Hát quốc ca có phải trả tiền?
Khi nói đến quyền tác giả là nói tới các hành vi chỉ có thể do tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện đối với những sáng tạo văn học nghệ thuật của mình - quyền độc quyền.
Điều này nhấn mạnh một thực tế mà hầu hết luật pháp các nước đều công nhận tác giả có các quyền đặc biệt đối với sáng tạo của mình, và chỉ duy nhất tác giả được thực hiện quyền ngăn chặn việc cắt xén, xuyên tạc. Các quyền khác như quyền làm bản sao tác phẩm, quyền biểu diễn trước công chúng, người khác có thể thực hiện nhưng chỉ khi được tác giả cho phép.
Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009 của Việt Nam (Luật SHTT) quy định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền nhất định như:
- làm tác phẩm tái sinh;
- biểu diễn tác phẩm trước công chúng (là biểu diễn bất cứ nơi nào ngoại trừ tại gia đình, theo đó người nào biểu diễn một tác phẩm nghệ thuật, hát hay ngâm thơ ngay tại gia đình thì không phải xin phép và trả nhuận bút cho tác giả - Khoản 1 Điều 23 nghị định 100/2006/NĐ-CP), sao chép tác phẩm
Tổ chức, cá nhân khi khai thác , sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này phải xin phép và trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Gần đây truyền thông rộ lên các thông tin về Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đạt được thắng lợi bước đầu khi thu được một khoản tác quyền từ Nhà xuất bản Giáo dục cho các tác giả có tác phẩm được in trong sách giáo khoa. Hay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đòi thu tác quyền tác phẩm Tiến quân ca (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Dưới nhãn quan pháp lý vấn đề này được quy định như thế nào theo Luật SHTT Việt Nam?
Hát Quốc ca có phải trả tác quyền?
Quốc ca là một hình thức tác phẩm âm nhạc và được sáng tạo ra bởi một con người cụ thể. Tuy nhạc sĩ Văn Cao đã qua đời, theo Luật SHTT, tác phẩm Tiến quân ca vẫn còn trong thời hạn được bảo hộ. Cho đến thời điểm hiện hành, không có một quy định pháp luật nào minh thị việc sử dụng tác phẩm Quốc ca là được miễn trừ, không phải trả nhuận bút hay thù lao cho tác giả. Do vậy việc sử dụng ca khúc này vẫn phải được điều chỉnh bởi Luật SHTT.
Như vậy khi ca khúc Tiến quân ca được sử dụng trong các trường hợp sinh hoạt văn hóa, chính trị, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào, thì tổ chức, cá nhân không phải xin phép và không phải trả nhuận bút, thù lao cho tác giả (nay là các đồng thừa kế của tác giả).
Tuy nhiên, trong các chương trình ca múa nhạc phục vụ các ngày lễ của đất nước, thiết nghĩ nếu có sử dụng tác phẩm Tiến quân ca thì vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán tác quyền cho các thừa kế của tác giả Văn Cao. Bởi trong khi ban nhạc, ca sĩ, đạo diễn, diễn viên múa, các tác giả có tác phẩm sử dụng trong chương trình được trả thù lao, trả tác quyền, thì không lý gì tác phẩm Tiến quân ca lại bị “làm ngơ”, bởi lý do đó là Quốc ca.
Hoặc những sản phẩm CD hay DVD nhạc lễ, các đơn vị sản xuất ra để kinh doanh thương mại mà không trả bản quyền cho tác giả Quốc ca, đây cũng là một hành vi vi phạm Luật SHTT. Tất cả điều này sẽ là một bất công đối với tác giả quá cố cũng như các đồng thừa kế của tác giả.
Có thông tin phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao đã làm văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho Nhà nước, tuy nhiên việc hiến tặng này chỉ có giá trị pháp lý khi các đồng thừa kế cùng đồng ý.
Do vậy, việc VCPMC (trên cơ sở có văn bản ủy quyền của các đồng thừa kế) yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sử dụng tác phẩm Tiến quân ca phải thanh toán thù lao cho các đồng thừa kế của tác giả Văn Cao là một việc làm phù hợp với pháp luật, đảm bảo sự công bằng cho cố tác giả cũng như các đồng thừa kế.
Thu tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được in trong sách giáo khoa
Như đã phân tích ở phần trên, quyền tác giả là một sự độc quyền của tác giả do đó bất luận tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng tác phẩm nhằm mục đích thương mại đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc VLCC yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện nghĩa vụ thanh toán tác quyền cho các tác giả là phù hợp với Luật SHTT, bởi SGK do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành là một hành vi thương mại (có mua bán).
Ngoài ra, đây là trường hợp Luật SHTT quy định phải xin phép tác giả, do đó việc Nhà xuất bản Giáo dục chưa xin phép tác giả mà đã in sách là hành vi trái pháp luật.
Khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2011/NĐ-CP quy định: “Quyền sao chép tác phẩm là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả, do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.
Sao chép tác phẩm là tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, in sách giáo khoa là một dạng sao chép truyền thống, thông thường nhất. Như vậy các tác phẩm văn học nghệ thuật như âm nhạc, thơ, hội họa, văn học, … không phân biệt ngắn hay dài, hay hay dở, bất cứ người nào muốn khai thác thương mại đều phải xin phép và trả nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, luật pháp (Điều 25 Luật SHTT) cũng có trù liệu sự hạn chế độc quyền của tác giả trong một số trường hợp nhất định mà theo đó người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và không phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều 26 Luật SHTT chỉ dự liệu một trường hợp duy nhất được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút đó là trường hợp các tổ chức phát sóng như các Đài phát thanh, truyền hình được quyền sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng. Theo đó, dù rằng có tài trợ, quảng cáo, thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào hay không thì các tổ chức này phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc Nhà xuất bản Giáo dục in sách các tác phẩm (đã công bố) của các nhà thơ, nhà văn không thuộc đối tượng được áp dụng theo điều này, do đó muốn in, Nhà xuất bản Giáo dục cần phải xin phép và trả thù lao cho các nhà thơ, nhà văn có tác phẩm điều đó mới đúng tinh thần của luật pháp.
Nguồn: Ls. Lê Quang Vy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét