Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Áp dụng Án Lệ- cuộc cách mạng pháp lý mới của Việt nam

Áp dụng Án Lệ- cuộc cách mạng pháp lý của Việt nam

Chiều 29-10, TAND Tối cao tổ chức họp báo công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16-12-2015.

1> Tranh luận về lẽ công bằng trong tố tụng dân sự

Ngày 26-10, Quốc hội đã có buổi thảo luận cuối cùng về dự án BLTTDS (sửa đổi) trước khi thông qua ở cuối kỳ họp. Hầu hết các vấn đề mới nhất, cũng là sửa đổi lớn nhất vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Chẳng hạn, đa số ĐB đồng tình với nội dung tòa không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện vì lý do chưa có luật quy định nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại e ngại rằng nó xung đột với ngay Điều 4 của dự luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện để bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của mình. “Như vậy, tòa vẫn có thể nói quyền mà anh đòi là không hợp pháp nên không thụ lý”.

Một vấn đề khác là dự luật đề ra các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Lúc ấy, tòa có quyền áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật hoặc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng quy định như vậy là vội vàng vì Hiến pháp cũng như pháp luật chỉ cho phép tòa xử tuân theo pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật: “Giao cho thẩm phán xử theo lẽ phải, lẽ công bằng thì hóa ra thẩm phán có quyền làm luật? Xử sơ thẩm nói thế này công bằng, phúc thẩm bảo thế khác mới đúng, lấy gì làm cơ sở? Tôi cho rằng những việc như vậy không nhiều, nếu cần thì tòa yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích luật là đủ”.

Tương tự, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói: “Quốc hội làm luật để hạn chế sự tùy tiện thì sao lại giao cho thẩm phán dựa vào lẽ công bằng mơ hồ nào đó để xử. Đứng trước vụ tranh chấp giá trị hàng chục tỉ đồng, thẩm phán sẽ cân nhắc thế nào về lẽ công bằng khi mà lương họ chỉ 7-8 triệu đồng?”.

Ngược lại, nhiều ĐBQH bảo vệ quyết liệt những giá trị mới của dự luật. Trong đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã hai lần đăng đàn lập luận về lẽ công bằng.

“Lẽ công bằng là những giá trị, tư tưởng, quan điểm đạo đức có sẵn trong đời sống xã hội. Nhà nước đúc kết lẽ công bằng ấy thành các quy định pháp luật. Cái gì chưa đúc kết thì tự thân xã hội vận động, ứng xử theo lẽ thường của nó. Với những trường hợp chưa có luật quy định ấy, khi tranh chấp xảy ra, tòa phải dựa vào lý lẽ về công bằng đó để giải quyết, thuyết phục, thỏa mãn các bên tranh chấp” - ông Nghĩa nói.


2> Án lệ là gì?

Theo giới luật học, án lệ là đường lối áp dụng luật pháp của các tòa án về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ để các thẩm phán theo đó xét xử trong những trường hợp tương tự về sau. Xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo  Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao: Án lệ là nội dung trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa về một vụ việc cụ thể, có tính chuẩn mực, chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết vụ việc cụ thể đó.

Thời điểm này đã có đủ cơ sở pháp lý để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về việc ban hành và áp dụng án lệ. Chẳng hạn, Điều 22 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn “lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”…


3> Có án lệ, thẩm phán không thể xử tùy tiện

Có án lệ sẽ giảm sai sót (Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam):

Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về án lệ là cần thiết nhằm bổ khuyết cho những điểm thiếu hụt, chưa rõ ràng của hệ thống luật thành văn của nước ta. Tập hợp án lệ sẽ là căn cứ đối chiếu giúp việc giải quyết án của các tòa được thống nhất, bảo đảm cho việc xét xử công bằng hơn. Bởi lẽ người dân, đương sự có vụ việc tương tự đang được tòa giải quyết có quyền nghiên cứu án lệ để đối chứng, đề xuất các cấp tòa giải quyết theo án lệ nhằm bảo đảm sự công bằng.

Theo nghị quyết, thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải nghiên cứu, vận dụng án lệ, nếu không thì phải nêu rõ lý do trong bản án. Như vậy, thẩm phán, hội thẩm sẽ không thể tùy tiện thích thì áp dụng án lệ, không thích thì không áp dụng. Án lệ sẽ trở thành cẩm nang để thẩm phán, hội thẩm xét xử trong trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, giảm thiểu sai sót, hạn chế tiêu cực. Sự công khai của án lệ không những là một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hữu hiệu mà còn có tác dụng quan trọng giúp giảm thiểu đáng kể các kháng cáo, kháng nghị. Viện dẫn án lệ trong bản án còn làm tăng tính thuyết phục trong phán quyết của tòa.

Cái gì tốt thì nên làm (Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An):

Ngoài những mặt tích cực như dự thảo nghị quyết về án lệ của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra thì về thực tiễn, án lệ còn có nhiều lợi ích khác đối với riêng thẩm phán. Nó chống được tư duy xơ cứng của người xét xử, thậm chí làm thay đổi quan niệm chỉ áp dụng pháp luật thành văn ở chúng ta hiện nay. Điều này giúp thẩm phán vận dụng linh hoạt hơn với những vấn đề tương tự nhau để tạo ra một chuẩn mực đúng đắn, hợp lý trong xét xử.

Có ý kiến băn khoăn rằng nội hàm “làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau” của án lệ phải thuộc thẩm quyền giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn ngành tòa án chỉ được giải thích giới hạn ở phạm vi vụ việc cụ thể. Theo tôi, không nên suy nghĩ cứng nhắc như vậy vì cái gì tốt, có lợi thì nên làm. Việc áp dụng án lệ chắc chắn sẽ tốt hơn cho công tác xét xử, trong khi việc giải thích của cơ quan lập pháp trong những năm qua chưa đạt kết quả cao. Các nước cũng áp dụng được thì không lý gì chúng ta dùng lập luận trên để chối bỏ lợi ích của án lệ. Nếu cứ chờ giải thích pháp luật mà quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, các tranh chấp không được giải quyết thì sự chờ đợi đó có ý nghĩa gì?


4> Cá nhân cũng được đề xuất về án lệ

a. Quy trình tuyển chọn, hủy bỏ chặt chẽ

Việc tổ chức rà soát, phát hiện quyết định, bản án của các tòa để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành theo định kỳ sáu tháng. Những người có trách nhiệm rà soát để đề xuất là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương (đối với quyết định, bản án của tòa mình và các tòa trực thuộc). Một điểm đáng chú ý là cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa đáp ứng được ba tiêu chí trên (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học).

Sau khi nhận được đề xuất, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học sẽ tiến hành đăng tải các quyết định, bản án, nội dung được đề xuất công nhận làm án lệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến trong thời gian hai tháng.

Tiếp đó, trong thời hạn một tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố lấy ý kiến nói trên, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì phối hợp với các vụ chức năng của TAND Tối cao tập hợp góp ý, nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong quyết định, bản án được đề xuất… trình chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định thành lập hội đồng tư vấn án lệ. Trên cơ sở kết quả tư vấn của hội đồng này, chánh án TAND Tối cao sẽ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để thông qua án lệ.

Trường hợp do sự thay đổi của pháp luật hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ. Những người có thẩm quyền, trách nhiệm rà soát, đề xuất về án lệ cũng có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Sau khi tiếp nhận, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo chánh án TAND Tối cao để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét việc hủy bỏ, thay thế án lệ. Trên cơ sở kết quả biểu quyết của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chánh án TAND Tối cao công bố việc hủy bỏ hoặc thay thế án lệ. Văn bản hủy bỏ hoặc thay thế án lệ phải đăng trên tạp chí TAND, cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao và gửi đến các tòa.

b. Ủng hộ cá nhân đề xuất án lệ (TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM):

Mặt tích cực mà án lệ mang lại thì không cần bàn cãi nhiều bởi đa phần ai cũng công nhận và cho rằng cần thiết phải có. Bên cạnh những quy định hiện có của pháp luật thì cần phải áp dụng tập quán tương tự pháp luật và án lệ. Về bản chất, tòa xử theo án lệ là việc vận dụng các phán quyết có từ trước để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Về nguyên lý, người tạo ra án lệ là HĐXX ở bất cứ cấp tòa nào chứ không hẳn chỉ là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có quyền làm ra án lệ.

Tôi đánh giá cao quy định của dự thảo nghị quyết về việc ngoài những người có trách nhiệm đề xuất án lệ là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương thì cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn án lệ nếu đáp ứng được các tiêu chí mà dự thảo đề ra. Tôi cho đây là một nội dung rất tiến bộ, linh hoạt, là bước chuẩn bị tốt cho quy trình tuyển chọn án lệ sau này.


5> Nội dung công bố nghị quyết về áp dụng Án lệ

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết nghị quyết gồm 10 điều, trong đó Điều 1 hướng dẫn về khái niệm án lệ và giá trị pháp lý của án lệ. Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Nghị quyết cũng hướng dẫn các tiêu chí lựa chọn án lệ, theo đó, án lệ phải đáp ứng được ba tiêu chí:

Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.

Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực.

Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành định kỳ sáu tháng.

Nghị quyết cũng dành một điều hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử. Theo đó, thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ghi trong quyết định công bố án lệ của chánh án TAND Tối cao.

Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.


6> Xử khác án lệ: Phải nêu rõ lý do

Theo nghị quyết, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết giống nhau phải được xử lý như nhau. Số bản án, quyết định của tòa có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý được án lệ giải quyết phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa.

Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành dẫn tới các nội dung của án lệ không còn phù hợp với pháp luật, không bảo đảm công bằng, công lý thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị để hủy bỏ, thay thế án lệ.

7> Án lệ và Liêm sỉ của Tòa án

Khi học luật ở Việt Nam, chúng ta vẫn được các giáo viên dạy: Ở các nước theo truyền thống common law thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn ở Việt Nam thì chúng ta không công nhận điều này.

Khi chúng ta đi học luật tại một quốc gia common law, tôi có tranh luận vấn đề này với một vị giáo sư người Mỹ: “Tại sao Hoa Kỳ lại coi án lệ là một nguồn của pháp luật?” Ông ấy trả lời: “Thực ra chẳng có văn bản chính thức nào của nước Mỹ coi án lệ là nguồn của pháp luật, từ Hiến pháp cho đến tất cả các luật khác. Nhưng chúng tôi vẫn căn cứ vào án lệ để xét xử là bởi nguyên tắc stare decisis.”

Nguyên tắc stare decisis thì dân luật chúng ta ai cũng hiểu, đó là việc các vụ án giống nhau thì tòa phải phán xét giống nhau. Ví dụ, trong vụ việc trước, tòa án công nhận một hợp đồng viết qua email là có hiệu lực. Nếu sau này gặp một vụ việc khác tương tự như vậy, tòa án buộc phải coi hợp đồng viết qua email là có hiệu lực.

Ông giáo sư nói: “Nguyên tắc này rất hiển nhiên”. Nếu hai vụ án giống nhau mà tòa án xét xử khác nhau thì tòa án trở nên tùy tiện, muốn xét xử thế nào cũng được. Hệ quả là, pháp luật trở nên hỗn loạn. Nếu tòa án muốn xét xử vụ việc sau khác đi, tòa sẽ phải làm một trong hai việc: (1) tòa phải chỉ ra và giải thích sự khác biệt căn bản của 2 vụ việc dẫn đến kết quả xét xử khác nhau; hoặc (2) đưa vụ việc lên tòa án cấp trên. Tòa án cấp dưới bị ràng buộc bởi các bản án trước đó của mình và của tòa cấp trên, trong khi tòa cấp trên chỉ bị ràng buộc bởi bản án của chính mình, chứ không bị ràng buộc bởi bản án của tòa cấp dưới. Riêng tòa án tối cao thì không bị ràng buộc.

Về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi được nghe một vị thẩm phán tâm sự. Trong một vụ án, ông được Chánh án chỉ đạo là phải xét xử cho bên nguyên thắng kiện. Ông đã đồng tình và làm theo. Sau đó ít lâu, ông được phân công xét xử một vụ việc khác có nội dung hoàn toàn tương tự với vụ việc trước, nhưng lần này được Chánh án chỉ đạo là xử cho bên bị thắng kiện. Vị thẩm phán này thấy nếu làm như vậy thì mình là người tiền hậu bất nhất nên đã cáo ốm để khỏi phải nhận vụ việc này.Câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ, bởi số lượng thẩm phán hành xử một cách có liêm sỉ như vị thẩm phán trên rất ít. Chuyện các thẩm phán “tiền hậu bất nhất” diễn ra khá phổ biến.

Trong một cuộc trò chuyện khác, với một thẩm phán người Pháp, một đất nước theo truyền thống civil law. Tôi hỏi: “Ở Pháp không có nguyên tắc stare decisis cứng nhắc như ở Mỹ, vậy có khi nào thẩm phán xét xử vụ việc sau tương tự nhưng lại phán quyết khác vụ việc trước đó không?” Vị thẩm phán đó trả lời: “Ở Pháp, các vụ án trước đó chia thành 2 loại. Một số bản án được công nhận và tất cả các thẩm phán sau này buộc phải tuân theo. Còn các bản án khác thì không bắt buộc như vậy.”. Vị thẩm phán đó nói tiếp: “Nhưng trên thực tế, dù không bắt buộc nhưng việc phán quyết khác đi là vô cùng hiếm. Bởi nếu làm như vậy, vị thẩm phán đó sẽ phải giải trình rất rõ lý do, nếu giải trình không thuyết phục thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được tiếp tục làm thẩm phán.”

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, Luật Tổ chức tòa án 2014 đã khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình của Pháp. Tòa án tối cao sẽ lựa chọn một số bản án và biến nó trở thành tiền lệ bắt buộc áp dụng. Nhưng điều chúng ta lo lắng không phải ở số đó, mà chính là ở số còn lại. Nếu các bản án không được tập hợp và công khai trong một cơ sở dữ liệu chung, nếu thẩm phán không viết rõ lập luận của mình trong bản án, và nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm khi thẩm phán “tiền hậu bất nhất” thì những câu chuyện như của vị thẩm phán còn liêm sỉ trên vẫn chỉ là chuyện hiếm gặp. Và hậu quả hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn sẽ hỗn loạn 






0 nhận xét:

Đăng nhận xét