Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

"Tôi đang là giáo sư mà bị bắt tạm giam thì cũng ngọng luôn" - GS. Nguyễn Đăng Dung.


Dân trí “Tôi xin khẳng định trong tất cả các quyền thì quyền im lặng là dễ hơn tất cả. Ngay tôi đây đang là giáo sư đấy mà bị bắt thì cũng "ngọng" luôn. Ở cái thế đó cực kỳ bất lợi nên quyền đó đương nhiên tôi có”- GS. Nguyễn Đăng Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói.

“Quyền im lặng” tiếp tục trở thành chủ đề nóng bỏng tại cuộc hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều” do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tổ chức sáng nay 15/9.
“Tiết lộ của nguyên Phó chánh án TAND Tối cao
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao - cho biết, khi thảo luận về quyền im lặng tại Quốc hội cũng có rất nhiều góc nhìn khác nhau, nên dẫn tới đưa ra quan điểm cũng khác nhau về vấn đề này.
Theo ông Độ, Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay đã ghi nhận một phần quyền im lặng, đó là việc bị can bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội; tại phiên tòa, bị cáo có quyền không khai báo và khi đó hội đồng xét xử sẽ chuyển sang xét hỏi những người khác. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải giải thích cho bị can, bị cáo về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.

Trung tướng Trần Văn Độ tiết lộ những chuyện của ngành tòa án rất đáng chú ý.
Trung tướng Trần Văn Độ tiết lộ những chuyện của ngành tòa án rất đáng chú ý.

“Có một nội dung đang tranh luận hiện nay là khi bị can, bị cáo có người có người bào chữa thì việc lấy cung của cơ quan điều tra có bắt buộc phải có mặt luật sư hay không? Liệu có thể “tôi đã có luật sư thì lấy lời khai phải có mặt luật sư, tôi không đồng ý thì không được lấy lời khai hỏi cung”? Nhưng điều kiện hiện nay của chúng ta chỉ có 10.000 luật sư và thống kê cho thấy chỉ có khoảng 20% vụ án bị can, bị cáo có luật sư bào chữa; có những vụ án người ta hỏi cung hàng trăm lần thì liệu các luật sư có đủ điều kiện và thời gian để có mặt hay không, nếu không có mặt thì lời khai đó không trở thành chứng cứ điều tra? Đó là một nội dung đang tranh luận để đảm bảo quyền im lặng”- Trung tướng Trần Văn Độ nêu thực tế.
Trung tướng Trần Văn Độ khẳng định nguyên tắc tố tụng hình sự là đảm bảo quyền được bào chữa, nguyên tắc suy đoán vô tội và đảm bảo xét xử công bằng. “Nhiều người nói rằng để bị can, bị cáo im lặng thì còn đâu là tranh tụng nữa, thực ra không phải như vậy. Tranh tụng là quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử tại phiên tòa, mà các chứng cứ có được trong quá trình điều tra lại không hợp pháp, bằng con đường ép buộc người ta nhận tội và sau đó sử dụng chứng cứ bất hợp pháp thì sẽ diễn ra một kết quả sai. Nên bằng bất cứ giá nào để thực hiện nguyên tắc tranh tụng, không có cách nào khác là phải giúp cơ quan điều tra có được chứng cứ hợp pháp, được thực hiện khách quan nhất. Có như vậy việc tranh tụng mới đảm bảo khách quan, thực chất”- ông Độ dẫn giải.
Ông Độ phân tích tiếp: “Để thực hiện quyền im lặng còn liên quan đến đường lối xử lý. Xưa nay chúng ta cho quyền không khai báo, không nhận tội, nhưng tôi có 30 năm làm tòa án tôi biết, người nào không nhận tội thì dứt khoát cho ông này là ngoan cố, không khai báo và chắc chắn xử nặng. Không nhận tội thì dứt khoát không được án treo vì cho rằng không ăn năn hối cải. Có những quan niệm sai lầm như vậy. Đây là những cái tôi cho rằng trong chính sách hình sự, trong nhận thức của xã hội, đặc biệt người áp dụng pháp luật phải nhận thức được quyền này thì mới thực hiện được”.
Liên quan đến bức cung, ghi hình, Tướng Độ cho biết rất nhiều bị cáo khi ra tòa đã phản cung chối tội dù trong giai đoạn điều tra nhận tội và khăng khăng đã bị bức cung, dùng nhục hình. “Khi tòa hỏi có chứng cứ bị dụ dỗ, ép buộc, bức cung không thì nói không có. Nhưng cũng có thực tế là khi luật sư tiếp xúc hồ sơ vụ án thấy rằng chứng cứ yếu đã “dụ” bị cáo phản cung đi, vụ này chứng cứ yếu lắm cứ phản cung đi, nên ra tòa bị cáo mới phản cung như vậy. Nhưng thực tế là luật sư xúi phản cung. Tôi trực tiếp làm nhiều vụ án, sau khi được án treo và tâm sự thì mới nói là “báo cáo với cán bộ, luật sư nói chứng cứ vụ này yếu nên bảo em thôi đừng nhận tội nữa để luật sư thu xếp xoay sở để bào chữa”. Chúng ta phản nhìn nhận ở hai góc độ, không phải lúc nào nói bức cung cũng là do đánh đập, mà nó còn có góc độ khác như thế”- ông Độ nói.
In thật to “quyền im lặng” treo ở buồng hỏi cung
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Hà Nội - khẳng định: “Im lặng không có nghĩa là "câm mồm", không nói gì, mà là thực hiện quyền được bão chữa, không có quyền đưa ra lời khai chống lại mình như Hiến pháp đã quy định. Quyền này phù hợp và logic với quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.

Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị nếu Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định thì phải in thật to quyền im lặng, treo ở phòng hỏi cung để bị can bị cáo được biết quyền của mình.
Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị nếu Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định thì phải in thật to quyền im lặng, treo ở phòng hỏi cung để bị can bị cáo được biết quyền của mình.

Việc đưa quyền im lặng vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này, theo ông Chiến, là một đòi hỏi của thực tiễn khách quan và giúp nâng cao năng lực nghiệp vụ của điều tra viên.
“Nếu đảm bảo câu chuyện quyền im lặng sớm, nâng cao năng lực của cơ quan điều tra thì sẽ không có những vụ án oan vừa qua. Nguyên tắc tố tụng đúng phải là “trọng chứng hơn trọng cung” nhưng nguyên tắc tố tụng của chúng ta thời gian vừa qua hơi ngược. Hiện nay đang có những ý kiến cho rằng chỉ nên quy định quyền im lặng ở một số loại tội nặng thôi, nhưng cái này lại trái với nguyên tắc áp dụng, đã là quyền thì phải đảm bảo”- luật sư Chiến bày tỏ.
Đáp lại phát biểu của Trung tướng Trần Văn Độ, luật sư Nguyễn Văn Chiến nói hiện nay cả cơ quan điều tra và luật sư đang bị “tiếng oan”. “Cứ chứng cứ chưa rõ, ra tòa lại nói là do cơ quan điều tra đánh đập, ép cung, rồi có khi lại bảo luật sư tư vấn phản cung đi, nên rất mang tiếng. Vì thế theo tôi giải pháp là phải đưa quyền im lặng vào luật đi, để “giải oan” cho cơ quan điều tra tố tụng và đội ngũ luật sư”-ông Chiến nói.
Đáng chú ý, luật sư Nguyễn Văn Chiến đề xuất: Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can hiểu được quyền của mình.
“Cũng cần phải có cơ chế giám sát chặt quá trình hỏi cung. Việc lắp đặt camera ở phòng hỏi cung không chỉ là giám sát một cách thuần túy mà mục đích cao nhất là chống bức cung nhục hình”- ông Chiến khẳng định.
“Tôi là giáo sư mà bị bắt tạm giam thì cũng "ngọng" luôn”
“Đây là một vấn đề tranh luận lớn, anh Độ nói thế này, anh Chiến nói thế kia cũng đã thấy khác nhau rồi. Quyền im lặng không phải là quyền con người thì là quyền con gì?”- GS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn.

Tôi đang là giáo sư mà bị bắt tạm giam thì cũng ngọng luôn - GS. Nguyễn Đăng Dung.
"Tôi đang là giáo sư mà bị bắt tạm giam thì cũng ngọng luôn" - GS. Nguyễn Đăng Dung.

“Có nhiều người nói trình độ chúng ta thế này mà đẻ ra quyền im lặng thì sao điều tra được? Nhưng tôi khẳng định trong tất cả các quyền thì "cái im mồm" là dễ nhất. Các ông điều tra viên, cơ quan điều tra - PV) là người có quyền lực thì phải đặt quyền của bị can, bị cáo ở chỗ nào? Đó là chưa nói các ông chuyên nghề đi bắt người, chuyên nghề điều tra. Ngay tôi đây đang  là giáo sư đấy mà bị bắt thì cũng "ngọng" luôn. Ở cái thế đó cực kỳ bất lợi nên quyền đó đương nhiên tôi có. Đã là đương nhiên rồi thì sao phải quy định vào luật mới có là sao?
Tại sao cứ phải quy định vào luật mới có là dở rồi. Từ năm 1947 chúng ta đã có điều luật quy định “người đi bắt phải đúng quy trình tố tụng”. Người dân chúng tôi đóng thuế để nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tôi, không ngờ chỗ bị giam tưởng là nơi an toàn nhất của bị can bị cáo cũng bị đánh chết luôn thế thì còn đâu an toàn nữa”- GS. Nguyễn Đăng Dung bày tỏ.
GS. Dung cho rằng Hiến pháp của nước Mỹ bảo vệ bị can bị cáo thì chúng ta lại đang đi ngược lại. Cả một bộ máy chuyên nghiệp, chuyên đi điều tra thì tại sao lại không muốn có điều này? “Ở Phương Đông cái này đã có lịch sử của nó. Ông Bao Công xử án phải tâm phục khẩu phục. Tôi nghĩ không cần phải tranh cãi nữa, thậm chí tôi nói lại một lần nữa là không cần phải đưa vào luật, Hiến pháp mới có quyền im lặng đó. Nhưng với người Việt thì phải quy định vào luật đi thì mới áp dụng được. Trong bằng ấy quyền thì quyền im lặng là dễ hơn tất cả”- GS. Dung thẳng thắn.
Thế Kha

0 nhận xét:

Đăng nhận xét