Marketing là gì?” 
 là một câu hỏi khá thú vị không chỉ đối với những người mới làm quen thuật ngữ này mà còn làm “đau đầu” nhiều chuyên gia marketing.
Nhiều người cho rằng, marketing là bán hàng, tiếp thị, quảng cáo, khuyến mãi,… Tuy nhiên, những thuật ngữ trên không thể nói hết hàm ý mà marketing muốn nói.
Sau đây là những định nghĩa mang tính học thuật về marketing:
Theo Phillip Kotler, marketing là những hoạt động của con người hướng vào việc đáp ứng những nhu cầu và ước muốn của người tiêu dùng thông qua quá trình trao đổi.
Viện Marketing Anh quốc cho rằng marketing là quá trình tổ chức và quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh từ việc phát hiện ra và biến sức mua của người tiêu dùng thành nhu cầu thực sự về một mặt hàng cụ thể, đến sản xuất và đưa hàng hoá đến người tiêu dùng cuối cùng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thu được lợi nhuận tối đa.
Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, marketing là một quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chính sách sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh của của hàng hoá, ý tưởng hay dịch vụ để tiến hành hoạt động trao đổi nhằm thoả mãn mục đích của các tổ chức và cá nhân.
Theo Mc. Carthy, marketing là quá trình nghiên cứu khách hàng là ai, họ cần gì và muốn gì, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của họ nhằm tạo ra lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp bằng cách: cung cấp sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng cần, đưa ra mức giá khách hàng chấp nhận trả, đưa sản phẩm/dịch vụ đến với khách hàng, và cung cấp thông tin/giao tiếp với khách hàng.
Trên đây là những quan điểm phổ biến về marketing. Các bạn sẽ được làm quen những quan điểm khác nhau khi nói về marketing và những thuật ngữ khác trong lĩnh vực marketing như thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường, hành vi người tiêu dùng, định vị thương hiệu,… của các tác giả nổi tiếng trên thế giới như Philip Kotler, Kevin Keller, Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ,… khi tiếp cận ngành học marketing
.