THỦ TỤC ĐẦU TƯ GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn trong thủ tục đầu tư.
A. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoại trừ hai trường hợp sau:
1) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
2) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.
Khi đó, nhà đầu tư trong 2 trường hợp trên nộp bộ hồ sơ gồm 1 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư.
Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Ngoài ra, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được công bố theo quy định. Trong đó có một số danh mục ngành, nghề được ưu đãi đầu tư đặc biệt như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; lĩnh vực nông nghiệp: nuôi trồng; chế biển bảo quản nông, lâm, thủy sản; đánh bắt xa bờ; lĩnh vực bảo về môi trường và xây dựng kết cấu hạ tầng; lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế...
B. Danh mục điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài về danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ và ASEAN có những quy định riêng khi áp dụng điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản và thành viên ASEAN đầu tư trong ngành, phân ngành sản xuất, nông nghiệp và lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng và khai thác đá và các dịch vụ liên quan tới các ngành trên được áp dụng như nhà đầu tư trong nước.
Danh mục được rà soát, tập hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định 118). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổng hợp ngành, nghề và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và các nghị định liên quan (có hiệu lực tính đến ngày 27/12/2015).
Danh mục bao gồm ngành, phân ngành dịch vụ quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác; ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các luật, pháp lệnh, nghị định liên quan.
Danh mục không bao gồm ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
I. Các điểm cần lưu ý trong áp dụng danh mục
1. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định có liên quan.
Điều kiện bao gồm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định có liên quan.
Được áp dụng trong các trường hợp: (i) đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế; (iii) đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh; (iv) nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác; (v) sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, phân ngành khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, phân ngành đó.
3. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên mà nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh.
4. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư thì nhà đầu tư đó được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước quốc tế đó. Nhà đầu tư đó phải tuân thủ quy định tại mục b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 118.
5. Nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư đó phải tuân thủ quy định tại Điều 11 Nghị định 118.
6. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
7. Đối với những ngành, phân ngành mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định việc cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
8. Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, điều ước quốc tế về đầu tư khác nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
9. Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý chuyên ngành để xem xét, quyết định.
10. Nhà đầu tư Nhật Bản được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, ngoại trừ những hạn chế đối với ngành, phân ngành quy định tại Phụ lục I và II kèm theo Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Nhật Bản.
Nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư trong ngành, phân ngành dịch vụ được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO hoặc Chương III, Phụ lục G Hiệp định về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Đối với những vấn đề liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ không được điều chỉnh trong Chương III, Phụ lục G Hiệp định về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, nhà đầu tư Hoa Kỳ được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, ngoại trừ vấn đề quy định tại Chương IV Phụ lục H Hiệp định về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào ngành nghề không thuộc lĩnh vực dịch vụ được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, ngoại trừ vấn đề quy định tại Chương IV Phụ lục H Hiệp định về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trừ trường hợp lựa chọn áp dụng Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với đối tác hoặc điều ước quốc tế về đầu tư khác, nhà đầu tư thuộc quốc gia là thành viên ASEAN đầu tư trong ngành, phân ngành dịch vụ thực hiện theo quy định của Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ; việc áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc nêu tại Mục 7, 8 và 9 Phần II nêu trên. Nhà đầu tư thuộc quốc gia là thành viên ASEAN đầu tư trong ngành, phân ngành sản xuất, nông nghiệp và lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng và khai thác đá và các dịch vụ liên quan tới các ngành trên được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, ngoại trừ một số hạn chế quy định tại Danh mục bảo lưu của Việt Nam trong Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.
11. Trường hợp điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác với quy định của luật, pháp lệnh và nghị định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về đầu tư.
12. Trong trường hợp có sự khác biệt về quy định giữa điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh, nghị định và Danh mục này thì thực hiện theo điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định liên quan.
Trường hợp điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài khác với quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định có liên quan thì áp dụng theo quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định đó.
13. Khi áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định liên quan, cần xem xét áp dụng quy định về điều kiện đầu tư trong tổng thể các quy định của điều ước quốc tế đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định liên quan đó, bao gồm cả quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
II. Các điều ước quốc tế về đầu tư được tập hợp và tra cứu tại:
(i) Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO (2007);
(ii) Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA (2009);
(iii) Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ - AFAS (2014);
(iv) Hiệp định thương mại tự do giữa:
- ASEAN với Trung Quốc – ACFTA (2005);
- ASEAN với Hàn Quốc – AKFTA (2007);
- ASEAN với Australia/New Zealand – AANZFTA (2009);
- ASEAN với Ấn Độ - AAFTA (2010);
- Việt Nam với Hàn Quốc – VKFTA (2015).
(Các Hiệp định trên sau đây gọi tắt là FTAs)
(v) Hiệp định về Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản – AJCEP (2008);
(vi) Hiệp định về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ - BTA (2000);
(vii) Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Nhật Bản (BIT Việt – Nhật) (2003); Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản – VJEPA (2008).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét