Làm sao để chọn đúng Đa cấp "thật"?
I. Khảo sát kinh nghiệm của các nước:
1.1. Theo Bà Evita Singson (chủ tịch Điều hành Nu Skin VN), Phải chế tài mạnh mẽ:
Đến nay sau ba năm Nu Skin vào thị trường VN, dư luận không mấy thiện cảm với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (còn gọi là bán hàng trực tiếp). Đó là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoặc bán hàng trực tiếp chân chính. Tuy nhiên các định kiến xã hội đối với mô hình kinh doanh này vẫn còn là do các mô hình đa cấp bất chính vẫn tiếp tục hiện diện và những tác hại xã hội của mô hình này vẫn còn.
Chúng tôi bắt đầu kinh doanh tại thị trường VN vào thời điểm có thể nói là vừa thuận lợi vừa khó khăn.Thuận lợi là công ty vào thị trường khi mà ngành bán hàng đa cấp đã tạo dựng được lòng tin nhất định ở phía các cơ quan nhà nước và một số người VN đã chấp nhận trải nghiệm sản phẩm để trở thành khách hàng, chấp nhận bắt đầu cơ hội kinh doanh trong ngành này để trở thành nhà phân phối, tin tưởng vào sự tốt đẹp của ngành để trở thành những nhân viên.Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành lang pháp lý vững chắc để hoạt động, có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.Khó khăn là bên cạnh những thiện cảm, chúng tôi gặp không ít những ác cảm đến từ các định kiến, từ những biến tướng do các mô hình bán hàng đa cấp bất chính tạo ra.
Tuy nhiên chính từ khó khăn này đã giúp doanh nghiệp hiểu rằng càng cần phải tuân thủ tốt, cần quản lý hệ thống nhà phân phối chặt chẽ hơn để tiếp tục tạo dựng lòng tin. Đến thời điểm này, các chế tài mà Nu Skin VN đưa ra cho nhà phân phối là có, tuy nhiên chưa phát sinh trường hợp nào nghiêm trọng để phải dùng các biện pháp xử lý cao nhất. Nhưng để tránh những sai phạm xảy ra, chúng tôi đã xây dựng bộ quy tắc áp dụng cho nhà phân phối, chúng tôi cũng có phòng quản lý quy tắc hoạt động nhà phân phối để hỗ trợ và nhắc nhở các lãnh đạo cấp cao về quy trình, tài liệu cũng như có những buổi huấn luyện, hướng dẫn nhà phân phối về tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh, các tôn chỉ, mục đích kinh doanh để các nhà phân phối hiểu rằng cơ hội kinh doanh, sự thành công của họ phải được xây dựng theo chuẩn mực kinh doanh đúng đắn.
Tôi cho rằng để tình trạng biến tướng đa cấp ở VN có thể dẹp bỏ, cần có ba yếu tố: Thứ nhất, các biện pháp, chế tài từ các cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ; Thứ hai, từ chính nhận thức của cộng đồng, cần có sự phân biệt rõ, đâu là đa cấp chân chính, đâu là mô hình kim tự tháp bất chính để không trở thành những nạn nhân, người bị hại; Cuối cùng là sự hợp lực của các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp chân chính trong việc đảm bảo tuân thủ, truyền thông xã hội nhằm xây dựng và duy trì những hình ảnh đàng hoàng của ngành.
1.2.Theo Ông Sam Cheong (phó chủ tịch Hiệp hội Bán hàng trực tiếp Malaysia - DSAM), cần dựa vào kinh nghiệm quản lý từ Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã trải qua thời kỳ hỗn độn, đầy tranh cãi của mô hình kinh doanh đa cấp khi có thời gian nước này bùng phát biến tướng bán hàng đa cấp kiểu đầu tư tài chính tương tự mô hình Liên Kết Việt. Trung Quốc từng cấm hẳn kinh doanh mô hình này.
Tuy nhiên, theo đàm phán Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc buộc phải chấp nhận cho phép bán hàng đa cấp phát triển trở lại nhưng điều kiện quản lý khắt khe hơn.Theo đó, hoạt động bán hàng đa cấp tại Trung Quốc hiện nay được điều chỉnh bởi quy tắc quản lý bán hàng trực tiếp (Regulation on direct selling administration, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2005).
Các quy định tại quy tắc này hạn chế sản phẩm được kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm các sản phẩm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm vệ sinh, thiết bị chăm sóc cơ thể và đồ dùng nhà bếp.
Các quy định này cũng yêu cầu các công ty nội địa hoặc nước ngoài muốn tham gia hoạt động bán hàng trực tiếp ở Trung Quốc phải nộp đơn xin cấp giấy phép bán hàng trực tiếp của Bộ Thương mại và phải đáp ứng các điều kiện như: nhà đầu tư không có hồ sơ về hoạt động kinh doanh bất hợp pháp nghiêm trọng trong năm năm trước khi nộp đơn; đối với nhà đầu tư nước ngoài phải kinh doanh bán hàng trực tiếp tối thiểu là ba năm ở nước ngoài, vốn điều lệ đăng ký không thấp hơn 80 triệu nhân dân tệ, ký quỹ một khoản tiền vào một ngân hàng được chỉ định theo quy định của quy tắc này...Sau khi công ty bắt đầu hoạt động, số tiền ký quỹ sẽ được điều chỉnh hàng tháng, và lượng tiền duy trì là 15% doanh số bán hàng trong tháng trước đó. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc có 43 công ty (cả trong và ngoài nước) đã được cấp giấy phép bán hàng trực tiếp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn kinh doanh mô hình này cũng bắt buộc phải có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Việc quản lý bằng cách quy định sản phẩm bán hàng đa cấp phải được sản xuất tại Trung Quốc giúp cơ quan quản lý kiểm soát giá cả, chất lượng... hàng hóa. Những quy định được ban hành nói trên nhằm hạn chế các nguy cơ dẫn đến bán hàng đa cấp bất chính.
II. Chính phủ VN cần có quy định hướng dẫn người dân chọn đúng kinh doanh đa cấp thật
Nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã lên tiếng lưu ý một số thông tin cơ bản trước khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Bán hàng đa cấp là một mô hình kinh doanh tương đối phổ biến và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này đã bị biến tướng và "xấu xí" đi rất nhiều.
Trong thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội…
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát...
Nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra: Vậy làm sao để nhận biết những công ty đa cấp đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Và làm giàu từ những doanh nghiệp chân chính?
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa có văn bản lưu ý người tiêu dùng một số thông tin cơ bản khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp như sau:
2.1. Thứ nhất, trước khi tham gia, có ba điều mà người tiêu dùng cần phải nắm rõ:
Người tiêu dùng cần thu thập và kiểm tra thông tin cơ bản, lịch sử hoạt động của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không? Đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trước đó chưa?
Tìm hiểu thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp: Người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.
Tìm hiểu thông tin về Chương trình trả thưởng và các lợi ích kinh tế khi tham gia. Chẳng hạn như chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. ..
"Theo quy định pháp luật, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp", Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định.
2.2. Thứ hai, khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, người tiêu dùng phải lưu ý những điều sau:
Nghiên cứu kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký: Người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hoặc giải thích các điều khoản của hợp đồng. Trong đó, cần lưu ý quy định về chương trình trả thưởng; chính sách trả lại hàng và hoàn trả tiền; quy định về việc chấm dứt hợp đồng…
Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; Họ và tên, địa chỉ, chứng minh thư của người tham gia; Cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng...
Theo Cục quản lý cạnh tranh, hợp đồng phải có đầy đủ chữ ký, con dấu, số hợp đồng, các chứng từ mua bán hàng hóa...
Trong trường hợp bị mất hoặc thất lạc, người tham gia có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và phải lưu giữ các tài liệu này để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có).
Người tiêu dùng cũng nên kiểm tra hàng hóa trước khi lấy. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng, nếu thấy không bán được hàng hoặc không có nhu cầu sử dụng có thể yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa đã bán.
Việc trả lại hàng hóa không có nghĩa là phải chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Đối với trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng, văn bản nêu rõ: Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng bằng việc gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp trước khi chấm dứt hợp đồng tối thiểu là 10 ngày làm việc.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.
Cục quản lý cạnh tranh cũng nêu rõ những hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp, cụ thể:
- Yêu cầu trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nguồn: Tổng hợp