Khởi kiện
yêu cầu cơ quan nhà nước ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng có phải là
khởi kiện hành chính không?
Ngày 08/11/1994, ông Lê Văn Phê ký hợp đồng số 08/HĐK khoán
bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ ven biển với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Bình Châu-Phước Bửu với tổng diện tích khoán là 23,5 ha; thời hạn hợp đồng
đến 08/11/2044.
Ngày 08/3/2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn số 121/NN-LN có nội dung: Ban quản lý Khu bảo tồn
thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho Ban quản lý
Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tiến hành thanh lý hợp đồng khoán đã ký với
các hộ gia đình; Ban quản lý Rừng phòng hộ có trách nhiệm lập lại hợp đồng với
các hộ gia đình đã nhận khoán trước đây.
Ngày 04/9/2007, ông Phê và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Bình Châu-Phước Bửu tiến hành thanh lý hợp đồng số 08/HĐK. Sau đó, ông
Phê có đơn xin tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ nhưng
Ban quản lý Rừng phòng hộ không đồng ý ký hợp đồng với lý do ông Phê đã tự ý
chuyển giao cho nhiều người khác thực hiện hợp đồng số 08/HĐK.
Ngày 19/3/2012, ông Phê có đơn khởi kiện hành chính yêu cầu
Ban quản lý Rừng phòng hộ Bà Rịa-Vũng Tàu tái lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng và
trồng rừng theo các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng 08/HĐK trước đây.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2012/HCST ngày
11/9/2012, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bác đơn khởi kiện của ông Lê Văn Phê. Bản
án bị kháng cáo. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 49/2012/HC-PT ngày
26/12/2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định
y án sơ thẩm.
Tại phiên họp ngày
15/4/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án
hành chính phúc thẩm và Bản án hành chính sơ thẩm; giao cho TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự. Quyết định của Hội đồng Thẩm
phán có vấn đề pháp lý quan trọng là:
Hợp đồng số 08/HĐK ký ngày 08/11/1994 giữa vợ chồng ông Lê
Văn Phê và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu là hợp đồng
dân sự. Do có sự thay đổi về một bên tham gia hợp đồng (Ban quản lý rừng phòng
hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao nhiệm vụ thay thế Ban quản lý Khu bảo tồn
thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu) dẫn đến có sự kiện thay đổi hợp đồng với Ban
quản lý Khu bảo tồn. Việc thanh lý hợp dồng với Ban quản lý Khu bảo tồn cũng
như ký hợp đồng mới với Ban quản lý Rừng phòng hộ đều là giao dịch dân sự. Vì vậy,
tranh chấp về việc chấm dứt hay tiếp tục thực hiện hợp đồng số 08?HĐK hay yêu cầu
ký hợp đồng khoán mới đều là tranh chấp dân sự và phải được giải quyết bằng vụ
án dân sự chứ không phải vụ án hành chính. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp
phúc thẩm xác định việc từ chối ký kết hợp đồng là hành vi hành chính (giống
như hành vi từ chối giao đất) để giải quyết vụ án hành chính là không đúng pháp
luật.
Vấn đề pháp lý có thể
rút ra là:
Khi quan hệ được xác lập
là hợp đồng dân sự thì dù có sự thay đổi về chủ thể tham gia hợp đồng bằng quyết
định hành chính, các tranh chấp về việc thực hiên, thay đổi, chấm dứt hợp đồng
vẫn là tranh chấp dân sự chứ không phải tranh chấp hành chính; yêu cầu giải quyết
tranh chấp phải được giải quyết theo tố tụng dân sự chứ không phải tố tụng hành
chính.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét