Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường hàng Việt

Ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường hàng Việt

 Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực; sản phẩm, hàng hóa của làng nghề truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa... là một trong những giải pháp nhằm hiện đại hóa ngành thương mại Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà TP Hà Nội sẽ thực hiện trong năm 2015.
Những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Nguồn: internetNhững lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Nguồn: internet
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 893/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình ứng dụng TMĐT nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn năm 2015. Cụ thể, thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử và các biện pháp an toàn thông tin... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần quảng bá các trang web TMĐT tiêu biểu; xây dựng các chương trình tập huấn kiến thức ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp SXKD trên địa bàn, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm làng nghề truyền thống xuất khẩu.
Đối với cơ quan chuyên môn, thành phố cũng yêu cầu tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trên địa bàn qua các hội nghị, hội thảo nhằm giới thiệu các giải pháp ứng dụng TMĐT, mở rộng hoạt động SXKD. Các sở, ngành cũng cần có sự hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật TMĐT… Chương trình cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình TMĐT như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội TMĐT, Hà Nội đã vượt qua TP Hồ Chí Minh và trở thành địa phương phát triển nhất cả nước trong lĩnh vực TMĐT. Theo đó, Hà Nội đạt 72,6/100 điểm cho chỉ số TMĐT, nhỉnh hơn TP Hồ Chí Minh chỉ 0,1 điểm. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang thừa vốn vay, doanh nghiệp tồn đọng hàng hóa như hiện nay thì việc quan tâm, tiếp cận và phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp sử dụng công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng không chỉ giúp doanh nghiệp tìm được thị trường mới, mà còn giúp doanh nghiệp vận hành và quản lý với chi phí thấp, thuận tiện và vẫn bảo đảm mang lại lợi ích cao nhất.
Hiện, các tiện ích của mạng internet đã được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng rộng rãi và đạt hiệu quả ngày càng cao. Tại Hà Nội, có đến 95% trong khoảng 65.000 doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng không đứng ngoài cuộc trong xu hướng thành lập các trang web theo mô hình TMĐT. Tuy nhiên, hình thức TMĐT mới được một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp có quy mô lớn đặc biệt chú trọng, còn hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn mới chỉ áp dụng chủ yếu ở việc xây dựng trang web giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, điều hành khối văn phòng… chứ chưa chú trọng đến việc kết nối với khách hàng, hỗ trợ khách hàng trong tìm kiếm thông tin sản phẩm, cam kết chất lượng tạo niềm tin với khách hàng nhằm đẩy mạnh bán hàng. Bên cạnh đó, những khó khăn như nguồn vốn cho đầu tư công nghệ thông tin còn hạn chế, nguồn nhân lực và trình độ nhân sự thông thạo công nghệ thông tin còn kém là những vướng mắc, cản trở khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với TMĐT. Đáng nói nhất là nhận thức về luật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực TMĐT bán lẻ, trong khi quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ thỏa đáng khi tham gia giao dịch TMĐT; nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật khi mở các trang web bán hàng trực tuyến.
Để phát huy được hiệu quả tối đa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng cổng thông tin chính thức để giới thiệu, quảng bá hàng Việt; mở rộng kênh phân phối kết hợp với thanh toán điện tử, giao vận thương mại… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Theo hanoimoi.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét