KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TRANH CHẤP THỪA KẾ
3.1. Thụ lý vụ án
Cần xác định đúng đối tượng tranh chấp trong vụ án tranh chấp dân sự về thừa kế để xác định đúng điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 168 BLTTDS.
Ví dụ: Phải xác định đối tượng tranh chấp là “nhà đất”, hay “đất”, hay là “tài sản khác” để xác định:
- Đúng thời hạn, thời hiệu khởi kiện;
- Các bên có phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai trước khi tòa án thụ lý vụ án hay không; hoặc
- Vụ kiện có thuộc trường hợp không bắt buộc phải có biên bản hòa giải tại cơ sở trước khi tòa án thụ lý hay không.
3.1.1. Kiểm tra về thời hiệu khởi kiện
VBQPPL:
BLDS 2005 (Điều 162 và Điều 645)
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP (mục 2 Phần I)
Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10
Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế bao gồm: “thời hiệu khởi kiện về thừa kế” và “thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại”.
“Quyền thừa kế” bao gồm: “quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác” (mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế theo quy định chung là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế, tức là ngày người để lại di sản thừa kế chết. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu một người thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 (ba) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 645 BLDS 2005).
Lưu ý: một số quy định khác về thời hiệu mà việc áp dụng thời hiệu về quyền thừa kế cũng phải tuân theo:
- Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 161 BLDS 2005 về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” và trường hợp chưa có người đại diện trong trường hợp người khởi kiện phải có người đại diện.
- Quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo Điều 161 BLDS 2005.
- Quy định về không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 01-7-1996 đến 01-01-1999 là 2 (hai) năm 6 (sáu) tháng, đối với trường hợp thừa kế về nhà ở xảy ra trước ngày 01-7-1991, thời hạn dược quyền khởi kiện là hết ngày 10-3-2003 (Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10).
- Quy định về không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 01-7-1996 đến 01-9-2006 đối với trường hợp thừa kế về nhà ở xảy ra trước ngày 01-7-1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia (Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11).
- Quy định về “không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế” (tiểu mục 2.4, mục 2, phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).
3.1.2. Kiểm tra về thẩm quyền giải quyết vụ án
VBQPPL:
BLTTDS (các điều 33, 34, 35, 36 và 56 )
Luật đất đai (Điều 136)
Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Lưu ý phân biệt thẩm quyền của TAND và Ủy ban nhân dân trong những tranh chấp thừa kế liên quan đến đất đai (Điều 136 Luật đất đai, Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC).
- Khoản 1 Điều 136 Luật đất đai: Thẩm quyền của TAND.
- Khoản 2 Điều 136 Luật đất đai: Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân.
- Tranh chấp về hợp đồng (giao dịch) hoặc tài sản tranh chấp là nhà ở, vật kiến trúc khác v.v.: Thẩm quyền của TAND (Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC).
TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền khi:
- Đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài, không có nơi cư trú, thường xuyên làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
- Đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài (theo khoản 3 Điều 33 BLTTDS).
TAND quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh có thẩm quyền khi:
- Đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng có nơi cư trú, thường xuyên làm ăn, sinh sống tại Việt Nam
- Cần chú ý “đương sự” theo quy định tại Điều 56 BLTTDS bao gồm cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, bao gồm cả những người không phải là người thừa kế và bao gồm cả cơ quan, tổ chức.
Về thẩm quyền theo lãnh thổ: Trong vụ án thừa kế có thể có tranh chấp di sản là bất động sản và thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ cũng sẽ bị chi phối theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 36 BLTTDS và thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
3.1.3. Kiểm tra các điều kiện khác của việc thụ lý vụ án thừa kế
VBQPPL:
Luật đất đai (Điều 135)
Pháp lệnh APLPTA
Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 (Điều 2)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Xác định đúng người nộp tiền tạm ứng án phí: Trong vụ án thừa kế, nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng phải nộp tạm ứng án phí (50% mức án phí dự định) và mức án phí được tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết (khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh APLPTA).
Lưu ý đến những điều kiện khác như điều kiện về hòa giải ở cơ sở đối với tranh chấp thừa kế có liên quan đến đất đai (Điều 135, Điều 136 Luật đất đai).
3.1.4. Thông báo về việc thụ lý vụ án
VBQPPL:
BLTTDS (Điều 174)
Thẩm phán cần thực hiện đúng các quy định về thông báo việc thụ lý vụ án. Đây cũng chính là một hoạt động nhằm thu thập chứng cứ.
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Trên cơ sở đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện cần lập ngay sơ đồ về hàng thừa kế và diện thừa kế. Sơ đồ cần thể hiện các nội dung: người để lại di sản, các thời điểm mở thừa kế, diện thừa kế, mối quan hệ giữa các người thừa kế với nhau và với những người để lại thừa kế.
Trong nội dung thông báo cho những người thừa kế cần yêu cầu họ có ý kiến về:
- Tài sản đang tranh chấp thuộc di sản của ai, bao gồm những tài sản gì;
- Các thời điểm mở thừa kế;
- Diện những người thừa kế và các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Ý kiến của họ về yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu cụ thể của họ.
3.2. Thu thập chứng cứ
VBQPPL:
BLDS 1995
BLDS 2005 (các điều 679, 680 và 683)
BLTTDS (các điều 5 và 6, các điều từ Điều 79 đến Điều 98)
Luật HN&GĐ
Nghị định số 70/2001/NĐ-CP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Xác định những tài liệu, giấy tờ có ý nghĩa chứng minh (không phải là xác định tất cả các giấy tờ này trong mọi trường hợp):
- Di chúc;
- Giấy chứng tử;
- Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu;
- Bản khai lý lịch;
- Khi không có các tài liệu trên thì đương sự có quyền và nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ khác để chứng minh (chú ý các quy định tại Điều 83 BLTTDS về xác định chứng cứ).
Bước đầu cần thu thập các chứng cứ chứng minh về: thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế, diện thừa kế, việc xác định di sản cần có ý kiến, sự tham gia của tất cả các đương sự.
Xác định di sản: Tài sản tranh chấp thường không hoàn toàn trùng với di sản. Để xác định di sản thường tiến hành theo các bước sau:
- Xác định tổng thể tài sản tranh chấp. Đối với nhà đất phải làm rõ về diện tích, kích thước, đặc điểm và định giá phải theo đúng giá trị chuyển nhượng thực tế và định giá cụ thể để đáp ứng yêu cầu chia hiện vật (việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải theo đúng quy định tại Điều 89 BLTTDS; việc định giá tài sản phải theo đúng Điều 92 BLTTDS).
- Thu thập chứng cứ để xác định phần đóng góp, công sức đóng góp của những người liên quan đến di sản đang tranh chấp. Những người này thường là một trong số người thừa kế, có thể là bị đơn, hoặc có thể là người nào đó có công sức đóng góp, duy trì tài sản (đây cũng là một căn cứ để xác định công sức đóng góp).
- Xác định đồng chủ sở hữu với người để lại di sản. Đồng chủ sở hữu thường là chồng hoặc vợ của người để lại di sản. Cần thu thập chứng cứ chứng minh về quan hệ hôn nhân của họ có hợp pháp không. Thời kỳ hôn nhân hợp pháp để xác định họ có phải đồng chủ sở hữu của khối tài sản tranh chấp không (chú ý các quy định của Luật HN&GĐ).
- Thu thập các chứng cứ về nghĩa vụ tài sản và các chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán từ di sản (Điều 686 BLDS 1995, Điều 683 BLDS 2005).
Các chứng cứ khác chứng minh các điểm tranh chấp về quyền thừa kế của đương sự cụ thể, quyền hoặc nghĩa vụ tài sản của người liên quan khác (người liên quan từ các giao dịch khác chứ không phải là người thừa kế).
3.3. Những vấn đề cần chú ý khi giải quyết vụ án thừa kế
3.3.1. Xác định di chúc hợp pháp
VBQPPL:
BLDS 1995
BLDS 2005 (các điều 650, 651, 652, 653, 655, 656, 658, 660, 661 và 663)
Pháp lệnh thừa kế
Nghị quyết số 02/1990/NQ-HĐTP
Thông tư 81/TANDTC ngày 24-7-1981
Một di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép lập di chúc;
- Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật;
- Di chúc của người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi đến chưa đủ 18 (mười tám) tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý;
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 (năm) ngày, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Các loại di chúc được coi là hợp pháp, khi hình thức và nội dung của di chúc tuân thủ đúng quy định của pháp luật:
- Di chúc miệng (Điều 651 BLDS 2005);
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 655 BLDS 2005);
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 656 BLDS 2005);
- Di chúc bằng văn bản được công chứng tại cơ quan công chứng hoặc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Điều 658 BLDS 2005);
- Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực (Điều 660 BLDS 2005);
- Di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở (Điều 661 BLDS 2005);
- Di chúc chung của vợ chồng (Điều 663 BLDS 2005).
Lưu ý: di chúc không có công chứng, chứng thực cũng là di chúc hợp pháp khi tuân theo các điều kiện pháp luật quy định cho loại di chúc đó; di chúc có công chứng, chứng thực chỉ hợp pháp khi được làm theo đúng thủ tục pháp luật quy định.
Xác định thời điểm di chúc hợp pháp (Điều 667 BLDS 2005):
- Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
- Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
- Di chúc không có hiệu lực pháp luật nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản đó vẫn có hiệu lực.
- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.
- Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Lưu ý:
- Xác định thời điểm di chúc hợp pháp trước 10-9-1990 cần căn cứ vào Thông tư 81/TANDTC ngày 24-7-1981.
- Xác định thời điểm di chúc hợp pháp từ 10-9-1990 đến 01-7-1996 cần căn cứ vào Pháp lệnh thừa kế; Nghị quyết số 02/1990/NQ-HĐTP.
- Xác định thời điểm di chúc hợp pháp từ 01-07-1996 đến 31-12-2005 cần căn cứ vào BLDS 1995.
- Xác định thời điểm di chúc hợp pháp từ 01-01-2006 đến nay cần căn cứ vào BLDS 2005.
3.3.2. Xác định di sản thừa kế
VBQPPL:
BLDS 2005 (các điều 163, 634, 733, 734 và 735)
Luật HN&GĐ 1959
Luật HN&GĐ 1986
Luật HN&GĐ 2000 (Điều 28)
Luật đất đai 2003 (Điều 50 và Điều 106)
Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (Điều 634 BLDS 2005).
Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế.
Cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Phần 4 BLDS 2005 và pháp luật về đất đai.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Phần 4 BLDS 2005 và pháp luật về đất đai.
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại (Điều 634 BLDS 2005).
Khái niệm về tài sản bao gồm: “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 BLDS 2005).
Quy định về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi 1 người chết trước để xác định xem di sản của người đó:
- Theo Luật HN&GĐ 1959: “chia như quy định ở Điều 29” tức là như khi ly hôn (Điều 16);
- Theo Luật HN&GĐ 1986: “chia đôi” (Điều 17);
Theo Luật HN&GĐ 2000: “ngang nhau “ (Điều 28);
Người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất (Điều 106 Luật đất đai 2003).
- Quy định về di sản là quyền sử dụng đất (Điều 733, Điều 734 và Điều 735 BLDS 2005; Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP);
- Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai 1987, Luật đất đai 1993 hoặc Luật đất đai 2003;
- Có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai 2003; kể từ 01-7-2004 quyền sử dụng đất cũng là di sản không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế (hồi tố) (Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP);
- Loại đất chưa có các giấy tờ nêu ở trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác, cây lâu năm gắn liền với đất đó thì đất vẫn được coi là di sản (được tính giá trị và phân chia như loại đất có giấy tờ nêu trên) khi UBND cấp có thẩm quyền xác định việc sử dụng đất là hợp pháp hoặc có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất (điểm a và b tiểu mục 1.3 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004 NQ-HĐTP).
Tài sản được Nhà nước cấp cho người có công với cách mạng sau khi họ đã chết cũng là di sản để chia cho các thừa kế của họ. Trường hợp cấp cho thân nhân của người có công với cách mạng thì không phải là di sản của người có công với cách mạng (Phần III Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).
3.3.3. Quy định về di chúc có hiệu lực một phần
VBQPPL:
BLDS 2005 (Điều 667 và Điều 669)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình (Điều 631 BLDS 2005). Do vậy, nếu di chúc định đoạt tài sản của người khác thì phần di chúc đó không hợp pháp. Tình trạng khá phổ biến của loại di chúc không hợp pháp một phần là vợ hay chồng lập di chúc định đoạt tài sản chung.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 669 BLDS 2005 (còn gọi là thừa kế bắt buộc):
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Lưu ý: Các trường hợp “Hiệu lực pháp luật của di chúc” quy định tại Điều 667 BLDS 2005.
3.3.4. Một số quy định hạn chế quyền thừa kế
VBQPPL:
BLDS 2005 (Điều 735)
Luật HN&GĐ (Điều 31)
Nghị định số 70/2001/NĐ-CP
Nghị định 81/2001/NĐ-CP
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Đối với đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản giao cho hộ gia đình thì chỉ các thành viên trong hộ đang tiếp tục sử dụng đất khi có một thành viên chết.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được chia hiện vật nhà, đất khi có đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP.
Vợ góa hoặc chồng góa có quyền yêu cầu chưa chia di sản nếu trong một thời hạn nhất định (không quá 3 năm) việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên còn sống (Điều 31 Luật HN&GĐ 2000; Điều 12 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP).
3.3.5. Thừa kế trong trường hợp chưa có đăng ký kết hôn
VBQPPL:
Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10
Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP
Công văn số 77/2003/HĐTP
Người đang có vợ hoặc có chồng là:
- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03-01-1987 và hiện đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03-01-1987 đến trước ngày 01-01-2001 và hiện đang chung sống với nhau như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng cho đến trước ngày 01-01-2003). (tiểu mục c.1 mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP).
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Là trường hợp hôn nhân không có đăng kí kết hôn nhưng không vi phạm các điều kiện kết hôn khác (các đối tượng hôn nhân được quy định tại Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10).
Nếu quan hệ hôn nhân xác lập trước ngày 03-01-1987 thì thời điểm mở thừa kế không kể là khi nào, người vợ (hoặc chồng) còn sống đều được hưởng thừa kế (điểm a mục 1 phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP).
Nếu quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày 03-01-1987 đến trước ngày 01-01-2001 và thừa kế của một bên mở trước 01-01-2003 thì bên vợ (hoặc chồng) còn sống cũng được hưởng thừa kế (điểm b mục 1 phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP).
Nếu quan hệ hôn nhân được xác lập từ 03-01-1987 đến trước 01-01-2001 và thừa kế của một bên mở sau 01-01-2003 thì chỉ được hưởng thừa kế nếu đã có tên trong danh sách xin đăng ký do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập trước 01-01-2003 (Công văn số 77/2003/HĐTP ngày 27-6-2003).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét