Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Vì sao luật Việt Nam coi 'Hồ sơ Panama là thông tin tham khảo'


Vì sao luật Việt Nam coi 'Hồ sơ Panama là thông tin tham khảo'

Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng để kết luận các cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama” có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, theo luật, cần điều tra theo thủ tục pháp luật Việt Nam.

Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc.

02h sáng ngày 10/5/2016, Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. Thông tin về 200.000 công ty ở các thiên đường thuế do các cá nhân giàu có khắp thế giới thiết lập được hé lộ trong lần này.

Tài liệu của ICIJ nêu tên 19 công ty, 189 cá nhân và tổ chức liên quan đến Việt Nam. Các công ty nước ngoài này được đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh, Bahamas, Panama - những nơi được coi là thiên đường thuế của thế giới do có thuế suất thấp và chính sách lỏng lẻo. 

Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Hồ sơ Panama là gì?

Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu, hoặc 2,6 terabyte dữ liệu được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung hơn một năm trước. Thông tin được lấy từ công ty Mossack Fonseca, hãng luật lớn thứ tư thế giới. 

Tờ Süddeutsche Zeitung sau khi nhận được tài liệu đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một tổ chức phi chính phủ, cùng hơn 100 tờ báo và 400 phóng viên tại 80 quốc gia. Sueddeutsche Zeitung cho biết trong 11,5 triệu tài liệu có 4,8 triệu email.

Công ty luật của Panama hoạt động tại 42 quốc gia trên toàn thế giới với đội ngũ nhân lực khoảng 600 người. Họ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tài chính, có quan hệ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Deutsche Bank, HSBC, Société Générale, Credit Suisse, UBS, Commerzbank và Nordea. Công ty này hiện đã "góp tay" trong hoạt động của 300.000 công ty nhỏ khác, chủ yếu ở các khu vực được ưu đãi thuế.

2. Hồ sơ Panama có cung cấp bằng chứng tội phạm?

Điều này không rõ ràng. Tuy nhiên, một số nước như Mỹ, Pháp, Đức, Australia, Áo, Thụy Điển và Hà Lan đã bắt đầu điều tra về thông tin có trong tài liệu. Việc đầu tư vào một công ty nước ngoài, thường không phải là việc bất hợp pháp. Dù vậy, cách sử dụng vốn đầu tư có thể bị biến tướng để trốn thuế và rửa tiền.

ICIJ cho rằng nhiều hãng luật, ngân hàng và cầu thủ ngoại quốc thường không tuân thủ các quy định luật pháp, được thiết kế nhằm đảm bảo họ không tham gia vào các doanh nghiệp phi pháp, trốn thuế hoặc tham nhũng chính trị. Theo tài liệu Panama, ICIJ phát hiện 33 cá nhân và công ty nằm trong danh sách đen của Mỹ do có hoạt động làm ăn với các tay trùm ma túy ở Mexico, các tổ chức mà Washington coi là khủng bố như nhóm chiến binh Hezbollah và các nước bị cấm vận như Iran, Triều Tiên.

3. Tài liệu Panama có thể là một trong những căn cứ để Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề xuất các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh. 

Theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết ông đã nắm thông tin này qua mạng một ngày trước. "Đây mới chỉ là thông tin tham khảo, cần chờ xem thế nào", ông nói.

Cục trưởng cho rằng, "mạng đăng thông tin này không rõ ở đâu, chưa có nhà nước nào hoặc tổ chức quốc tế nào cung cấp cụ thể nên cần phải xác minh rất kỹ, không ngoại trừ đây có thể là thông tin không chính xác, họ đưa bừa, khiến chúng ta phải chạy theo rất phức tạp".

Còn trường hợp thông tin chính xác, "đây sẽ là một trong những căn cứ để Cục đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ cùng các cơ quan trung ương vào cuộc xác minh", ông Đạt nói và cho hay việc này phải làm rất thận trọng, một mình Cục chưa đủ thẩm quyền làm trực tiếp.

4. Ở góc độ pháp lý, Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc- cho rằng:

Qua "Hồ sơ Panama" được công bố dưới dạng cơ sở dữ liệu cho thấy có 189 cá nhân, 19 công ty offshore (các pháp nhân được thành lập tại các vùng lãnh thổ mà ở đó chính quyền địa phương cho phép các ưu đãi về thuế như giảm hoặc miễn hoàn toàn thuế với điều kiện nếu các công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký) liên quan tới Việt Nam.Việc xuất hiện danh sách này đang khiến nhiều người hiểu nhầm rằng cứ có tên là liên quan trốn thuế, rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác.

Trên phương diện pháp lý, các cá nhân xuất hiện tên trong “Hồ sơ Panama” không đồng nghĩa với việc họ phạm pháp. Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), đơn vị cung cấp danh sách “Hồ sơ Panama” cũng khẳng định dữ liệu họ cung cấp chỉ đơn thuần bao gồm thông tin về công ty offshore, chủ sở hữu của công ty offshore, các trung gian và người được ủy quyền. ICICJ nói rằng mục đích công bố chỉ để cho công chúng biết có sự hiện diện của các công ty offshore này và chủ sở hữu là ai chứ không phải để khuyến nghị hay ám chỉ có các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật, nếu các công ty offshore tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật ngân hàng và thuế thì có quyền tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hợp pháp và cũng có thể chuyển lợi nhuận về Việt Nam. Để kết luận các cá nhân, tổ chức Việt Nam trong “Hồ sơ Panama” có vi phạm pháp luật hay không cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (đang có hiệu lực): “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án".

Vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội không thể dựa trên những thông tin trên mạng, chưa được kiểm chứng và đánh giá bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam không thể coi đây là căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề rửa tiền, trốn thuế, gian lận thuế với những cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama” mà chỉ có thể xem đây là nguồn tham khảo để vào cuộc, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Với thông tin được ghi nhận trong “Hồ sơ Panama”, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam thu thập được chứng cứ khác để chứng minh việc các cá nhân, tổ chức có tên có hành vi vi phạm pháp luật (trốn thuế, rửa tiền…), các cơ quan này sẽ điều tra, xử lý vi phạm theo những tội danh tương ứng với quy định của pháp luật Việt Nam.

"Hồ sơ Panama" là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty tại Quần đảo British Virgin, Cayman, Seychelles và Bermuda. Đây là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, lý tưởng cho các hoạt động ngầm, né thuế hay rửa tiền

By Luật sư-Thạc sỹ Phạm Thanh Bình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét