Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Luật sư Mỹ sẽ khởi kiện các chính sách vi hiến của Tổng thống Donald Trump


Luật sư Mỹ sẽ khởi kiện các chính sách vi hiến của Tổng thống Donald Trump

ACLU không thuộc phe thủ cựu hay cấp tiến, Dân chủ hay Cộng hòa, cũng không ủng hộ bất kỳ chính trị gia nào. ACLU lựa chọn tuyệt đối trung thành với việc bảo vệ các quyền hiến định cho mọi công dân, từ các nhà đấu tranh của phong trào Dân quyền (Civil Rights Movement), phụ nữ và quyền phá thai, sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, đến Ku Klux Klan (KKK) hay những nhóm Tân Quốc Xã (neo-Nazis), và gần đây là những nghi phạm khủng bố sau 9/11 hay cựu nhân viên Edward Snowden. Nỗ lực của họ đã tạo ra hàng loạt án lệ bảo vệ quyền công dân có ảnh hưởng bậc nhất trong hệ thống pháp luật Mỹ hiện nay.



A. Chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã đến lúc suy tàn?

“Đó là một trong những thời tốt đẹp nhất, đó là một trong những thời tồi tệ nhất, đó là thời của sự khôn ngoan, đó là thời của sự xuẩn ngốc, đó là kỷ nguyên của lòng tin, đó là kỷ nguyên của sự ngờ vực, đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối…”, Nhà văn người Anh Charles Dickens mở đầu tác phẩm “Chuyện Hai Thành Phố” (A Tale of Two Cities) như thế. Câu chuyện của Dickens là về hai thành phố London và Paris giữa thời Cách mạng Pháp năm 1789, khi cả thế giới, hay ít ra là Châu Âu, cũng đang bàng hoàng, mất phương hướng sau một sự kiện chính trị rung chuyển mang tính lịch sử: những người dân thường Pháp vùng lên lật đổ triều đình trong một cuộc cách mạng dân túy đẫm máu. Trong thời điểm hiện nay, gần cuối năm thứ 16 của thế kỷ 21, đoạn văn này của Dickens trở nên âm vang hơn bao giờ hết.

Toàn thế giới vừa được biết kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Donald Trump, vượt ra ngoài gần như tất cả các dự đoán của giới chuyên gia và giới chính trị chính thống. Donald Trump, một doanh nhân thô tục, lỗ mãng dấn bước sang ngang làm chính trị, đã được đa số người dân Mỹ chọn làm tổng thống. Donald Trump, người đã thể hiện sự sẵn sàng nhục mạ bất kỳ ai, bất kỳ thiết chế chính trị truyền thống nào của nước Mỹ để tranh luận quan điểm của ông ta, đã chiến thắng. Donald Trump, người đã thể hiện sự sẵn sàng chà đạp lên ngành tư pháp độc lập lâu đời của nước Mỹ, đã trở thành lãnh đạo của Mỹ, một trong những nước dân chủ quyền lực nhất thế giới.

I. Pháp quyền sẽ bị hắt hủi trên toàn thế giới?

Một cái nhìn lướt qua những địa danh khác trên thế giới không cho chúng ta được những cái nhìn tươi sáng hơn về triển vọng của thiết chế pháp quyền hay chủ nghĩa pháp quyền (rule of law) trên bình diện thế giới.

Tại Hong Kong, chính quyền Trung Quốc tiếm quyền tòa án Hong Kong, đe dọa ngành tư pháp độc lập để có thể công kích hai nhà lập pháp trẻ vừa được dân bầu vào Hội đồng lập pháp Hong Kong, khi hai nhà lập pháp này thể hiện thái độ bài Trung Quốc, ủng hộ Hong Kong độc lập trong các phần tuyên thệ nhậm chức của họ.

Tại Anh, ngay buổi sáng hôm sau khi tòa Cao Đẳng Pháp Viện tuyên chính phủ Anh thua kiện và phải thông qua ý kiến Nghị viện Anh trước khi gửi thông báo chính thức quyết định rời EU, những tờ báo dân túy của Anh thẳng thừng mắng chửi những người thẩm phán vì họ đã quyết định vụ việc bất lợi cho chính phủ khi mà kết quả trưng cầu dân ý hồi tháng 6 đã cho thấy đa số người đi bầu chọn việc rời EU.

Ba người thẩm phán, bao gồm vị Chánh tòa Tối cao Pháp viện Anh, là ba trong những luật sư già dặn, uy tín nhất của ngành tư pháp Anh. Thế nhưng họ đã bị đem ra bêu riếu là những “kẻ thù của nhân dân”. Một trong ba vị thẩm phán là vị thẩm phán đồng tính đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa cao cấp của Anh. Một tờ báo đem khuynh hướng tính dục của ông ra đàm tiếu, bất chấp sự không liên quan của điều đó với quyết định của tòa Cao đẳng Pháp viện hay với tính độc lập nổi tiếng của hệ thống tòa án Anh.

Nhìn về trước hơn, chúng ta chứng kiến cách mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết bất lợi cho Trung Quốc của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ tranh chấp biển Đông. Phán quyết này tuyên rằng Trung Quốc đã và đang vi phạm các luật biển quốc tế trong các động thái hung hăng chiếm lấn biển đảo của họ tại biển Đông. Một vị quan chức Trung Quốc đã thẳng thừng nói rằng quyết định này chỉ là một mảnh giấy lộn.

Thêm vào, bây giờ chúng ta phải thấy vị tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới đây chọn việc đối thoại tay đôi thân thiện với Trung Quốc, thay vì dùng phán quyết Tòa trọng tài quốc tế làm cơ sở cho một chiến dịch đa phương trong khu vực nhằm gây sức ép bắt buộc Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật quốc tế. Duterte vốn cũng chả phải là một con người suy tôn chủ nghĩa pháp quyền. Có thể thấy cách ông ta cũng chà đạp lên tư pháp, lên nhân quyền, trong những chính sách an ninh trật tự bạo lực đẫm máu của mình, như câu nói nổi tiếng " nếu bạn biết bất kỳ kẻ nghiện nào, cứ việc trừ khử kẻ ấy. Bắt buộc cha mẹ chúng phải trực tiếp ra tay sẽ rất đau lòng"

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh đó, bất giác nhiều con người học luật, làm luật phải giật mình, ngơ ngác nhìn nhau: Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền trên toàn thế giới đã điểm? Đã hết rồi niềm tin vào luật pháp như một thứ có thể ràng buộc tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức, quốc gia theo một cách bình đẳng và công bằng nhất có thể trong thực tế?

Đã hết rồi niềm tin vào những ngành tư pháp độc lập, sẵn sàng chiến đấu đến chết, không phải để bảo vệ một lãnh tụ, một đảng phái, hay một nhóm đa số dân chúng nào đấy, mà để bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, và quyền hiến định của tất cả nhân dân trong một đất nước, một lãnh thổ?

Đã đến rồi, thời của những nhà chuyên chế sẵn sàng một tay che trời, sẵn sàng quyết án bỏ túi hay đe nẹt các tòa án phải làm theo ý mình, giống như cách Putin, Tập Cận Bình, Duterte vẫn hay cư xử và Trump, rất có thể, sẽ cư xử?

Đã đến rồi, thời của độc tài số đông, thời của những đám đông cuồng nộ, cả trên Facebook và ngoài đời, sẵn sàng nhân danh “ý chí nhân dân” để nhục mạ, đàn áp, đe nẹt những thiết chế chính trị độc lập và những nhóm dân thiểu số không chia sẻ “ý chí nhân dân” đó?

Đã đến rồi, thời của độc tài số đông, thời của những đám đông cuồng nộ, cả trên Facebook và ngoài đời, sẵn sàng nhân danh “ý chí nhân dân” để nhục mạ, đàn áp, đe nẹt những thiết chế chính trị độc lập và những nhóm dân thiểu số không chia sẻ “ý chí nhân dân” đó?

Giữa âm u của thất vọng tràn trề, thật quá dễ để người ta chỉ có thể liên tưởng đến những điều tồi tệ. Nhưng cũng như Dickens, người viết tin rằng sự nhìn nhận thời thế một cách tuyệt vọng chỉ là một cách nhìn mang tính tương đối.

II. Cuộc tranh đấu mới của những người học luật 

Viktor Frankl là một bác sỹ người Áo may mắn sống sót qua thảm họa diệt chủng Do Thái. Ông có 3 năm khốn khổ trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Người vợ và cả gia đình ông, trừ một cô em gái, mất mạng trong các trại tập trung.

Khi tổng kết những bài học xương máu của mình trong cuốn sách “Cuộc kiếm tìm ý nghĩa của loài người” (Man’s Search for Meaning), ông viết: “Mọi thứ đều có thể bị tước đoạt từ một con người trừ một thứ: thứ cuối cùng trong những quyền tự do của con người – quyền chọn thái độ của chính mình trong một hoàn cảnh bất kỳ nào đấy, quyền chọn con đường của chính mình.”

Sự khủng hoảng của chủ nghĩa pháp quyền thế giới, có lẽ đã đạt đỉnh điểm qua việc một quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới chọn một con người xem thường pháp quyền, xem luật pháp như công cụ kiếm ăn và đấu đá chính trị lên làm tổng thống.

Đó là hoàn cảnh mà chúng ta, những con người học luật và làm luật, phải chấp nhận. Nhưng chúng ta vẫn luôn và sẽ mãi mãi có quyền chọn cho mình một thái độ. Hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đã có hơn 240 năm phát triển, có lẽ đã đến lúc nó phải đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất trong lịch sử: đương đầu ra sao với một vị tổng thống xem thường pháp quyền?

Như ai đó nói, một con thuyền thường được an toàn khi neo đậu tại cảng, nhưng đó không phải là lý do thuyền được đóng. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Hay như Viktor Frankl nói, “thứ nào muốn đem lại ánh sáng, trước tiên nó phải chịu cháy”.

Như cách mà hệ thống tòa án Anh đang thử thách chính niềm tin của dân chúng Anh vào những thiết chế truyền thống của họ, hệ thống tòa án Hoa Kỳ trong ít nhất là 4 năm tới sẽ phải thử thách niềm tin của dân chúng Mỹ. Hệ thống tòa án Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hiến pháp, bảo vệ quyền người dân, hay sẽ èo uột cúi mình, hay sẽ bị co giãn, đàn áp đến thui chột? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn thái độ của những con người học luật, làm luật tại Mỹ. Và có lẽ cũng phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn thái độ của những con người học luật, làm luật tại bất kỳ đâu trên thế giới.

Khi đối mặt với làn sóng báo chí vùi dập ba người thẩm phán vụ Brexit, giới luật sư Anh đã không chịu ngồi im. Bằng tiếng nói, bằng ngòi bút, họ đồng lòng tranh đấu. Tới mức họ phê bình đanh thép thủ tướng Anh và vị bộ trưởng tư pháp khi hai người này quá chậm chạp và lí nhí trong việc lên tiếng bảo vệ các thẩm phán, bảo vệ pháp quyền và sự thượng tôn luật pháp truyền thống của Anh.

Khi đối mặt với sự đàn áp từ Bắc Kinh, giới luật sư Hong Kong mặc đồ đen, diễu hành xuống phố trong sự im lặng phản kháng. Cuộc đấu tranh đó bây giờ là cuộc đấu tranh toàn cầu, một cuộc đấu tranh mà những người học luật, làm luật khắp thế giới có thể chọn cho mình một chiến tuyến: đấu tranh cho sự độc lập, hay cúi mình trước những uy quyền chính trị.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa pháp quyền, bảo vệ sự thượng tôn pháp luật, bây giờ đã không còn chỉ diễn ra tại những nước dưới các chế độ chuyên chế, độc tài. Cuộc đấu tranh đó bây giờ là cuộc đấu tranh toàn cầu, một cuộc đấu tranh mà những người học luật, làm luật khắp thế giới có thể chọn cho mình một chiến tuyến: đấu tranh cho sự độc lập, hay cúi mình trước những uy quyền chính trị.

Ngành tư pháp Anh đã lên tiếng, ngành tư pháp Hong Kong đã lên tiếng, bây giờ, chúng ta chờ người Mỹ. “…Đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối, đó là mùa xuân hy vọng, đó là mùa đông tuyệt vọng, chúng ta có mọi thứ phía trước mình, chúng ta chả có gì phía trước mình cả…”

B. Luật sư Mỹ sẽ khởi kiện các chính sách vi hiến của Trump

Chỉ vài giờ sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, luật sư Anthony D. Romero – Giám đốc điều hành của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) – đã gửi tới ông một thông điệp mạnh mẽ: “Nếu ông không rút lại những lời hứa hẹn khi còn tranh cử mà vẫn cố thực hiện, chúng tôi sẽ chiến đấu với ông bằng tất cả hoả lực của mình trong mọi tình huống”.

ACLU cho rằng nếu được thực thi, những chính sách này sẽ vi phạm Hiến pháp thiêng liêng của nước Mỹ. Không nói suông, họ ngay lập tức công bố một báo cáo phân tích về tính hợp hiến của một số chính sách mà Tổng thống Donald J. Trump hứa hẹn sẽ thực thi trong 100 ngày đầu nhậm chức. Trong đó, ACLU giải thích rõ ảnh hưởng của những chính sách này đến các quyền dân sự và chính trị của công dân Mỹ và bày tỏ sự lo ngại của họ đối với nền pháp trị nước này.

I. Chính sách 1: Điều chỉnh luật để dễ dàng kiện các công ty truyền thông về tội phỉ báng hơn. (Vi phạm Tu chính án số 1) 

Trong quá trình tranh cử, vào tháng 2/2016, ông Trump đã tuyên chiến với giới truyền thông và hứa hẹn với cử tri là nếu trở thành tổng thống, ông ta sẽ tiến hành chấn chỉnh luật pháp Hoa Kỳ để việc thưa kiện những công ty truyền thông về tội phỉ báng (libel) sẽ dễ dàng hơn, cũng như có thể yêu cầu bồi thường cao hơn.

ACLU cực lực phản đối điều này vì cho rằng đây là tư tưởng kiểm duyệt báo chí, là hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Mỹ vốn đã được quy định tại Tu chính án số 1 của Hiến pháp nước này.

Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra, lời hứa hẹn này của Trump là viễn vông và không thể thực hiện được vì luật về tội phỉ báng (libel) nằm ở các bang, chứ không phải luật liên bang. Tổng thống Mỹ không có quyền đụng đến vấn đề này. Hơn nữa, lịch sử án lệ hàng trăm năm qua ở Mỹ đã đưa ra những chuẩn mực pháp lý rất khắt khe để bảo vệ quyền tự do báo chí, và rất khó để cho bất kỳ ai hay một nhóm người nào có thể thay đổi được điều đó.

II. Chính sách 2: Trừng phạt phụ nữ vì họ phá thai
(Đi ngược với giải thích Hiến pháp của Tối cao Pháp viện trong án lệ Roe kiện Wade - 1973 )

Vào tháng 3/2016, cũng tại một buổi tiếp xúc cử tri, ông Trump đã tuyên bố phụ nữ nào phá thai phải bị “trừng phạt”.

Quyền được phá thai của phụ nữ Mỹ là quyền hiến định sau khi án lệ Roe kiện Wade ra đời năm 1973. Theo đó, phụ nữ có quyền phá thai và được phá thai cả vào những tháng cuối của thai kỳ nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm.

Tối cao Pháp viện cũng phán rằng, đây là một trong những quyền con người căn bản (fundamental right) của người phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên Tu chính án số 14. Tuy gặp không ít chỉ trích từ công luận và cũng rất nhiều lần phải đối diện với các cuộc thử thách pháp lý, án lệ Roe kiện Wade vẫn là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ hiện nay trong vấn đề phá thai.

Sau phát biểu nêu trên, ông Trump đã rút lại ý kiến ấy và nói rằng ông bị hiểu lầm vì ông chỉ muốn trừng phạt những bác sỹ thực hiện việc phá thai. Tuy vậy, ACLU vẫn cho việc chống phá thai đến mức cực đoan và cho ra đời những đạo luật đi ngược lại các chuẩn mực pháp lý của vụ Roe kiện Wade là vi hiến.

III. Chính sách 3: Ủng hộ việc tra tấn các nghi phạm khủng bố
(Vi phạm Tu chính án số 5 và số 8) 

Sau vụ 11/9, báo chí liên tục đăng tin, hình ảnh về những nhân viên CIA và quân đội Hoa Kỳ tra tấn và bức cung những người bị bắt giữ vì nghi ngờ họ có liên quan đến khủng bố. Chính phủ Mỹ bị chỉ trích gay gắt về những hành vi này.

Trong quá trình vận động tranh cử, vào tháng 4/2016, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ những phương pháp tra tấn này và cho rằng cần làm như vậy để bảo vệ an ninh quốc gia. ACLU lên án điều này một cách mạnh mẽ.

Theo họ, Hiến pháp Hoa Kỳ từ hơn 200 năm trước đã không cho phép các hành vi tra tấn, quy định rõ trong các Tu chính án số 5 và số 8, cũng như các án lệ từ xưa đến nay.

ACLU cho rằng, việc ông Trump yêu cầu “hợp pháp hoá” những phương pháp tra tấn sau khi chính phủ Bush đã bị lên án và Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua những đạo luật nghiêm cấm chúng là một hành vi thách thức các chuẩn mực về pháp lý của Hiến pháp Hoa Kỳ, quyền hạn của các nhánh nhà nước, và là một dấu hiệu của tham vọng mở rộng quyền lực của nhánh hành pháp và của tổng thống.

IV. Chính sách 4: Theo dõi công dân Mỹ trên diện rộng - mass surveillance (Vi phạm Tu chính án số 4)

Sau sự kiện 9/11 ở Mỹ, các đạo luật tăng cường an ninh quốc gia (homeland security laws) được ra đời và luôn luôn gặp sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ quyền công dân và quyền hiến định như ACLU. Họ cho rằng các đạo luật này vi phạm quyền riêng tư và quyền không bị thu thập thông tin mà không có trát toà (warrantless collection of data) dựa trên Tu chính án số 4.

Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất ủng hộ việc theo dõi công dân. Từ năm 2001 đến nay, các đạo luật về theo dõi công dân của chính phủ Hoa Kỳ đã bị một số ràng buộc về pháp lý từ Tối cao Pháp viện trong những vụ kiện xâm phạm đời tư và có một số cũng đã bị tòa phán là vi hiến.

Tuy nhiên, khi tranh cử ông Trump cho rằng những điều luật theo dõi công dân này là cấp thiết trong cuộc chiến chống lại các thế lực khủng bố cực đoan. Theo đó, cơ quan an ninh Mỹ có thể theo dõi và thu thập những dữ liệu về các cuộc gọi điện thoại, emails, tin nhắn, v.v. của công dân, đặc biệt là người Hồi giáo, mà không cần toà cho phép.

ACLU cho rằng chính sách này đi ngược lại lịch sử án lệ của Tối cao Pháp viện và điều khoản “bảo vệ sự công bằng,” bắt buộc những phương pháp nghe lén và theo dõi công dân phải được tòa án cho phép trước khi thực hiện.

V. Chính sách 5: Ban bố lệnh cấm nhập cư đối với toàn bộ người Hồi giáo (Vi phạm Tu chính án số 1 và số 5)

Tu chính án số 1 của Mỹ công nhận quyền tự do tôn giáo của công dân, bao gồm cả việc bảo đảm quyền không tin vào một tôn giáo. Diễn giải của các án lệ từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ qua các thời kỳ còn không cho phép chính phủ có những chính sách kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào hoặc thiên vị một tôn giáo nào đó hơn các tôn giáo khác.

Theo ACLU, việc ông Trump muốn ban hành một lệnh cấm tất cả người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ sẽ vi phạm đến quyền tự do tôn giáo của những người này. Theo chính sách của ông Trump, những ai chọn theo đạo Hồi thì sẽ bị cấm nhập cư vào Mỹ và như thế quyền được tự do để tin vào, cũng như quyền được tham gia, một tôn giáo của họ đã bị xâm phạm.

Ngoài ra, Tu chính án số 5 và điều khoản về chuẩn mực tố tụng (due process) còn đòi hỏi, nếu một người đã có đủ tiêu chuẩn được nhập cư vào Mỹ thì họ chỉ bị tước đi quyền đó khi quy trình ra quyết định phải đảm bảo các thủ tục cần thiết và chuẩn mực.

ACLU nghiên cứu chính sách đưa ra từ phía ông Trump và cho rằng ngoài lý do từ chối họ vì họ theo đạo Hồi, không có bất kỳ một quy trình tố tụng nào được đề ra để đảm bảo quyền lợi cho những người này. Vì thế, chính sách cấm người Hồi giáo sẽ đồng thời vi phạm Tu chính án số 5.

VI. Chính sách 6: Lập tức trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép - mass deportation, đang cư trú ở Mỹ. (Vi phạm Tu chính án số 4)

Điều khoản “bảo vệ sự công bằng” của Tu chính án số 4 chính là nền tảng pháp lý cho các án lệ bảo vệ quyền của người dân khi bị bắt giam, tạm giữ, và khám xét. Theo đó, một người sẽ không bị bắt giam, tạm giữ hay bị khám xét mà không có trát của tòa án (warrant).

ACLU cho rằng, kế hoạch điều tra, bắt giữ, và trục xuất 11 triệu người di dân hiện đang cư trú bất hợp pháp (illegal immigrants) ở Mỹ trong vòng vỏn vẹn 2 năm sẽ dẫn đến tình trạng bắt người hàng loạt dựa trên lý lịch chủng tộc (racial profiling) và giam giữ người bất hợp pháp (illegal detentions). Đây là những phương pháp vốn bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem là các hành vi vi hiến khi diễn giải Tu chính án số 4 và những quyền dân sự dựa trên điều khoản “bảo vệ sự công bằng” (equal protection clause), cũng như Tu chính án thứ Năm về chuẩn mực tố tụng (due process).

Chính sách của ông Trump không hề nêu đến những yếu tố bảo vệ các quyền lợi pháp lý của những người bị tiến hành điều tra. Hiện nay, công việc điều tra, tạm gia, và trục xuất những người vi phạm luật cư trú ở Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Qua 6 điểm tóm tắt trên, ACLU cho rằng để thực thi một số chính sách mà tổng thống Trump hứa hẹn sẽ đồng nghĩa với việc viết lại các Tu chính án số 1, số 4, số 5 và số 8 của Hiến pháp Mỹ và điều đó sẽ đi ngược lại những giá trị đã định hình nên đất nước Hoa Kỳ ngày hôm nay.

Tổng hợp từ: Donald Trump: A One-Man Constitutional Crisis

0 nhận xét:

Đăng nhận xét