Đầu tư vào tài liệu cổ - kinh doanh Đa cấp kiểu mới
Khoảng 18.000 người dân Pháp được cho là nạn nhân của vụ lừa đảo lớn nhất trong lĩnh vực nghệ thuật từ trước đến nay với số tiền lên đến 1 tỷ EUR. Sự việc ngày càng thu hút dư luận thế giới hơn khi nghi ngờ liên quan đến mô hình Ponzi - hình thức kinh doanh đa cấp lừa đảo đang gây sóng gió trên thị trường thế giới.
Cách đây vài tháng, mọi người có thể ghé thăm một nơi được gọi là Bảo tàng Thư từ và Tài liệu cổ trên đại lộ Saint - Germain ngay trong lòng thủ đô Paris của nước Pháp. Thậm chí mới đây, từ điển bách khoa toàn thư (Wikipedia) vẫn còn cập nhật thông tin về bảo tàng - nơi lưu trữ 130.000 bản thảo viết tay cổ xưa. Thế nhưng, giờ đây, bảo tàng đã bị niêm phong trong khi các tài liệu quý bị “nhốt” trong nhà kho ở tỉnh Seine-Saint-Denis.
Mọi việc bắt đầu từ vụ mua bán của Giám đốc bảo tàng Gerard Lheritier. Ông Lheritier nhìn thấy giá trị to lớn các bản thảo và bút tích viết tay cổ của Pháp và bắt đầu lên kế hoạch làm ăn quy mô lớn. Một trong tác phẩm đầu tiên được Lheritier mua lại là xấp tài liệu dày 54 trang của Einstein về thuyết tương đối với giá hơn 500.000 EUR. Sau đó, ông rao bán 400 cổ phần trong tập tài liệu này cho các “nhà đầu tư” với tổng giá trị là 12 triệu EUR, gấp 24 lần so với số vốn ông bỏ ra ban đầu. Dần dần, Lheritier tích lũy bộ sưu tập lớn các bản thảo và một vài trong số đó rất có giá trị như: những cuộn giấy cổ ở biển Chết, bản nhạc của Mozart và tác phẩm gốc Marquis de Sade.
Ông Gerard Lheritier và bản di chúc chính trị của Vua Louis XVI năm 2009.
Bong bóng đầu cơ
Nhiều năm sau đó, Lheritier thành lập Cty Aristophil để phát triển mạnh mẽ hệ thống kinh doanh lừa đảo của mình và nhanh chóng trở thành “ông vua” của thị trường kinh doanh lúc bấy giờ.
Cty Aristophil tuyển dụng hàng trăm nhân viên bán hàng trên toàn nước Pháp. Sau đó, Lheritier xây dựng bảo tàng Thư từ và Tài liệu ở thủ đô Paris để lưu trữ các bức thư, tác phẩm văn học và bản thảo viết tay. Bảo tàng thứ 2 cũng được xây dựng tại Brussels, Bỉ. Với sự hiện diện các tài liệu quý ở bảo tàng, mạng lưới kinh doanh rộng rãi, lời hứa hẹn lãi suất cao ngất ngưỡng, cùng với sự đảm bảo của các nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh, Cty Aristophil thu hút hàng chục ngàn nhà đầu tư góp vốn.
Cha của cô Aude Nehring là một trong những nạn nhân vô tội khi nghe theo những lời mật ngọt dụ dỗ và đã đầu tư 35.000 EUR. Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy các tài liệu cổ mình đầu tư, nhưng ông được hứa hẹn trả 8% lãi suất mỗi năm. Cha của Aude qua đời 2 năm trước và sẽ không bao giờ nhận ra được việc đầu tư này hoàn toàn vô giá trị.
Hình thức kinh doanh đa cấp mới
Tháng 11-2014, nhà chức trách bắt đầu vào cuộc. Sau quá trình điều tra, Aristophil được kết luận chỉ là Cty núp bóng dưới hình thức lừa đảo đa cấp Ponzi - mô hình kinh doanh xây dựng trên thông tin quảng cáo sai lệch và giá trị thị trường ảo. Lheritier bị buộc tội gian lận trong kinh doanh. Tất cả tài sản của ông bị tịch thu. Cty thì bị thanh lý và bộ sưu tập của ông bị niêm phong.
Tuy nhiên, trong phiên xét xử mới đây, luật sư của Lheritier là Francis Triboulet cho rằng, công việc kinh doanh của Cty có chiều hướng xấu trong năm 2013 và 2014 nhưng hoàn toàn là cáo buộc vô căn cứ khi nói rằng, mô hình kinh doanh Aristophil là gian lận. “Thực tế là các nhà đầu tư đã mua mặt hàng có giá trị thực và đến hôm nay, họ vẫn là chủ của những tài liệu đó”, ông nói. Triboulet cho biết, việc đóng cửa Aristophil chỉ dựa trên cơ sở giả thuyết, việc lừa đảo có thể xảy ra trong tương lai. Và vào thời điểm đóng cửa, không một nhà đầu tư nào nộp đơn khiếu nại về vụ việc này.
Cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ việc để truy tố những người chịu trách nhiệm thực sự đối với các nhà đầu tư. Nhiều câu hỏi đặt ra: Bằng cách nào vụ việc lại âm thầm diễn ra mà không ai biết đến trong nhiều năm? Giá trị thực sự của những bản thảo và thư viết tay đó là gì? Và trên tất cả là làm thế nào để các nhà đầu tư thu hồi lại vốn?
Tuệ Khanh
(Theo BBC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét