Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

10 TÌNH HUỐNG DÂN SỰ HAY GẶP TRONG CUỘC SỐNG

10 TÌNH HUỐNG DÂN SỰ HAY GẶP TRONG CUỘC SỐNG
1.Tình huống 1: Vay/mượn tài sản nhưng không trả lại
Do tin tưởng một người mới quen nên khi người đó mượn laptop và 1triệu 600 nghìn đồng của em, em đã cho vay. Hiện giờ người đó không trả và có ý lẩn tránh. Em có ghi âm cuộc điện thoại khi 2 bên thống nhất với nhau thời gian trả và phương thức trả. Vậy để đòi lại được số tiền đó em nên làm thế nào?

Trả lời:
Mặc dù không ký kết bất kỳ hợp đồng nào nhưng giữa bạn và người quen đã có giao kết hợp đồng vay/mượn tài sản (vì Bộ luật Dân sự không quy định hợp đồng vay tài sản cũng như hợp đồng mượn tài sản phải tuân thủ bất kỳ hình thức nào nên các bên có thể giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể - Điều 401 Bộ luật Dân sự). Theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự và Điều 514 Bộ luật Dân sự, người đó có nghĩa vụ trả nợ/trả lại tài sản của bạn theo sự thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp người quen của bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bạn. Bạn có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ, nếu cố tình không thực hiện thì bạn có quyền gửi đơn đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi đến Toà án qua bưu điện. Trong đơn, bạn phải nêu rõ nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện bạn phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

2.Tình huống 2.Thế chấp ngôi nhà đã mua nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu
A mua nhà của B đã 10 năm nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở. A vay tiền của ngân hàng thì A có thể thế chấp ngôi nhà để vay tiền ngân hàng không?

Trả lời:
Theo Điều 342 Bộ luật Dân sự, thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Nghĩa vụ dân sự được bảo đảm có thể là nghĩa vụ dân sự của chính chủ sở hữu tài sản hoặc là nghĩa vụ dân sự của bên thứ ba đối với bên nhận thế chấp.
Theo quy định trên thì khi vay vốn tại Ngân hàng, A có thể dùng tài sản là ngôi nhà để thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, A sẽ không thể tự mình thực hiện thủ tục thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật với tư cách là chủ sở hữu ngôi nhà đó, mà phải có sự đồng ý của B vì B mới chính là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà.
Sở dĩ nói rằng B là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà vì: Theo thông tin bạn cung cấp, A đã mua ngôi nhà của B nhưng chưa làm thủ tục mua bán nên ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của B. Theo quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở thì các bên phải lập hợp đồng mua bán, phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực. Bên mua nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định của pháp luật. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng. Như vậy, chủ sở hữu ngôi nhà hiện tại là B chứ không phải là A. Và B có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để thế chấp ngôi nhà để đảm bảo nghĩa vụ dân sự với bên nhận thế chấp.

3.Tình huống 3. Khởi kiện nhà hàng xóm do xây dựng không đúng quy định Nhà hàng xóm tôi xây phần móng, đà nhưng không dùng bất kỳ vật gì lót chèn để ngăn giữa tường nhà này với nhà khác. Tôi muốn kiện họ xây không đúng qui trình và thời gian sau có thể làm ảnh hưởng đến 2 nhà sát vách. Tôi phải làm như thế nào?

Trả lời:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Nếu có căn cứ cho rằng người hàng xóm đã xây dựng không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi đến Toà án qua bưu điện. Trong đơn, bạn phải nêu rõ nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện bạn phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

4.Tình huống 4. Yêu cầu chia di sản thờ cúng
Ông A (có 4 con là B, C , D, E) lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà cho con trai trưởng là B, đồng thời giao nghĩa vụ “B có trách nhiệm quản lý, sử dụng căn nhà để thờ cúng tổ tiên đời đời kiếp kiếp mà không được bán căn nhà”. C, D, E khởi kiện đòi chia căn nhà. Trường hợp này được giải quyết như thế nào?

Trả lời:
Khi lập di chúc, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng (theo khoản 3 Điều 648 Bộ luật Dân sự). Điều 670 Bộ luật Dân sự quy định: Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Vì ông A đã chỉ định B “có trách nhiệm quản lý, sử dụng căn nhà để thờ cúng tổ tiên đời đời kiếp kiếp” nên ngôi nhà này không thể được phân chia và B có quyền, nghĩa vụ quản lý ngôi nhà đó mà không có quyền định đoạt. Tuy nhiên, nếu toàn bộ di sản của ông A không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của ông thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

5.Tình huống 5. Khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế bỏ sót người thừa kế
Ông bà ngoại tôi mất trước năm 1975 có để lại 1 lô đất 200m2 nhưng không có di chúc. Sau đó cậu tôi chuyển lô đất sang quyền sở hữu của cậu nên má tôi và các dì có gửi đơn kiện về việc này. Do thời hiệu khởi kiện đã hết nên Tòa án hướng dẫn gia đình yêu cầu cơ quan quản lý thu hồi sổ đỏ của cậu và mọi người ký vào biên bản xác nhận tài sản chung của ông bà để lại. Mọi việc đã xong nhưng khi chia tài sản chung thì cậu tôi không hợp tác. Nay má tôi và các dì nộp đơn yêu cầu tòa án can thiệp. Việc làm này của má tôi và các dì có đúng không? Ông ngoại tôi có 1 con riêng đã mất (nhưng người mất vẫn còn con) nhưng khi nộp đơn chia tài sản thì má tôi không nhắc đến người con riêng này. Vậy má tôi có bị truy tố về tội bỏ sót người thừa kế không? Giấy tờ nào có thể chứng minh người đã mất là con ngoài giá thú của ông ngoại tôi. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:
1. Về việc khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế
Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Do đó, nếu những người thừa kế không thể thỏa thuận để chia di sản thừa kế do ông bà bạn để lại thì mẹ và các dì có quyền gửi đơn yêu cầu tóa án có thẩm quyền giải quyết việc phận chia theo quy định của pháp luật. Tranh chấp thừa kế thuộc một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Về việc bỏ sót người thừa kế
Hiện nay, hành vi che giấu người thừa kế không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Điều 687 Bộ luật Dân sự cũng quy định: trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Giấy tờ chứng minh người đã mất là con của ông bạn
Để xác định quan hệ cha con của ông bạn với người con ngoài giá thú thì có thể căn cứ vào giấy khai sinh của người con đó. Trong trường hợp, giấy khai sinh không ghi tên người cha thì phải xuất trình các giấy tờ khác để chứng minh quan hệ cha con, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người yêu cầu chia thừa kế để đảm bảo quyền lợi cho người con đó.

6.Tình huống 6. Nghĩa vụ trả tiền phát sinh từ giao dịch mua bán hàng hóa
Tôi giao hàng cho một nhà hàng nhỏ mà nhà hàng đó thường xuyên không thanh toán tiền đúng hạn, hiện số tiền nợ khoảng 20 triệu. Tôi yêu cầu họ làm cam kết nhưng họ không chịu làm. Các hóa đơn thường chỉ do nhân viên của nhà hàng đó ký nhận. Vậy, tôi xin hỏi, trên cơ sở hóa đơn đó, tôi có thể lấy lại số tiền nhà hàng còn nợ không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Trả lời:
Bạn thân mến, vấn đề bạn hỏi tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giao dịch giữa bạn và nhà hàng được coi là giao dịch mua bán tài sản, trong đó, bạn là bên bán còn nhà hàng là bên mua. Khi bạn đã giao hàng thì nhà hàng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo đúng thỏa thuận giữa hai bên về phương thức trả tiền, thời hạn trả tiền, số tiền phải trả. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về nghĩa vụ trả tiền tại Điều 438.
Trong trường hợp như bạn nói, nhà hàng đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho bạn, mặc dù hóa đơn là do nhân viên nhà hàng ký nhưng theo quy định của pháp luật thì nhà hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc trả nợ cho bạn. Trường hợp bạn yêu cầu mà nhà hàng đó phủ nhận việc nợ bạn thì bạn có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp giúp bạn (nếu nhà hàng phủ nhận việc nợ tiền hàng của bạn thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Trường hợp bạn yêu cầu trả tiền hàng mà nhà hàng đó thừa nhận việc có nợ bạn nhưng không chịu trả thì bạn có thể khởi kiện dân sự lên tòa án nhân dân cấp huyện nơi nhà hàng đó có trụ sở để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của bạn.

7.Tình huống 7:  Ngày 14/3/2010, A ra ngân hàng rút 15.000.000 đồng tiền mặt, bọc vào trong một túi nilong đen. Trên đường về, A vào nhà người quen là B. Khi ra về, A sơ ý đánh rơi cọc tiền ở trước cửa nhà B. Ngay sau đó, C là cháu họ của B, dẫn bạn là D, E đến nhà B chơi. Chưa kịp vào nhà, C, D, E phát hiện ra một túi màu đen ở ngay trước cửa nhà B. Sau khi mở túi ra và biết trong túi có 15.000.000 đồng, họ đã cùng nhau thỏa thuận sẽ lấy số tiền đó để đi ăn nhậu và chơi. Ngày hôm sau, C, D, E lại đến nhà B chơi và kể với B rằng họ nhặt được 15.000.000 đồng ở cổng nhà B và đã tiêu hết số tiền đó. B cho họ biết đó là tiền của A và báo cho A tin này. Sau khi biết tin, A đã yêu cầu C, D, E phải hoàn trả số tiền 15.000.000 đồng cho mình. Theo thỏa thuận, C, D, E sẽ phải hoàn trả khoản tiền 15.000.000 cho A vào ngày 25/6/2009 tại nhà B (mỗi người phải hoàn trả cho A số tiền là 5.000.000 đồng). Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2009, D đã hoàn trả số tiền 5.000.000 đồng cho A nhưng C và E vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình. Nể tình C là cháu của bạn mình, A đã không yêu cầu C phải hoàn trả cho mình khoản tiền 5.000.000 đồng và yêu cầu D phải thay E thực hiện toàn bộ phần nghĩa vụ còn lại. D chấp nhận yêu cầu của A, hoàn trả tiếp 5.000.000 đồng cho A và yêu cầu E phải hoàn lại cho mình 5.000.000 đồng vào ngày 30/6/2009.

________________________________________

Phân tích tình huống.

- Quan hệ giữa A với C, D, E trong tình huống này là một quan hệ nghĩa vụ dân sự, cụ thể là nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản do chiếm hữu, sử dụng tài sản trái với căn cứ pháp luật.
Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự trong tình huống này là sự chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật của C, D, E đối với tài sản của A. C, D, E nhặt được, giữ tiền của A (tức chiếm hữu không có căn cứ pháp luật) và dùng số tiền của A để ăn nhậu, đi chơi (sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật). Vì vậy, theo khoản 4 Điều 281 BLDS, đây là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự giữa C, D, E và A. Theo khoản 1 Điều 599 BLDS, “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó…”, vì vậy, C, D, E phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho A. Do C, D, E đều có hành vi chiếm đoạt và sử dụng tài sản của A không có căn cứ pháp luật nên họ phải liên đới thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho A. Vì vậy, nghĩa vụ dân sự trong trường hợp này là nghĩa vụ dân sự liên đới.
Quan hệ nghĩa vụ dân sự liên đới này có: A là chủ thể có quyền và C, D, E là chủ thể có nghĩa vụ. Khách thể là những xử sự của các bên chủ thể, thông qua đó quyền yêu cầu cũng như nghĩa vụ của các chủ thể được thực hiện. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự trong trường hợp này là một khoản tiền.

- Nội dung thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới của các chủ thể trong tình huống:
C, D, E phải liên đới thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho A khoản tiền là 15.000.000 đồng và theo thỏa thuận, mỗi người phải hoàn trả khoản tiền là 5.000.000 đồng. Khi D đã thực hiện được phần nghĩa vụ của mình (hoàn trả cho A khoản tiền 5.000.000 đồng) mà C và E vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thì quan hệ nghĩa vụ giữa D và A vẫn chưa chấm dứt. Sau đó, A - bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho C, một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại (D, E) vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ. Nghĩa vụ dân sự liên đới lúc này là nghĩa vụ do D và E cùng phải thực hiện (hoàn trả cho A tổng số tiền là 10.000.000 đồng) và A- bên có quyền, hoàn toàn có thể yêu cầu D, một trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (hoàn trả tiếp cho A 5.000.000 đồng thay cho E). Sau khi D đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu E, người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình, tức là sau đó, D có quyền yêu cầu E hoàn lại số tiền 5.000.000 đồng mà D đã thay E trả cho A.

- Với tư cách là chủ thể có quyền, trong tình huống này, A đã thể hiện quyền của mình qua những nội dung sau: A có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới với phần riêng của họ, có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

- Là các chủ thể có nghĩa vụ, C, D, E thực hiện nghĩa vụ qua nội dung thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau: C, D, E phải liên đới thực hiện nghĩa vụ của mình đối với A. Khi A miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho C thì D và E vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại. Cụ thể D: không những phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình mà còn phải thực hiện thay cho E khi E không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Khi D đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với A thì sẽ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại giữa D và E, trong đó, D có quyền yêu cầu E phải thanh toán phần nghĩa vụ D đã thực hiện thay cho E./

8.Tình huống 8: P và Q là bạn thân thời đi học, sau mấy chục năm không gặp, bây giờ vô tình mới gặp lại. P kéo Q vào quán vừa uống rượu, vừa hàn huyên. Q không uống được rượu nhưng vì P ép quá, nể bạn, Q cố uống vài chén cho P vui lòng. Lúc đứng dậy ra về, Q thấy đầu choáng váng, đi được vài bước, Q xô vào một chiếc bàn trong quán, làm đổ nồi lẩu đang sôi vào hai vị khách đang ngồi ăn khiến họ bị bỏng nặng.
– Ai phải bồi thường, vì sao?
Điều 615 BLDS 2005 quy định: “người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường”. Trong trường hợp này, mặc dù P cố ý ép Q uống nhưng Q hoàn toàn có thể từ chối. Q không uống được rượu nhưng vì nể bạn mà uống say, gây thiệt hại cho người khác thì tự Q phải chịu trách nhiệm bồi thường.

– P có phải chịu trách nhiệm gì không?
Theo khoản 2 Điều 615 BLDS 2005, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Trong trường hợp này, P chỉ nài ép Q uống. Q hoàn toàn có thể từ chối nhưng do quá nể bạn, Q đã uống, tự đặt mình vào tình trạng say. Vì vậy, P không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do Q gây ra. Nếu P dùng vũ lực, hoặc đe doạ để cưỡng ép Q uống rượu, hoặc P lừa dối Q dẫn đến làm Q mất khả năng kháng cự mà uống say thì P phải thay Q bồi thường.

9.Tình huống 9: Vợ chồng ông bà A và B có có một căn nhà và một miếng đất 1,000m2 (không có giấy chủ quyền cả nhà lẫn đất, do ông bà xưa kia để lại). Ông A và bà B có ba người con là C, D và E, người con D có gia đình và có ba người con là D1, D2, D3. Năm 1989, ông bà cho C một miếng đất 200m2 để ở trong diện tích 1,000m2 đất trên. Năm 1996 ông A mất, không để lại di chúc. Năm 2001 thì nhà nước làm đường ngang miếng đất trên. Đến ngày 07/01/2002 thì C làm giấy chủ quyền cho miếng đất 200m2 của mình theo diện cha mẹ cho con và là người ở lâu năm. Ngày 25/02/2002 vì ông A mất nên khi làm giấy chủ quyền căn nhà và 800m2 đất do bà B đứng tên. Đến năm 2004 D mất, các con của người con D là D1, D2, D3 hiện ở trong căn nhà thuộc sở hữu của bà B. Năm 2008 bà B qua đời cũng không để lại di chúc. Trong gia đình hiện tại còn C, E, vợ và các con của D. Tôi xin hỏi theo diễn biến sự việc và các mốc thời gian nêu trên thì: 1) Ai là những người được hưởng thừa kế do bà B để lại. 2) Các cháu D1, D2, D3 đòi gộp chung 200m2 của C vào phần tài sản do bà B để lại rồi chia 3, vì các cháu cho rằng lúc đó C tự ý làm giấy chủ quyền nên không đúng theo quy định, như vậy có đúng không?

Trả lời:

1. Những người thừa kế được hưởng di sản của bà B
Do bà B không để lại di chúc nên di sản của bà được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự. Như trong tình huống bạn nêu, những người thừa kế theo pháp luật của bà B sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức là bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Cụ thể sẽ là:
- Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi của bà B (nếu có người còn sống);
- C (là con bà B);
- E (là con bà B);
- Những người thừa kế thế vị của D là D1, D2, D3 (Do D mất trước bà B nên di sản mà D được hưởng nếu còn sống thuộc về các con của D theo Điều 677 BLDS về thừa kế thế vị).

2. Yêu cầu gộp chung 200m2 của C vào di sản thừa kế
Di sản bà B để lại là quyền sử dụng 800m2 đất được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà B; không bao gồm quyền sử dụng đất 200m2 thuộc quyền sử dụng của C. Vì khi C làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được sự đồng ý của ông A và bà B từ trước đó. Việc các cháu D1, D2, D3 đòi gộp chung quyền sử dụng đất của C để chia di sản do bà B để lại là không đúng.
Nếu ngoài C, E, D1, D2, D3, gia đình không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà B thì di sản của bà B được chia thành 03 (ba) phần như sau: C được 01 (một) phần, E được 01 (một) phần, 3 cháu D1, D2, D3 cùng nhau hưởng chung 01 (một) phần mà lẽ ra D được hưởng nếu còn sống.
C, E, D1, D2, D3 có quyền tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để khai nhận di sản thừa kế do bà B để lại. Khi khai nhận thừa kế, các thừa kế có thể nhường phần di sản của mình được hưởng cho nhau.

10.Tình huống 10: Tôi kết hôn với chồng năm 1959 và về sống chung một nhà cùng vợ cả của chồng (ngôi nhà này là tài sản của chồng tôi). Gần 10 năm sau tôi và chồng khai hoang một mảnh đất, tôi và chồng ở đó cho đến nay. Vậy tôi có được xác nhận là vợ hợp pháp của chồng tôi hay không? Năm 2006 chồng tôi mất không để lại di chúc, vợ cả của chồng đòi chia 1/3 giá trị tài sản nơi tôi đang ở. Tôi có được chia 1/3 tài sản mà vợ cả đang ở hay không?

Trả lời:
Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình” quy định như sau: “Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Nghĩa vụ đăng ký kết hôn chỉ đặt ra đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001. Do đó, trường hợp bà đã kết hôn với chồng từ năm 1959 (tức là trước ngày 03/01/1987) thì theo quy định nói trên, kể cả trường hợp bà chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn thì hôn nhân của vợ chồng bà vẫn được công nhận và bà là vợ hợp pháp của chồng.
Theo quy định của Điều 31 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật thừa kế. Vì vậy, sau khi chồng bà chết, bà được hưởng một phần tài sản nằm trong khối tài sản chung của hai vợ chồng và một phần tài sản được thừa kế từ tài sản riêng của chồng. Việc phân chia di sản thừa kế phụ thuộc vào việc tài sản thừa kế là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng.

Như bà trình bày, vợ chồng bà đã khai hoang một mảnh đất từ năm 1969 và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Do đó, về nguyên tắc mảnh đất này phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng bà và bà có quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với 1/2 giá trị quyền sử dụng đất đó.
Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Có nghĩa là đối với 1/2 giá trị mảnh đất còn lại mới là tài sản thừa kế và bà cùng người vợ cả cũng như những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất chỉ có thể đòi quyền thừa kế đối với khối tài sản này. Việc người vợ cả đòi chia 1/3 giá trị mảnh đất nơi bà đang ở là hoàn toàn không có cơ sở.
Ngoài ra, vì bà được pháp luật công nhận là vợ hợp pháp của chồng nên bà không những có quyền thừa kế 1 phần đối với 1/2 giá trị mảnh đất nói trên mà còn có quyền thừa kế đối với 1 phần giá trị tài sản là ngôi nhà hiện người vợ cả đang ở nếu ngôi nhà đó được xác định là tài sản thừa kế do chồng bà để lại. Do chồng bà không để lại di chúc nên bà có thể làm đơn yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét