Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp bia, rượu có nguy cơ lỗ lớn, rời khỏi thị trường ?
Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, các doanh nghiệp bia, rượu kêu gặp khó, họ đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường.
Cách tính thuế có nhiều bất cập
Ngày 16-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) và Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm về một số quy định liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành bia, rượu.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cho biết: Nghị định 108/CP và Thông tư có hiệu lực thực hiện luật 70/QH về sửa đổi điều chỉnh một số chính sách Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang gây ra những tác động đáng kể đến ngành rượu bia của Việt Nam sau 2 tháng thực hiện trong khi đây là ngành công nghiệp có mức nộp ngân sách lên tới xấp xỉ 2 tỷ USD.
“Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính mới ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2016. Một trong những khó khăn nhất là ra nhanh quá. Nghị định thì ra vào cuối tháng 10 và Thông tư hướng dẫn ra vào cuối tháng 11. Trong 1 tháng, thông tin chưa xuống đến từng DN, nhiều DN chưa được biết” – ông Việt than thở.
Việc này, theo ông Việt, gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đồng thời cũng ảnh hướng đến tính ổn định chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam vốn đang được đánh giá là mang tính linh hoạt và khách quan.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp kêu khó.
Thêm vào đó, căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, cũng có nhiều bất cập. Với mức quy định trần trước đây là 10% thì các DN phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là đủ để có thể trang trải các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng...
Tuy nhiên, khi áp mức chênh lệch 7% như quy định hiện nay thì các DN này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên dẫn đến việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước.Việc áp quy định mức chênh lệch giá 7% sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả DN trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…
Đại diện VBA cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn đang tuân theo theo lộ trình tăng của Luật thuế TTĐB sẽ tăng dần lên 65% trong ba năm tới, bắt đầu từ 1-1-2016. Thời điểm này trùng với thời gian áp dụng các quy định mới mức chênh lệch 7% khiến các DN nhập khẩu và sản xuất trong ngành đồ uống sẽ phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Đề nghị lùi thời gian tăng thuế?
Với những lý do trên, VBA đề xuất Bộ Tài chính cho phép lùi thời gian thực hiện Thông tư 195 đến ngày 1-1-2017 để các DN có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời đề nghị xem xét lại quy định về cách thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con để tạo điều kiện cho các DN hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật .
Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, trong các cuộc làm việc gần đây với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã nhiều lần đề nghị lùi việc thực hiện do quá gấp và khó khăn, không chỉ vấn đề thay đổi mức trần áp thuế mà còn liên quan đến giá các công ty sản xuất đã bán cho công ty thương mại.
Khó khăn nữa trong vấn đề thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chính là việc các quy định không làm rõ mối quan hệ công ty mẹ - ty con và giữa công ty con của công ty con trong cùng hệ thống lưu thông.
Ông Nguyễn Hồng Linh nói: Sabeco đã nhiều lần đề xuất lùi tăng thuế. Ảnh: Kiều Oanh
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Sanh, Phó Tổng giám đốc Bia Sài Gòn (Sabeco) cũng cho rằng việc áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tinh thần của luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp mong muốn có thời gian để chuẩn bị trước khi luật được chính thức áp dụng. “Đề nghị lùi việc thực hiện đến năm 2017”, ông Sanh nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế - Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng sự thay đổi về giá tính thuế TTTĐB như quy định Thông tư 195 sẽ làm tăng hơn nữa chi phí của DN. Thông tư 195 ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực sẽ là một gánh nặng và thậm chí DN không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế.
"Việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước. Có nghĩa là việc đưa ra văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, đưa ra nhanh quá có thể làm cho DN đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường" - Ông Tuấn nói.
Kiều Oanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét