Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng thông dụng
Riêng tại Việt Nam, trong 2 năm tới, 50% số người được hỏi cho biết dự định sẽ mua sắm thông qua điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Do đó, theo bà Dung, các nhà bán lẻ và chủ toà nhà cần tận dụng xu hướng này để triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C).
45-50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới. Nguồn: internet
Đây là báo cáo vừa được Công ty nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam công bố ngày 5/3 trong bản nghiên cứu xu hướng tiêu dùng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC).
Bản đánh giá được dựa trên quá trình khảo sát và phỏng vấn 11.000 người tiêu dùng trên 11 thành phố lớn thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) vào tháng 8/2014. Riêng tại Việt Nam, kết quả đánh giá dựa trên kết quả khảo sát 1.000 người tiêu dùng Việt Nam từ độ tuổi 18 đến 64, chia đều giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM.
Kết quả khảo sát cho thấy khu vực Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore và Việt Nam, nhìn chung chú trọng đến trải nghiệm tổng thể khi đi mua sắm.
Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy những cải thiện tiêu biểu trong các trung tâm thương mại lớn, nhỏ và các nhà phố thương mại trong ba năm qua. Hơn 60% cho biết các trung tâm mua sắm mà họ đến thường xuyên có cải thiện về thiết kế, cách bố trí, dịch vụ và diện tích công cộng. Hơn 50% đồng ý rằng ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường và các trung tâm thương mại có nhiều tiện ích giải trí hơn.
Khác với kết quả khảo sát của các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác, giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng. Người Việt Nam đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu bán lẻ trong một trung tâm mua sắm nhưng sự hiện diện cụ thể của một thương hiệu bán lẻ hoặc trung tâm thương mại tổng hợp hoặc nhãn hiệu nước ngoài lại ít được xem trọng.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan, các nhà quản lý trung tâm thương mại cần phải lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. Đây là vấn đề thiết yếu trong quản lý và các lĩnh vực liên quan như quảng cáo.
Theo CBRE, 69% người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh/máy tính bảng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét