KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TIỀN
1.1. Về thời hiệu
VBQPPL:
BLDS 2005 (Điều 162)
BLTTDS (Điều 159 và Điều 160)
Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLDS 1995 (điểm a, điều 6)
Pháp lệnh HĐDS
Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Hợp đồng vay tiền thường được thực hiện trong thời gian dài, có nhiều thay đổi, bổ sung nên Thẩm phán cần chú ý việc xác định thời hiệu khởi kiện.
· Hợp đồng giao kết trước 01-7-1996 thì áp dụng quy định về thời hiệu theo Điều 56 Pháp lệnh HĐDS, có thời hạn khởi kiện là 3 năm kể từ ngày “vi phạm hợp đồng”.
· Thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo quy định cụ thể tại tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP về những trường hợp có thoả thuận mới.
· Quy định tại Điều 162 BLDS 2005 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng phải được áp dụng cho việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng giao kết trước 01-7-1996 (vì trước đây chưa có quy định này).
· Thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng được xác lập từ 01-7-1996 đến 01-01-2005 được quy định cụ thể tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP là 2 năm kể từ 01-01-2005 nếu tranh chấp phát sinh từ 01-01-2005 trở về trước.
Cần chú ý là Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP tính thời hiệu khởi kiện từ ngày “tranh chấp phát sinh” thì phải hiểu là ngày “vi phạm hợp đồng”(Điều 56 Pháp lệnh HĐDS), là ngày “quyền và lợi ích hợp pháp... bị xâm phạm” (điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS).
1.2. Giải quyết một số loại hợp đồng vay tiền
· Hợp đồng vay tiền chỉ thuộc một trong 4 (bốn) dạng thức sau đây:
- Vay có kỳ hạn, có lãi;
- Vay có kỳ hạn, không lãi;
- Vay không kỳ hạn, có lãi; và
- Vay không kỳ hạn, không lãi.
· Lưu ý: Khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, cần xác định mức lãi suất từng thời điểm khác nhau khi thời gian vay kéo dài và mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng có sự thay đổi. Một hợp đồng vay tiền gồm có 3 (ba) thời điểm tính mức lãi suất cần phân biệt như sau:
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm hai bên giao dịch.
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán (ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán).
- Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng, vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
1.2.1. Hợp đồng vay tiền không có lãi
VBQPPL:
BLDS 2005 (các điều 297, 298, 299, 300, 305, 474, 476, 477 và 478)
Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (điểm b mục 1 phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thẩm phán cần xác định là quan hệ vay có thời hạn hay không có thời hạn, có lãi hay không có lãi để xác định loại hợp đồng, trên cơ sở đó xác định phạm vi thu thập chứng cứ và luật áp dụng phù hợp.
· Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi (khoản 1 Điều 477 BLDS 2005), thì bên cho vay có thể đòi nợ bất cứ lúc nào, bên vay cũng có quyền trả nợ bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước trong thời gian hợp lý, nếu không có thỏa thuận khác.
- Khi bên cho vay đã thông báo đòi nợ mà bên vay không trả được nợ, thì ngày sau đó là ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán (ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán). Dù là vay không có lãi thì bên vay vẫn phải trả cho bên cho vay một khoản lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ. Khoản lãi này được tính theo lãi suất cơ bản (khoản 2 Điều 305 BLDS năm 2005) của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm với thời hạn kể từ ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho đến khi xét xử sơ thẩm.
- Là hợp đồng vay không có lãi thì không phải thu thập chứng cứ về việc trả lãi nhưng vẫn phải chú ý nghĩa vụ chứng minh thuộc bên đưa ra sự kiện. Ví dụ: A đòi nợ B thì A phải chứng minh có việc cho B vay. Nếu B khai rằng B đã trả nợ cho A thì nghĩa vụ chứng minh việc đã trả nợ là nghĩa vụ của B.
Các tài liệu có giá trị chứng minh thường được thu thập là: giấy biên nhận vay tiền; giấy xác nhận nợ (sau khi vay mới viết nhưng có nội dung xác nhận sự kiện vay); sổ ghi nợ có bút tích của bên vay thể hiện họ biết nội dung ghi trong sổ, v.v...
1.2.2. Hợp đồng vay tiền có lãi
VBQPPL:
BLDS 2005 (các điều 474, 476, 477 và 478)
Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (mục 4 phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi (khoản 1 Điều 477 BLDS 2005) thì bên cho vay có thể đòi nợ bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả lại tài sản, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
· Hợp đồng vay có lãi là loại hợp đồng có thoả thuận trả lãi. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm)- (Điều 476 BLDS 2005).
· Đối với hợp đồng vay có thời hạn thì thời gian tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (khoản 2 Điều 305 BLDS 2005) kể từ khi hết hạn vay. Đối với hợp đồng vay không có thời hạn thì thời gian tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (khoản 2 Điều 305 BLDS 2005) kể từ khi đòi nợ (phát sinh tranh chấp).
· Lưu ý: Cần phân biệt hợp đồng giao kết trước ngày 01-7-1996 với hợp đồng giao kết sau ngày 01-7-1996. Với các hợp đồng giao kết trước ngày 01-7-1996 thì lãi đã trả (đã trả trước ngày 01-7-1996) không phải giải quyết lại, chỉ giải quyết lại phần lãi trả sau ngày 01-7-1996. Với các hợp đồng giao dịch sau ngày 01-7-1996 thì lãi phải được điều chỉnh đúng quy định.
· Lãi trong hạn do các bên thỏa thuận không được quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng tại thời điểm vay.
· Không tính lãi suất theo từng thời kỳ như trước đây.
· Chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần đối với trường hợp vay có thời hạn và đến hạn trả nợ mà người vay không thự hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình.
· Trong thực tế việc trả nợ thường thực hiện nhiều lần. Mỗi lần trả nợ phải trừ nợ lãi, số tiền còn lại sau khi trừ lãi mới trừ vào nợ gốc.
· Lưu ý: Những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước không còn quy định khung lãi suất cho vay mà chỉ quy định lãi suất cơ bản, thì cần ấn định mức lãi cho phép bằng 150% lãi suất cơ bản.
1.2.3. Hợp đồng vay tiền ở tổ chức Ngân hàng, Tín dụng
VBQPPL:
Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (mục 4 phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thẩm phán cần chú ý về hợp đồng vay tiền ở tổ chức Ngân hàng, Tín dụng có những quy định riêng cả về hình thức hợp đồng, việc tính lãi, tư cách chủ thể tham gia tố tụng.
· Việc tính lãi và cả lãi suất nợ quá hạn đối với các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng phải theo đúng hợp đồng đã ký kết và kể từ khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong.
· Lưu ý là theo “Điều lệ” tổ chức và hoạt động của các Ngân hàng chuyên doanh (như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển...), thì các Chi nhánh không có quyền tham gia tố tụng khi không có uỷ quyền của Tổng giám đốc; do đó, khi thụ lý, giải quyết các tranh chấp có Ngân hàng tham gia tố tụng cần kiểm tra về uỷ quyền hợp lệ.
1.2.4. Hợp đồng vay tiền có lãi nhưng không rõ về mức lãi suất
VBQPPL:
BLDS 2005 (khoản 2 Điều 476)
Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (điểm d mục 4 phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Đây là trường hợp Toà án áp dụng lãi suất theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn tại thời điểm xét xử sơ thẩm (giao dịch trước 01-01-2006) hoặc theo lãi suất cơ bản (trường hợp áp dụng BLDS 2005).
· Đây là trường hợp xác định được rằng bên vay và bên cho vay có thoả thuận có trả lãi nhưng chưa xác định mức lãi suất là bao nhiêu hoặc có tranh chấp về lãi suất (tranh chấp nhau về mức lãi đã được thoả thuận, không rõ là bao nhiêu).
*Bảng so sánh tính lãi giữa các loại hợp đồng vay:
Vay không lãi
------------------
- Lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là mức lãi suất cơ bản do NHNN quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm.
- Tính một mức lãi suất cho cả thời gian từ khi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán đến khi xét xử sơ thẩm.
Vay có lãi
------------------
- Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố cho loại vay tương ứng, tại thời điểm vay.
- Lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính như trường hợp vay không lãi.
Vay NH, TD
-----------------
Lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn đều tính theo hợp đồng.
Không rõ lãi
------------------
Lãi suất bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay, tại thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm).
1.2.5. Xử lý tài sản thế chấp
VBQPPL:
BLDS 2005 (các điều từ Điều 342 đến Điều 357).
Luật đất đai (các điều 113, 114 và 115)
Luật nhà ở
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (điều 31)
Nghị định số 08/2000/NĐ-CP
Nghị định số 181/2004/NĐ-CP (Điều 64)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thế chấp là biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng thường được áp dụng cho loại hợp đồng vay tiền. Vì vậy, đồng thời với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền thì Toà án cũng phải giải quyết về tài sản thế chấp.
· Giao dịch thế chấp cũng là một hợp đồng nên cũng phải tuân theo các quy định có hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng thế chấp có thể được lập thành văn bản riêng, cũng có thể ghi ngay trong hợp đồng mà nó bảo đảm nhưng hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực độc lập và phải tuân thủ các quy định về hợp đồng thế chấp.
· Lưu ý về hình thức của hợp đồng thế chấp. Đối với tài sản thế chấp là nhà, đất phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền chứng thực cũng là cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 8 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP). Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất trong trường hợp bên bảo đảm là hộ gia định, cá nhân (điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP).
· Riêng việc đăng ký các giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 64 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và Điều 31 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, cơ quan thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm trong đó có thế chấp quyền sử dụng đất là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Như vậy, việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất có thể thực hiện ở Uỷ ban nhân dân cấp xã và cũng có thể thực hiện ở Văn phòng nêu trên.
· Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ mà phải xử lý tài sản thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý (khoản 3 Điều 324 BLDS 2005).
· Trong trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thế chấp (tranh chấp với người không tham gia giao dịch thế chấp) thì các bên liên quan có quyền yêu cầu Toà án giải quyết về quyền đối với tài sản thế chấp trước khi xử lý tài sản thế chấp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét