LUẬT SƯ VÀ NHÀ BÁO
Từ trong bản chất nghề nghiệp và đặc thù hoạt động của mình, báo chí và nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng luôn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Nếu luật sư có đầy đủ những kiến thức chuyên môn về pháp luật, có kĩ năng phân tích các sự kiện pháp lý thì người làm báo ngoài kiến thức sâu rộng còn có khả năng phân tích mổ xẻ vấn đề nhạy bén trước mọi tình huống, có đầu óc phán đoán và phân tích tình hình và luôn bám sát thực tế cuộc sống.
Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền và bước vào “sân chơi chung” hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh các cơ hội giao thương, những quan hệ pháp luật mới sẽ được thiết lập trong quan hệ kinh tế – xã hội. Với vai trò “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”(Điều 3, Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012)), vị thế của luật sư ngày càng được đề cao hơn. Trong khi đó, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Với khả năng tác động một cách rộng lớn, nhanh chóng và mạnh mẽ vào xã hội, hoạt động báo chí có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó bảo đảm được “Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí ; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội ; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới ; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác” (Điều 6 Luật báo chí 1989).
Từ trong bản chất nghề nghiệp và đặc thù hoạt động của mình, báo chí và nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng luôn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Nếu luật sư có đầy đủ những kiến thức chuyên môn về pháp luật, có kĩ năng phân tích các sự kiện pháp lý thì người làm báo ngoài kiến thức sâu rộng còn có khả năng phân tích mổ xẻ vấn đề nhạy bén trước mọi tình huống, có đầu óc phán đoán và phân tích tình hình và luôn bám sát thực tế cuộc sống. Mối quan hệ hỗ trợ của luật sư và báo chí được thể hiện trên những mặt sau:
Thứ nhất, để hoàn thành tốt công việc của mình, nhà báo phải không ngừng nâng cao kiến thức mọi mặt và vốn sống thực tế, trong đó trước hết phải nắm vững đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bởi vì đường lối, chủ trương của Đảng là những định hướng lớn, còn pháp luật là sự thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, với đặc thù của nghề báo chí, không thể yêu cầu một nhà báo phải hiểu toàn diện về những quy định của pháp luật. Do đó, luật sư trở thành một kênh thông tin hữu ích để các nhà báo khai thác có hiệu quả về quy định pháp luật, quan điểm cá nhân về các vụ việc diễn ra. Để thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo, các nhà báo cũng cần sự hỗ trợ của các luật sư để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, Thông qua quan điểm của luật sư, nhà báo có thêm những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về các vụ việc. Có thể thấy, hiện nay ở các bài báo có liên quan đến tranh chấp, kiện tụng, các nhà báo thường đưa vào những ý kiến của các luật sư để làm rõ hơn các quan điểm pháp luật trong vụ việc. Xoay quanh vụ án cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ đồng ở Vinalines, đã có rất nhiều các luật sư có ý kiến khác nhau trước, trong và sau khi xét xử bị cáo này: Trên báo Đời sống pháp luật, có bài viết “ Án tử Dương Chí Dũng, luật sư nói gì?”. Bài báo đã đưa ra quan điểm trái chiều của các luật sư về vụ việc này: Nếu Luật gia Nguyễn Hữu Thực, Chi hội Luật gia Đông Đông, luật sư Trần Anh Dũng, giám đốc Công ty Luật Đại Phúc cho rằng: “Mức án dành cho bị cáo Dương Chí Dũng là phù hợp thì luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) nhận định chưa có đủ căn cứ để khép tội bị cáo. Việc đưa ra quan điểm pháp luật khác nhau của các luật sư, giúp cho người đọc hiểu được các khía cạnh của vụ việc và có những nhận định riêng về bản án Tòa đưa ra.
Với việc báo chí hàng ngày, hàng giờ theo sát các diễn biến của cuộc sống, đặc biệt, với sự xuất hiện của loại hình báo điện tử, các thông tin được cập nhật gần như tức thì, đa dạng, giúp luật sư nhanh chóng có được thông tin cần thiết để tham khảo, đối chiếu, so sánh, kiểm chứng, phân tích và tổng hợp. Báo chí với tư cách là người đứng ngoài các vụ việc sẽ có nhìn nhận khách quan, đúng đắn, đưa ra các bằng chứng, lý lẽ, lập luận mang tính tham khảo, giúp cho luật sư có được thông tin đa dạng, nhiều chiều về các vụ án, tranh chấp xảy ra trong cuộc sống. Qua việc tham khảo những quan điểm khác nhau của những luật sư đồng nghiệp, sẽ có được những suy nghĩ cá nhân về từng vụ việc.
Thứ hai, do đặc thù của báo chí là thực hiện hoạt động thông tin, yêu cầu cơ bản của thông tin là phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật. Nên việc đánh giá ưu, nhược điểm của các quy định pháp luật từ phía các luật sư qua các vụ việc thực tiễn, được báo chí phản ánh sắc nét, nhanh chóng, phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của hệ thống pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Như vậy, luật sư và nhà báo – với những đặc thù nghề nghiệp sẽ bổ trợ cho nhau trong việc nhận diện, đánh giá quy định pháp luật.
Thứ ba, báo chí là cầu nối quan trọng giữa luật sư với cơ quan Nhà nước. Đôi khi, chính những bài báo tưởng rằng chỉ đơn thuần trên giấy bút nhưng lại có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Có trường hợp, ý kiến của các luật sư thông qua báo chí hỗ trợ để cơ quan Nhà nước đưa ra những phán quyết hợp với lòng dân. Nhưng có những bài báo lại tạo sức ép cho cơ quan Nhà nước nhìn nhận lại vụ việc. Gần đây nhất, hàng trăm bài báo trên các trang báo khác nhau, đã phản ánh vụ việc hàng trăm cây xanh Hà Nội bị chặt phá với những bằng chứng, lý lẽ, lập luận định hướng dư luận xã hội tạo ra sức mạnh chung lên án, đấu tranh với những vi phạm pháp luật. Mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ các sai phạm trong quyết định của các cán bộ. Dưới sức ép của dư luận, Chủ tịch UBND thành phố đã quyết định tạm dừng việc chặt hạ, Thanh tra thành phố đề nghị kỷ luật cán bộ sai phạm trong vụ chặt cây xanh.
Thứ tư, báo chí chia sẻ với luật sư về những khó khăn, cổ vũ những quan điểm đúng đắn, đồng thời cũng phát hiện những tiêu cực, những sai trái của các luật sư để phê phán nhằm mục đích xây dựng. Các luật sư điển hình tốt thông qua báo chí không chỉ là tấm gương cho các luật khác học tập mà còn giúp người dân tin tưởng vào công lý vẫn được thực thi dựa trên công bằng xã hội.
Còn nếu là luật sư có yếu kém có nhiều hạn chế, thì đây cũng là bài học để các đồng nghiệp khác tránh không vấp phải tiêu cực, điều chỉnh quan điểm hành vi của mình sao cho phù hợp. Gần đây, ngày 26-5-2015, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 luật sư trực thuộc Đoàn Luật sư thành phố gồm: Luật sư Nguyễn Văn Ne, Luật sư Phạm Hồng Thái và Luật sư Nguyễn Thanh Hiền do vi phạm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và gây ảnh hưởng rất xấu đối với uy tín nghề Luật sư. Từ những sai phạm của các luật sư giúp các luật sư khác nhìn nhận được những hành vi vi phạm để rút kinh nghiệm cho mình.
Thứ năm, báo chí góp phần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng. Báo chí với những đặc trưng của mình là công cụ quan trọng, góp phần tích cực, chủ động để xã hội có nhận thức đúng về luật sư. Rất nhiều các vụ án nghiêm trọng khi người phạm tội thực hiện những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có sự quan tâm rất lớn của dư luận. Do đó, người luật sư bào chữa cho những bị cáo này thường vấp phải những phản đối của dư luận. Tuy nhiên, dưới ngòi bút của nhiều nhà báo, đã chỉ ra cho người dân hiểu, việc các luật sư tham gia bảo vệ cho bị cáo đều xuất phát từ các quy định pháp luật và nhằm hướng tới tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Điều này không chỉ có tác dụng động viên những con người có đức, có tài đóng góp tài năng của mình cho đất nước mà còn góp phần tạo dựng môi trường xã hội thuận lợi cho luật sư hành nghề. Bên cạnh đó, người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của nghề luật sư với xã hội và hoạt động bảo vệ lợi ích người dân của luật sư phải dựa trên các quy định của pháp luật, không thể xuất phát từ quan điểm cá nhân hay lợi ích người dân, sức ép dư luận mà làm trái với quy định pháp luật.
Báo chí là một lĩnh vực hoạt động khá phong phú và ngày càng phát triển. Hiện cả nước có 702 cơ quan báo chí, 813 ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình, 1 hãng thông tấn quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử và hơn 15.000 nhà báo được cấp thẻ, trong số đó chiếm đa phần là phóng viên. Tính đến ngày 15/9/2014 cả nước có 11.285 người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và 3.408 tổ chức hành nghề luật sư. Với số lượng luật sư và nhà báo lớn nhưng hiện nay các luật sư vẫn chưa phát huy được hết vai trò của báo chí để nói lên tiếng nói của mình. Các nhà báo còn có những sai phạm khi tác nghiệp và viết bài. Trong khi, pháp luật được xem là kiến trúc thượng tầng, do đó có mối quan hệ chặt chẽ với các thành tố trong đó có báo chí. Do đó, để hiệu quả giữa luật sư và báo chí ngày càng được nâng cao, trước hết về phía các luật sư cần xác định được vai trò của báo chí với hoạt động hành nghề của mình. Từ đó, có những biện pháp liên kết với báo chí để nâng cao hiệu quả hoạt động. Về phía nhà báo, với những sai phạm hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ việc họ chưa có kiến thức pháp luật chắc chắn. Do đó, đã có những cơ quan báo chí tuyển những người tốt nghiệp Đại học Luật về cơ quan báo chí làm phóng viên, tạo điều kiện để số phóng viên này vừa làm, vừa được đào tạo thêm về nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên để tránh tình trạng các bài báo viết sai sự thật hiện nay. Mỗi luật sư khi có được những phẩm chất của nhà báo về cách phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, công bằng và mỗi nhà báo khi hiểu rõ các quy định pháp luật thì sự kết hợp của pháp luật và báo chí sẽ mang lại hiệu quả cao, sức mạnh to lớn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với quá trình nước ta bước vào hội nhập thế giới, luật sư và nhà báo là những lực lượng quan trọng trong việc cung cấp thông tin thiết thực, cụ thể, chính xác cho người dân và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân trước những thay đổi của nền kinh tế. Do vậy, luật sư và nhà báo đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cần có sự phối hợp song hành cùng nhau để cùng đối đầu với những thách thức và phát triển mạnh mẽ hơn.