũng đã được đưa lên tới Bộ trưởng Bộ Y tế. Báo Lao động trích lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: Phải xem lại xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào quy chế về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị và thuốc rất chặt chẽ. Nếu sai thì phải xử lý!
Sự khéo léo của hãng máy lọc nước
Một chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cho rằng: Kangaroo không quảng cáo sai sự thật và vẫn có cái lý riêng của mình. Sự việc này liên quan đến kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, và Kangaroo được phép sử dụng kết quả này.
Tờ thông báo kết quả đề tài không thông tin rõ ràng về số lượng mẫu thử, thời gian, cũng như mức giảm trong thông báo là nhiều hay ít mà chỉ nói chung chung là có giảm.
“Đương nhiên, việc sử dụng câu chữ chung chung thế này thì Kangaroo là bên có lợi”, vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, vấn đề nằm ở chỗ đại diện 2 tổ chức – Bệnh viện Tim Hà Nội và Hội Tim mạch phản bác nhau về kết quả chuyên môn nói trên, chứ không phải Kangaroo quảng cáo sai hay lừa dối.
“Kangaroo có thể thông báo là không biết cụ thể về chuyên môn mà chỉ sử dụng kết quả trên để truyền thông. Như vậy, nhãn hàng Kangaroo không bị ảnh hưởng nhiều lắm”, ông nói.
Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội bị chứng minh là sai quy chế, Kangaroo sẽ phải gỡ toàn bộ thông tin quảng cáo sản phẩm nói trên.
“Khi lợi thế truyền thông này không còn, doanh số của Kangaroo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, chuyên gia trên cho biết.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: Khi gỡ thông tin, chỉ sản phẩm “ngăn ngừa mỡ máu” bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ sản phẩm của Kangaroo bị ảnh hưởng.
“Chắc chắn sau sự việc này, Kangaroo sẽ rất khó khôi phục được sản phẩm nói trên”, chuyên gia này cho biết.
Xử lý tiền khủng hoảng như thế nào?
Thực tế thì hiện vẫn chưa có một cuộc khủng hoảng truyền thông với Kangaroo. Nhưng dù sao, nhãn hàng máy lọc nước này cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Kangaroo bán sản phẩm và rất có thể sau sự kiện này, sẽ có thêm nhiều vụ việc không hay ho khác của Kangaroo cũng bị lôi lên mặt báo.
Trước sự việc trên, đến thời điểm hiện tại, phía Kangaroo vẫn giữ im lặng và cố gắng không để thông tin lan rộng. Chuyên gia trên cho rằng đây không phải cách xử lý tốt.
“Đi be các điểm vỡ không phải cách xử lý tốt. Việc cần là phải xử lý tận gốc vấn đề”, ông nói.
Theo chuyên gia, Kangaroo nên xử lý tiền khủng hoảng theo 2 bước:
- Bước 1: Công bố việc tin tưởng nghiên cứu của Bệnh viện Tim là đúng và bắt tay với các bệnh viện để nghiên cứu sâu hơn
Kangaroo có thể nói rằng họ tin kết quả kiểm định trên là đúng. Nếu mẫu thử chưa chuẩn xác, họ sẽ bắt tay với Bệnh viện Tim Hà Nội hoặc các bệnh viện khác, hoặc cơ quan chức năng để tiếp tục làm kiểm định lâm sàng, sau đó công bố trở lại.
Đồng thời, tạm thời thu hồi sản phẩm. Khi có kết quả lâm sàng hợp lý sẽ công bố thông tin và tung ra sản phẩm, gắn sản phẩm với niềm tin người tiêu dùng.
“Xử lý như vậy là đàng hoàng, chính đáng. Không cần phải im hơi lặng tiếng”, chuyên gia này cho biết.
- Bước 2: Xoay chuyển tình thế từ bất lợi sang có lợi
Từ vụ này, Kangaroo hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế từ bất lợi thành có lợi.
Theo đó, Kangaroo nên có động thái lý giải về nguyên lý làm sao dùng nước từ máy lọc nước có thể giảm được mỡ máu, và công nghệ ấy khác biệt so với các công nghệ khác thế nào.
Thời gian thực hiện lâm sàng ở Bước 1 có thể mất từ 6 – 12 tháng. Nếu chỉ ngồi chờ đợi kết quả kiểm định lâm sàng thì sẽ lỡ cơ hội kinh doanh. Kangaroo có thể xin phép truyền thông sản phẩm trước. Trong trường hợp không được phép truyền thông sản phẩm thì có thể thực hiện truyền thông về mặt nguyên lý khoa học trước.
Sau khi có được kết quả kiểm định lâm sàng sẽ kết hợp công bố kết quả, truyền thông và công bố sản phẩm ra thị trường.
Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo và bệnh viện tim Hà Nội nói gì?
Trước sự phản ứng về quảng cáo “thổi phồng” thiết bị lọc nước có chức năng ngăn ngừa mỡ máu của Kangaroo, ngày 29/10, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản (Bộ TT&TT). Ông Toàn cho biết, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158/2014, quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Cụ thể, nghị định trên quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng; Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo....
Trước đó, trong hai ngày 26 và 27/10, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có buổi làm việc với Cty Cổ phần Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc về việc Tập đoàn này sử dụng Thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo ngày 01/10/2015 của Bệnh viện Tim Hà Nội vào quảng cáo máy lọc nước RO Kangaroo có thể ngăn ngừa mỡ máu khiến dư luận từ hiểu nhầm, tin tưởng và hoang mang.
Tại các biên bản làm việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc đã xin lỗi tập thể Ban Giám đốc, cán bộ, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội về việc đã thực hiện quảng cáo kết quả nghiên cứu bước đầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, có thể gây sự hiểu lầm về thông tin quảng cáo.
Theo yêu cầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc thu hồi toàn bộ các biển quảng cáo, nội dung quảng cáo có liên quan (hoàn thành về cơ bản vào cuối ngày 29/10/2015) và công khai đính chính thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định
Nguồn: tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét