Án lệ 24:
Vụ án đòi lại đất được chia thừa kế giữa bà Điệp và bà Liễu ở TP Nha Trang.
Đã có bản án chia thừa kế. Nay đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Có thể khởi kiện để đòi lại tài sản được chia theo bản án chia thừa kế trước đây hay không?
Theo quyết định tại bản án dân sự phúc thẩm số 09/DSPT ngày 24-7-1979 của TAND tỉnh Phú Khánh (cũ) về vụ án dân sự “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Liễu với bị đơn là ông Lê Công Tú và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Võ Đình Lạc thì ông Tú, ông Lạc được hưởng 1/3 diện tích đất vườn (có cây cối) trong thửa đất có diện tích 6 sào 14 thước 5 tấc tại thôn Đông, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang; phần diện tích đất còn lại (có ngôi nhà ngói 3 gian) bà Liễu được hưởng.
Năm 2007, bà Lê Thị Điệp (vợ của ông Tú) và bà Nguyễn Thị Nhỏ (vợ của ông Lạc) khởi kiện cho rằng ông Tú và ông Lạc có nhờ gia đình bà Liễu trông coi giúp đất vườn được chia nhưng sau khi ông Tú và ông Lạc chết (đều chết năm 2002) thì gia đình bà Liễu chặt cây cối để xây dựng nhà ở nên yêu cầu bà Liễu trả lại phần đất vườn mà ông Tú, ông Lạc được chia. Bà Liễu cho rằng ông Tú và ông Lạc không yêu cầu thi hành án mà chuyển đi nơi khác sinh sống, nay đã hết thời hiệu thi hành án theo quy định của pháp luật nên không đồng ý trả lại đất.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 40/2007/DSST ngày 26-9-2007, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; buộc gia đình bà Liễu trả lại cho các thừa kế của ông Lạc 450 m2 đất vườn, các thừa kế của ông Tú 450 m2 đất vườn.Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 60/2008/DSPT ngày 16-4-2008, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án. Các nguyên đơn có khiếu nại. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 12-8-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm , giao cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có vấn đề pháp lý quan trọng là:
Việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS và Khoản 2 Điều 192 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác. Đây không phải là trường hợp “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Sự việc trong vụ án này là quan hệ tranh chấp đòi lại tài sản đang do người khác chiếm giữ chứ không phải là kiện chia thừa kế. Việc kiện chia thừa kế chính là quan hệ tranh chấp đã được giải quyết tại Bản án số 09/DSPT ngày 24-7-1979. Bản án 09/DSPT đã xác lập quyền tài sản (quyền sử dụng đất ) cho ông Tú và ông Lạc dù chưa có việc thi hành giao nhận đất. Ông Tú đã có quyền sử dụng đất, nay ông Tú và ông Lạc chết thì quyền tài sản này được thừa kế nên các thừa kế của ông Tú, ông Lạc có quyền khởi kiện đòi lại tài sản. Thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết thì những người được thi hánh án không còn quyền yêu cầu cơ quan thi hánh án hỗ trợ chứ không phải hết thời hiệu thi hánh án thì bản án không còn giá trị hiệu lực.
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án không có nghĩa là bản án bị hủy bỏ. Chỉ coi là sự việc đã được giải quyết nếu không khác sự việc cũ về nguyên đợn, bị đơn,và quan hệ pháp luật tranh chấp; nói cách khác là Tòa án không được quyết định lại quyết định đang có hiệu lực. Do vậy, có những việc đã chia thừa kế, đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, đương sự vẫn có thể khởi kiện đòi lại tài sản.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét