Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

PHÉP LÀM QUAN HAY DOANH NHÂN - Thuyết Hậu Hắc Học của Lý Tôn Ngô

PHÉP LÀM QUAN HAY DOANH NHÂN
- Thuyết Hậu Hắc Học của Lý Tôn Ngô 


 "Hậu Hắc Học"  ra đời cuối đời nhà Thanh. Sau bao nhiêu năm nghiên cứu  Lý Tôn Ngô mới thấy rằng, thì ra Anh hùng Hào kiệt trong thiên hạ xưa nay sở dĩ làm được những chuyện kinh thiên động địa, là chỉ nhờ có hai điều kiện là MẶT DÀY và TIM ĐEN. Hậu là dày, Hắc là đen. Học là học thuyết, được áp dụng trong phép làm quan cũng như doanh nhân. 

Kể những anh hùng trong truyện Tam Quốc, người thứ nhất là Tào Tháo. Sở trường của ông là tâm địa đen tối, nghĩa là độc ác. Tào Tháo giết nhà họ Lữ, giết Dương Tu, giết Đỗng Thừa, Phục Hoàn, giết Hoàng Hậu, Hoàng Tử mà không hề ghê tay. Đã thế, lại còn nói thẳng ra: “Chẳng thà ta phụ người, còn hơn để người phụ ta”. Tim đen như thế, thật đã đến tột độ. Tào Tháo xưng hùng được là lẽ cố nhiên.
Kế đến nên công nhận Lưu Bị. Sở trường của ông ta hoàn toàn nhờ ở cái bộ mặt dày. Ông ta theo Tào Tháo, theo Lữ Bố, theo Lưu Biểu, theo Tôn Quyền, theo Viên Thiệu. Trốn bên Đông, nấp bên Tây, chầu chực ăn ở nhà người ta hết năm này qua tháng nọ, vẫn không cho là nhục. Đã thế, Lưu Bị lại còn rất dễ khóc. Mỗi khi gặp việc gì khó giải quyết, ông ta bèn khóc một hồi là chuyển bại thành thắng. Vì thế, tục ngữ có câu: “ Giang sơn của Lưu Bị nhờ khóc mà ra”. Đó cũng là một vị anh hùng có nhiều bản lĩnh. Lưu Bị sánh với Tào Tháo, có thể gọi là “ Song tuyệt”. Vì thế, lúc hai người đối ẩm luận anh hùng, một người tim đen nhất và một người mặt dày nhất, Tào Tháo đã nói:” Anh hùng trong thiên hạ, chỉ có tôi với ông”.
Ngoài ra, còn có Tôn Quyền. Tôn Quyền với Lưu Bị là đồng minh, hơn nữa lại bà con, thế mà bỗng nhiên ông đánh phá Kinh Châu, giết Quan Vũ. Tâm địa độc gần bằng Táo Tháo, chỉ tiếc không độc đến nơi đến chốn. Xong rồi, ông lại xin hòa với Thục để biểu lộ cái mặt dày. Tôn Quyền với Tào Tháo sánh vai xưng hùng, có thể nói là chẳng ai hơn ai kém. Ông lại còn hàng Tào Tháo, xin được xưng thần, tuyệt giao với Ngụy, toàn là những việc làm rất “ mặt dày” cả. Tuy tim ông không đen bằng Tào Tháo, mặt không dày bằng Lưu Bị, nhưng lại kiêm toàn. Vì thế, ông được liệt vào hạng anh hùng hào kiệt cũng đáng lắm.
Về sau, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền đều chết cả, có họ Tư Mã nổi lên. Ta có thể nói là Tư Mã đã lĩnh hội được cái Hậu Hắc chân truyền của Tào Tháo và Lưu Bị. Ông ta có thể ức hiếp cô nhi quả phụ, độc như Tào Tháo, có thể chịu được cái nhục “ khăn yếm”, mặt còn dày hơn Lưu Bị nhiều. Lúc mới đọc sử, đến đoạn Tư Mã Ý chịu nhục, nhận khăn yếm, đã phải khen rằng:” Thiên hạ tất sẽ về tay họ Tư Mã”.

Có thể lấy Sở Hán ra dẫn chứng: Hạng Vũ là bậc anh hùng vũ dũng bậc nhất đương thời, thế mà phải chịu chết ở Đông Thành cho thiên hạ chê cười. Hàn Tín phê bình sự thất bại của ông là “ Phụ nhân chi nhân, thất phu chi dũng”. “Phụ nhân chi nhân” tức là lòng nhân của đàn bà, không thể nhẫn tâm. Căn bệnh ở chỗ tim không đen. “ Thất phu chi dũng” là cái dũng của kẻ thất phu, không chịu được tức. Căn bệnh ở chỗ mặt không dày. Lúc Hạng Vũ và Lưu Bang cùng ngồi một chiếu, Hạng Vũ đã rút kiếm ra khỏi vỏ, chỉ cần hoa một lát lên cổ Lưu Bang là xong, thế mà ông ta bồi hồi không nỡ, để Lưu Bang thoát khỏi.
Trận Cai Hạ bị bại, nếu ông quyết định qua sông Ô Giang thì chưa chắc thắng bại về ai. Ông lại nói: ”Hơn tám ngàn con em ở Giang Đông theo ta sang sông về miền Tây, chẳng còn một ai trở về, gia đình họ sẽ thương khóc con em của họ mà nghĩ đến ta, ta còn mặt mũi nào trông thấy ai! Ví dụ họ chẳng oán trách ta chăng nữa, ta cũng thẹn với lương tâm”. Hạng Vũ bại là phải lắm. Đã nói “ không mặt mũi nào nhìn ai” lại còn biết “ thẹn với lương tâm”, thì còn làm gì được nữa!
Trong lúc ấy thì Lưu Bang, cha bị quân địch bắt, dọa đem làm thịt, Lưu Bang thản nhiên trả lời: ”Nếu có luộc thì xin dành cho một bát nước xúp”. Con bị binh Sở đuổi bắt, ông nỡ đẩy con xuống xe giao cho địch. Về sau còn giết Hàn Tín, giết Bành Việt. “Chim hết bẻ cung, thỏ hết giết chó”. Tư cách như thế thì Hạng Vũ “ Phụ nhân chi nhân, thất phu chi dũng” làm sao địch nổi! 

Ngoài ra, còn nhiều nhân vật có thể dẫn chứng. Như Hàn Tín mặt dày chịu được nhục “ bát cơm phiếu mẫu”, nhưng tim không đen nên bị thất bại. Phạm Tăng tim thật đen, nhưng mặt không dày, không chịu được tức, đến nỗi làm mất giang sơn của Hạng Vũ lại lụy cả đến cái thân già của mình.

Vì thế, phải biết rằng: Trời sinh ra ta, cho ta cái bộ mặt, nhưng bề dày may sao nó lại lộn vào bên trong. Trời cho chúng ta một trái tim nhỏ bé, nhưng cũng may làm sao, sắc đen của nó cũng ở bên trong. Bề ngoài tuy thật tầm thường, nhưng khảo sát cho tinh vi, thấy nó có thể dày đến vô hạn, đen đến vô cùng.

A. Muốn luyện thành một con người “ Hậu Hắc ” cũng không khó, miễn phải kiên nhẫn và phải qua ba thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất, là “dày mà cứng, đen mà sáng”. Người “Hậu” đã tinh thông, mặc dầu thiên hạ công kích đến thế nào đi nữa, cũng không hề động lòng. Lưu Bị là hạng này, cả đến Tào Tháo cũng đành phải chịu thua cái mặt dày của ông ta. 
Người tinh thông “Hắc” học, tim như một tấm “lắc” đen bóng loáng, càng đen người ta càng đổ xô vào phục vụ. Tào Tháo là hạng người này. Ông đã nổi tiếng ác độc, thế mà danh lưu Trung nguyên đều một lòng quy phục. Đúng là tim càng đen thì chiêu bài càng sáng.

Đến thời kỳ thứ hai, tuy đã khá lắm rồi, nhưng vẫn chưa thành công vì còn để lộ hình tích. Cũng như Lưu Bị, Tào Tháo, mới nhìn qua, người ta xét đoán được ngay họ thuộc vào loại nào.

Thời kỳ thứ ba, là “dày mà vô hình, đen mà vô sắc”. Người đã “dày vô tận, đen vô cùng” thì hậu thế vẫn có thể tưởng là không dày, không đen. Thế mới là đi đến tuyệt đích.
Nho-gia giảng Trung-dung, giảng đến “ vô thanh, vô xú ” mới hết. Phật giáo cũng phải đạt đến “ bồ đề vô thụ, minh kính vô đài ” mới chứng quả. Như thế, Hậu Hắc Học là một học thuyết bí truyền từ thiên cổ, cố nhiên phải đạt đến chỗ “ vô hình, vô sắc” mới hoàn toàn.

Nếu muốn làm quan mà không thuộc lòng “Bí quyết cầu quan”; cũng như làm được quan rồi mà không biết phép “Duy trì chức quan”, thì cũng vô ích. Người cầu quan, trước hết phải biết rõ sáu chữ: "Rảnh Rang, Luồn cúi, Khoe khoang, Nịnh hót, Dọa nạt, Quà Biếu ". Người giữ chức quan, cần biết rõ sáu chữ: "Trống Rỗng, Cung Kính, Hách Dịch, Hung Ác, Điếc Đui, Hối lộ."

B. 06 phép cầu quan:"Rảnh Rang, Luồn cúi, Khoe khoang, Nịnh hót, Dọa nạt, Quà Biếu ".

Sáu chữ này, nếu theo thực đúng, thì sẽ đem đến kết quả cụ thể là, một hôm, Quan trên bỗng chợt nhớ ra lẩm bẩm một mình: Ông X muốn làm quan, đã xin từ lâu (Rảnh Rang). Mình với ông ta có đôi chút liên lạc (Luồn Cúi ) Ông ấy cũng là kẻ có tài (Khoe khoang). Ông ta đối với mình rất tốt (Nịnh Hót). Nhưng hắn cũng không phải tay vừa, nếu không cho hắn một việc làm, hắn sẽ làm bậy, có hại đến mình (Khủng Bố)...Nghĩ đến đây, nhìn thấy những lễ vật quà cáp chất đầy quanh mình (Quà Biếu), ông không còn biết phải làm gì hơn là ký giấy bổ “đương sự” đi làm quan.

1. Rảnh Rang: Rảnh rang có hai nghĩa, Một là chỉ sự vụ, người muốn làm quan, không được bận rộn một việc gì hết. Không làm thợ, không đi buôn, không làm ruộng, không học hành mà cũng chẳng dạy ai học. Phải rảnh rang để nhất tâm nhất trí cầu quan. Hai là chỉ thời gian. Người cầu quan phải nhẫn nại, không được nóng nảy hấp tấp. Hôm nay không xong, đợi ngày mai. Năm nay chưa được, chờ sang năm.

2. Luồn Cúi: Nghĩa là chui luồn. Cầu quan, phải luồn cúi, điều này ai cũng biết. Nhưng họ chỉ mới biết đến trình độ có cửa thì chui mà thôi. Theo ta, nếu phải đợi có cửa mới chui thì hỏng to. Phải làm sao cho có cửa thì chui , mà không cửa cũng phải vào lọt. Có cửa sẵn, ta mở rộng thêm. Không có cửa, ta phá tường đục vách, làm cửa mới.

3. Khoe Khoang:  Khoe khoang cùng đi chung với khoác lác. Khoe có hai lối: khoe trực tiếp bằng lời nói và khoe bằng giấy tờ. Khoe bằng lời cũng chia ra hai loại: khoe lúc bình thường và khoe trước mặt quan trên. Gián tiếp là khoe trên giấy tờ như báo chí, truyền đơn, tạp chí, biểu ngữ, v.v… ..

4. Nịnh Hót: Trên sân khấu cải lương, lúc Ngụy Công ra trò, những cử chỉ, dáng diệu, cách ăn nói của bọn này là gương mẫu.

5. Khủng Bố: Tức là dọa nạt. Chữ này nghĩa lý quá cao thâm. Cần phải nhấn mạnh: quan là một nghề rất đặc biệt, đâu có thể tùy tiện muốn cho ai cũng được. Vì thế, có người đã thực hành chữ “Nịnh Hót” chu đáo đến một trăm phần trăm mà vẫn không được làm quan. Đó là vì thiếu chữ “Khủng Bố”. Làm người, ai cũng có nhược điểm và lỗi lầm. Khi tìm được nhược điểm của quan trên, ngắm thật đúng, khẽ điểm một huyệt là quan hoảng hốt sợ hãi, lập tức tìm cho ta một chức vụ ngay. Nhưng người cầu quan phải hết sức khéo léo khi dùng hai chữ “Nịnh Hót” và “ Khủng Bố” kết hợp lại . Nghĩa là, trong nịnh hót có ý ngầm dọa nạt. 

Trong mắt mọi người, thấy mình nói chuyện với quan thầy, câu nào cũng toàn là nịnh hót, tâng bốc, kỳ thực bên trong toàn là móc trái, đá ngầm, chỉ một mình quan thầy hiểu. Quan nghe đến đâu, mồ hôi toát ra như tắm đến đấy. Người giỏi nịnh hót, nói gì, người bên ngoài nghe câu nào cũng thấy toàn là chỉ trích các bề trên, nhưng các “ bề trên” nghe thật vui lòng, nở nang từng khúc ruột. Nhưng điều cần biết là dọa phải có giơiù hạn, nếu đi lỡ trớn, để quan thầy thẹn quá, nổi xùng lên thì cũng hỏng bét cả.

6. Quà Biếu: là dâng lễ vật. Lễ lớn là tặng biếu tiền bạc, vàng, kim cương, ngân phiếu. Lễ nhỏ là món ngon vật lạ, đồ cổ xưa, mời nhậu nhẹt v. v. . . Người được tặng có khi là quan trên, có khi là kẻ tuy không làm chức gì hết nhưng có cách giúp đỡ mình được.


C. 06 phép giữ chức quan: "Trống Rỗng, Cung Kính, Hách Dịch, Hung Ác, Điếc Đui, Hối lộ."

1. Trống Rỗng: Trống rỗng trong giấy tờ, báo cáo, diễn văn, tất cả. Điểm này ta không cần nói rõ phải trống rỗng như thế nào, con chỉ cần chú ý xem các diễn văn,thông điệp, báo cáo của các cơ quan, hội đoàn, báo chí thì hiểu rõ. Nghĩa thứ hai, là làm việc không nhất định một hướng nào. Có khi biểu lộ thật cương quyết, độc đoán, nhưng bên trong vẫn có đường ngầm, để nếu cần có thể thối lui rất dễ dàng, nhất là không bị liên lụy bao giờ.

2. Cung Kính: nghĩa là nịnh hót. Nịnh có hai thứ, trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là nịnh ngay quan trên. Gián tiếp là nịnh thân thích, bạn bè của quan. Từ vợ lớn , nàng hầu, nhân tình, con cháu và đến cả mèo, chó của quan nữa.

3. Hách Dịch: trái nghĩa với chữ Cung Kính. Chữ này để đối với thuộc hạ hay dân chúng. Một là tỏ ra bằng giáng điệu oai nghiêm hách dịch. Hai là trong ngôn ngữ, tỏ ra ta đây tài giỏi hơn người. Chữ Cung Kính không nhất định đối với quan trên, vì có khi quan trên không trực tiếp nắm quyền sinh sát mình, thì không sợ. Cũng giống như thế, chữ Hách Dịch không nhất định đối với người dưới, vì nếu người dưới mà có quyền hay ảnh hưởng đến chức phận của mình, thì cũng phải đổi ra cái bộ mặt cung kính đối với họ. Như thế, nghĩa là phải tùy hoàn cảnh, sử dụng cho khéo léo.

4. Hung Ác: Ta chỉ cần đạt đến mục đích, mặc kẻ khác táng gia bại sản, bán vợ đợ con. Nhưng, điều cần chú ý nhất, là bao giờ cũng phải phủ lên trên bộ mặt tàn ác một lớp vỏ nhân nghĩa đạo đức mới được việc.

5. Điếc-Đui: “ Chúng cười mặc chúng, quan ta, ta cứ làm”. Trong chữ Điếc này, lại còn bao gồm cả chữ Đui . Vì có khi thiên hạ chửi bằng báo chí chứ không chỉ chửi bằng miệng. Trong trường hợp này, ta giả Đui nhắm mắt không thèm xem. 

6. Hối Lộ: tức là ăn tiền. Mười một chữ trước đều sắp đặt để dọn đường cho chữ này: đối chiếu với chữ Biếu Xén. Đã có dâng lên thì phải có thu vào. Nhưng cũng cần phải biết món nào nuốt được, món nào cần nhả thì phải nhả, để khỏi mắc nghẹn.

D. 02 phép làm việc của quan: “CẮT TÊN” &“ VÁ NỒI”.

1. Phép cắt tên: Ngày xưa có một người bị trúng một mũi tên. Hắn ta đến nhà một vị lương y ngoại khoa xin chữa trị . Oâng ta lấy dao cắt mũi tên bên ngoài, rồi tính tiền khám bệnh và chữa bệnh. Bệnh nhân ngạc nhiên hỏi:"Ơ kìa, ông đã chữa lành đâu mà đòi tiền? Mũi tên vẫn còn ở trong người tôi". Lương y trả lời: "Tôi là thầy ngoại khoa. Tôi chỉ chữa bệnh ngoài da. Còn bên trong không chữa được, bây giờ anh hãy đi tìm một thầy nội khoa mà xin chữa"

Đó là chuyện xưa, còn ngày nay thì cũng nhan nhản cách làm việc như thế. Ví dụ, Trong một công văn nọ được viết:” Theo như lời của ngài thì tên X quả thực có tội, chúng tôi sẽ thông báo cho nha hữu quyền điều tra để nghiêm trị”. “ Quả thực có tội” là “ cắt tên”. “ Nha hữu quyền” tức là thầy nội khoa. Hoặc là “ sẽ chuyển lên thượng cấp định liệu”. “ Thượng cấp” đây là “ thầy nội khoa”. Và ví dụ, nếu có người nhờ ta làm việc gì, ta nói: “ Tôi rất tán thành ý kiến của anh, nhưng còn phải thương lượng với ông Z”. “ Rất tán thành” là “ cắt tên”. “Ông Z” là thầy nội khoa.
Có những trường hợp bệnh nhân chỉ được cắt tên mà không được mách bảo tìm thầy nội khoa, và cũng có trường hợp chỉ bảo tìm thầy nội khoa, chứ tên cũng không thèm cắt. Chính trị càng cao thì càng biến hóa huyền bí vô cùng vô tận.

2. Phép vá nồi: Ngày xưa, có một người mời bác thợ hàn nồi đến nhà để hàn một cái nồi bị nứt. Bác thợ hàn vừa cạo nồi vừa bảo: "Xin ông chủ cho tôi ít lửa để tôi nhen bếp hàn". Trong khi chủ nhà quay lưng đi lấy lửa, bác thợ hàn khẽ đập nhẹ vào đáy nồi cho nứt nhiều thêm. Đợi chủ nhà đến nơi, bác nói: "Ông chủ xem đây. Nồi của ông nứt dài thế này, nhưng vì bị bồ hóng bám đầy nên không trông thấy. Bây giờ tôi cạo sạch, mới lộ ra rõ ràng.". Chủ nhà kinh ngạc nói: "Thật may quá, hôm nay may gặp được bác hàn giúp cho. Nếu để ít lâu nữa, chắc là sẽ phải bỏ cái nồi, không còn dùng được nữa.". Nồi hàn xong, cả bác thợ hàn lẫn chủ nhà đều vui vẻ mãn nguyện chia tay.

Cổ kim, đông tây, hiện đại cũng như trong lịch sử, nhan nhản đầy những chuyện Cắt tên và Vá nồi như thế. Hành động của cá nhân cũng như biến chuyển của quốc gia, suy luận một lúc là thấy rõ ngay thuộc về loại nào. Cũng có khi bác thợ hàn lỡ tay, đập vỡ nồi của người ta, rồi vá không xong!
Trịnh Trang Công dung túng cho Công Thúc Đoạn làm thực nhiều điều bất nghĩa, rồi mới cứ binh chinh phạt. Đó là phép vá nồi. Trong lịch sử, nếu ta lưu tâm nhận xét một chút thì nhận thấy rõ ngay.
Hai phép mầu nhiệm trên đây là một công lệ để làm việc. Vô luận cổ kim, đông tây, xưa nay vẫn rất thành công.
Quản Trọng là một đại chính trị gia Trung Quốc. Ông làm việc, không bao giờ ra khỏi hai luật này. Rợ Địch đánh nước Vệ, Tề quốc án binh bất động. Đợi đến lúc Địch diệt được Vệ rồi, ông mới làm nghĩa cử, hưng binh vấn tội Địch để cứu Vệ. Đó là phép vá nồi. Quản Trọng không trách Sở tiếm Vương hiệu, chỉ trách Sở không triều cống. Đó là phép cắt tên. Bởi vì lúc bấy giờ thực lực của Sở hơn Tề gấp bội, Quản Trọng xui Tề Vương đem binh đánh Sở, có thể nói là đập vỡ nồi để hàn. Đến khi thấy thái độ phản kháng cứng rắn của Sở, bèn cắt tên, bỏ qua chuyện cho xong. Quản Trọng có thể đập thủng nồi, xong rồi vá lại, vì thế nên được gọi là kẻ anh tài trong thiên hạ.

Đời Minh, Lý Vũ Thần vây khổn Lưu Khấu, sau lại thả ra. Đó là định dùng phép đập nồi. Chẳng ngờ, Lưu Khấu mạnh quá, trị không nổi, nên bị nước mất, vua chết.

Nhưng làm trái 02 phép này thì phải thất bại. Vì trong khi ai cũng chỉ theo phép cắt tên, và mình chỉ là thầy ngoại khoa, lại muốn nhổ cả đầu mũi tên ra, thì thất bại là lẽ cố nhiên. Chẳng hạn, Nhạc Phi muốn khôi phục Trung nguyên, rước Nhị Đế về. Nhưng khi ông vua đương kim có ý định chỉ nhổ đầu tên, thì Nhạc Phi bị hại ngay. Đời Tấn, Vương Đạo làm thừa tướng, có giặc nổi loạn nhưng ông không cho binh lính tiêu diệt loạn quân, mặc dầu trong khi ấy ông ta vẫn tỏ ra tận trung phò tá ngai vàng. Aáy là ông ta nuôi giặc để cho nhà Vua cảm thấy ngai vàng lung lay, cần phải có ông phò tá. Đó là giữ nguyên cả mũi tên không cắt, để chờ thầy nội khoa. Cổ kim, đông tây, ví dụ rất nhiều, ta không thể nào nói hết được. Nếu con chịu khó suy luận thì thấy ngay.

E. Phép tiến hoá trong " Hậu Hắc Học": 

Có phải những kẻ nào thành công trên đời, vô tình hay hữu ý, cũng đều là độc ác và mặc dày cả sao? Thế giới lúc nào cũng tiến hóa. Hậu Hắc Học cũng phân ra làm ba thời kỳ. 

Thời kỳ thượng cổ còn lộn xộn, không phân biệt “ đen” hay “ dày” gì cả, tất cả mọi người đều giản dị thật thà. Trong thời ấy, học thuyết của Khổng Mạnh đề xướng ra, rất thích hợp. Đó là thời kỳ thứ nhất.

Về sau, trí thức dân chúng càng ngày càng mở mang, trong đầu óc người ta, trăm mưu nghìn kế, biến hóa vô cùng. “ Hắc” như Tào Tháo, “ Hậu” như Luu Bị, bấy giờ mới xuất hiện ra. Lúc ấy, dù Khổng Tử có sống lại, cũng vô ích mà thôi. Đó là thời kỳ thứ hai.

Hiện tại đã đến thời kỳ thứ ba. Bọn người “ Hắc” như Tào Tháo, “ Hậu” như Lưu Bị, sinh ra càng ngày càng nhiều. Không những thế, nghệ thuật tinh vi của bọn họ, nếu Tào, Lưu trông thấy, cũng phải kinh hoảng. Cũng may là người thành công ít, kẻ thất bại nhiều. Và dù có thành công một thời, kết quả cũng vẫn đi đến thất bại.

Vì đây là thời kỳ thứ ba, thời kỳ “ Hậu Hắc” toàn thịnh của Tào, Lưu nay đã trở thành quá khứ. Người muốn THỰC thành công bây giờ, ngoài mưu trí thông minh xuất chúng, còn phải kiêm cái đạo đức giống như ở thời kỳ thứ nhất vậy. Kỳ thực, cũng không phải là trở lại thời kỳ thứ nhất hẳn, nhưng là một cái vòng tròn tiến hóa. Nghĩa là phải có cái tâm của Khổng Mạnh để thực hành cái thuật của Tào, Lưu, mới thích hợp với thời đại.

Vật gì hiếm có là vật quí. Thời thượng cổ, dân trí còn chất phác, không ai “ Hậu” mà cũng chẳng có ai “ Hắc”. Bỗng nhiên sinh ra một người đủ cả “ Hậu” lẫn “ Hắc”, tất nhiên người ấy khống chế thiên hạ, giành phần thắng lợi về mình. Mọi người trông thấy thế, bèn bắt chước theo. Ai cũng thi nhau “ Hậu Hắc” không ai trị nổi ai. Thế rồi bỗng dưng lại nổi lên một người, không rõ là “Hậu” hay “ Hắc”. Người này cố nhiên sẽ nổi bật hẳn lên về đức độ và tài năng, như thế cố nhiên sẽ phải được thiên hạ tín nhiệm, cảm phục, phần thắng lợi nắm chắc trong tay, không còn ai tranh được.

Ví dụ áp dụng trong kinh doanh, lúc ban đầu tất cả các gian hàng đều bán một thứ hàng tốt, giá rẻ cả, bỗng nhiên có một người bán lẫn hàng giả và xấu vào, người này bán đầu tiên, nên lừa thiên hạ được một số tiền rất lớn. Mọi người thấy thế đua nhau bắt chước, đến nỗi cả thị trường dần dần đều bán toàn hàng giả, xấu, làm cho khách hàng nghi ngờ, chán nản vô cùng. Thế rồi, bỗng có một nơi bán hàng tốt thật và giá rẻ thật. Khi thiên hạ phát giác sự thật thà của cửa tiệm này, tất cả mọi người đều đổ xô đến mua. Công ty này nhất định sẽ phát đạt và giàu to, vì đã được sự tín nhiệm của khách hàng.

Như thế là trong thương trường, cũng chia làm ba thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là hàng tốt và đẹp mắt, thời kỳ thứ hai hàng chỉ đẹp mà không tốt, thời kỳ thứ ba, trở lại bên ngoài trông đẹp mà bên trong chất hàng cũng tốt nữa


HẬU HẮC HỌC
***************
Đúng như giới nhân sĩ Trung Hoa đã nhận xét: Hậu Hắc Học - Lý Tôn Ngô là một trong hai phát minh vĩ đại nhất của Trung Quốc.

Binh pháp là một cuốn sách cổ về mưu lược, đã rất nổi tiếng ở phương Tây, còn Hậu Hắc Học là một tác phẩm khá mới, hầu như chưa được biết đến ở ngoài Trung Quốc.

"Một trong những kết quả của việc đọc cuốn sách này sẽ là sự sụp đổ quan niệm truyền thống của bạn về sự tàn nhẫn. Nó gợi tư duy đáng kể trong khi cung cấp những ví dụ cụ thể.”

Seattle Times

“Đây là một cuốn sách phi thường, đầy những mẹo nhỏ thiết thực về cách biến nghịch cảnh thành thắng lợi. Bạn phải đọc cuốn này!”

George “Sparky”
***************

0 nhận xét:

Đăng nhận xét