Tại sao phải nghiên cứu & ban hành Pháp luật về Marketing Thương mại điện tử (Law on E-Marketing)
Điện thoại phải mất 35 năm để tiếp cận với 25% dân số Mỹ, truyền hình mất 26 năm, phát thanh mất 22 năm và điện thoại đi động mất 12 năm, còn Internet chỉ mất 7 năm (từ 2000-2009), trên toàn cầu đã có khoảng 1,6 tỷ người truy cập vào mạng Internet, tốc độ tăng trưởng là 362.3%. Trong ngày độc thân 11/11/2016, doanh số bán hàng Alibaba 1,47 tỷ USD chỉ trong vòng 6 phút 58. Theo số liệu do Công ty We Are Social công bố tháng 01/2017, Việt Nam có dân số khoảng 93 triệu người, trong đó 52 triệu người dùng Internet; có 46 triệu tài khoản mạng xã hội, riêng Facebook có khoản 30 triệu tài khoản và tiêu tốn hơn 3 giờ mỗi ngày/người. Theo thống kê năm 2014, cứ một người Việt có 1.45 sim điện thoại, do đó sẽ là thị trường tiềm năng đối với loại hình mobile marketing.
Tiếp thị thương mại điện tử (e-marketing) được sử dụng và biến hóa dưới nhiều cách khác nhau bởi sự phong phú và linh hoạt trong việc truyền tải nội dung. Trên môi trường Internet, khái niệm về không gian, thời gian là rất mờ nhạt và e-marketing đã tận dụng đặc điểm này để phát huy thế mạnh của mình, củng cố lợi ích mang lại cho doanh nghiệp ứng dụng.
Thương mại điện tử và công nghiệp tiếp thị là 2 lĩnh vực kinh tế mới mẻ tại VN. Đa phần các nghiên cứu đều xem xét các vấn đề về TMĐT độc lập với tiếp thị. Rất ít nghiên cứu về E-Marketing, và chỉ dừng lại khía cạnh kinh tế mà chưa xem xét đến mặt pháp lý của nó. Do đó, việc tìm hiểu và đề xuất mô hình vận động cho pháp luật trong lĩnh vực E-M phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế, với sự vận động của các quan hệ xã hội trong môi trường kinh doanh mạng, cũng như đáp ứng được sự thay đổi không ngừng của CNTT-VT là một vấn đề cần thiết và có ý nghĩa to lớn với thời đại Công nghiệp 4.0 ngày nay.
1. Hệ thống pháp lý về E-Marketing
- Một là, các đạo luật cơ bản: Bộ luật hình sự; Các điều ước quốc tế; Bộ luật dân sự;..
- Hai là, các luật chuyên ngành: Quảng cáo; Khuyến mại; Sở hữu trí tuệ; Quyền riêng tư; Cạnh tranh & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giao kết hợp đồng đặt hàng trực tuyến;..
- Ba là, các quy định hành chính của chính phủ
- Bốn là, Quy chế tự quản của ngành (hiệp hội): Hiệp hội quảng cáo; Hiệp hội bảo vệ QLNTD;...
2. 08 chế định cơ bản mà pháp luật điều chỉnh E-marketing
- Một là, Sở hữu trí tuệ.
- Hai là, pháp luật về Công nghệ thông tin & Viễn thông
- Ba là, pháp luật về xuất bản & báo chí
- Bốn là, pháp luật về Thuế trong lĩnh vực E-marketing
- Năm là, pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư, và riêng tư khác.
- Sáu là, pháp luật về chất lượng sản phẩm & An toàn thực phẩm; dược phẩm;..
- Bảy là pháp luật về Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động xúc tiến
- Tám là, chế định về Hợp đồng đặt hàng trực tuyến & thanh toán trực tuyến
Ngoài ra còn có các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính & hình sự trong tiếp thị (quảng cáo) & giá (trong khuyến mãi).
3. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
- Thứ nhất, dự báo xu hướng vận động của pháp luật về E-Marketing, góp phần hoàn thiện pháp luật và định hướng giải quyết tranh chấp.
- Thứ hai, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách nhà nước, nhằm quản lý hiệu quả hơn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhanh chóng, ổn định và an toàn Thương mại điện tử và ngành công nghiệp tiếp thị số ở Việt Nam.
- Thứ ba, góp phần hoàn thiện pháp luật Xúc tiến Thương mại & pháp luật cạnh tranh, Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng.
- Thứ tư, góp phần dự thảo Luật bảo vệ quyền riêng tư, Luật Thương mại điện tử phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng Công nghiệp 4.0.
- Thứ năm, tạo nền tảng khoa học pháp lý để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn pháp luật về E-Marketing & cơ chế giải quyết tranh chấp Trực tuyến. Làm tiền đề xây dựng Luật E-Marketing & pháp luật Trọng tài Thương mại Trực tuyến.
4. Phương hướng hoàn thiện pháp luật E-Marketing ở VN
a. Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẻ và hiệu quả, cần thiết phải kết hợp và phát triển các mô hình tự quản như hiệp hội quảng cáo,... Đồng thời phải sửa đổi bổ sung phần Xúc tiến thương mại của luật Thương mại 2005 để phù hợp với các pháp luật chuyên ngành và thực tiễn kinh doanh thương mại hiện đại, cụ thể như sau:
- Một là, pháp luật về quảng cáo cần có các quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động tiếp thị, quảng cáo thông qua mạng xã hội; công cụ tìm kiếm; trình duyệt; các tiểu blog, tiểu forum,..;
- Hai là, pháp luật về khuyến mại cần đưa ra định nghĩa phân biệt giữa các thuật ngữ như: "hạ giá", "giảm giá", "chiết khấu", " khuyến mại", "thanh lý hàng tồn kho" để tránh nhầm lẫn khi áp dụng;
- Ba là, tiến tới việc cấm hoàn toàn việc tiếp thị, quảng cáo dưới mọi hình thức của các sản phẩm độc hại như: Thuốc lá, Rượu các loại, Bia các loại,..đúng như "lộ trình thực hiện" giai đoạn 2014-2016, trong quyết định số: 244/QĐ-TTg, ngày 12/02/2014. Từ đó, ban hành luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
b.Thứ hai, vấn đề pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng rất cấp thiết, để phù hợp với thực tế kinh doanh hiên nay. Luật Cạnh tranh được biết như là hiến pháp của pháp luật kinh doanh nhưng đã lạc hậu, cần phải sửa đổi bổ sung đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo, khuyến mại mà các doanh nghiệp đang lạm dụng một cách tinh vi; Hiện tại luật chỉ điều chỉnh phương pháp kinh doanh Đa cấp mà chưa điều chỉnh các phương pháp khác như Viral marketing, Placebo marketing, Ambush marketing, Mobile marketing. Ngoài ra, cũng cần phải hoàn thiện pháp luật về "tố tụng cạnh tranh" dựa trên cơ sở Hội đồng cạnh tranh hiện nay, để đảm bảo hiệu quả thực thi của nó trong thời gian đến.
c.Thứ ba, vấn đề Quyền riêng tư trong hoạt động E-Marketing cũng mang tính thời sự trong cách mạng Công nghiệp 4.0. Ngoài các giải pháp kỹ thuật, thì việc nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, quyền riêng tư của trẻ em, để phòng ngừa tác hại của tiếp thị thương mại điện tử là cần thiết. Bên cạnh đó, phải ban hành pháp luật điều chỉnh các hành vi lạm dụng "Sốc-Sex-Sến" trong tiếp thị lan tỏa, để hạn chế các chủ thể lợi dụng công nghệ tăng lượt truy cập, thu hút người dùng, kiếm tiền bất chính, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, phong tục nước ta.
d.Thứ tư, vấn đề giao kết hợp đồng đặt hàng trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến là vấn đề mới mẻ mà pháp luật nước ta cần nghiên cứu áp dụng, cụ thể như sau:
- Một là, khẩn trương nghiên cứu gia nhập công ước UNCITRAL 2005 về hợp đồng điện tử, từ đó làm căn cứ để triển khai ban hành Luật Thương mại điện tử;
- Hai là, nghiên cứu triển khai phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến, từ đó, sửa đổi bổ sung Luật Trọng tài thương mại 2010 & Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Ba là, ban hành sổ tay về pháp luật E-marketing, kèm theo chế tài để phổ biến và răng đe người dùng, khi tham gia Thương mại điện tử. Từ đó, hoàn thiện việc nghiên cứu, ban hành Luật tiếp thị thương mại điện tử ở VN ;
By: LS-ThS Nguyễn Cao Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét