Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Án lệ 27: Vụ Phan Chí Lộc và đồng bọn lừa đảo ở Quảng Trị .



Án lệ 27: Vụ Phan Chí Lộc và đồng bọn lừa đảo ở Quảng Trị .

Không trực tiếp chiếm đoạt tài sản có thể bị kết án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?


Phan Chí Lộc, khi bị khởi tố là Phó Giám đốc Công ty TNHH Lộc Hòa- Việt Úc (sau đây gọi tắt là Công ty Lộc Hòa) có vợ là Nguyễn Thị Hòa, khi bị khởi tố là Giám đốc Công ty Lộc Hòa.

Tháng 6-2006, Lộc đi thăm con tại Úc, gặp Dương Thị Minh Phụng, quốc tịch Úc, gốc Việt Nam. Phụng giới thiệu tên là Hương, đang làm việc tại Bộ Di trú Úc. Lộc nhở Phụng giúp gia đình Lộc định cư tại Úc. Phụng yêu cầu nộp 35000 AUS (đô-la-Úc) và đưa địa chỉ, số điện thoại để liên lạc với cháu Phụng là Nguyễn Thị Yến Nhi đang trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7-2006, Lộc điện thoại cho vợ (Hòa) và Hòa đã chuyển cho Nhi 22000 AUS và 2800 USD.

Tháng 9-2006, Lộc về Việt Nam, được Nhi đón tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phụng về sau Lộc 2 ngày, cùng Lộc từ thành phố Hồ Chí Minh về nhà Lộc tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; sau đó cùng về thăm quê Lộc tại tỉnh Quảng Bình.

Theo Lộc và Hòa khai thì theo gợi ý của Phụng, Lộc và Hòa xin phép thành lập Công ty Lộc Hòa để làm dịch vụ đưa người sang Úc, vợ chồng Lộc Hòa sẽ được hưởng thù lao (có lời khai là 50 triệu một hồ sơ , có lời khai mức tiền ít hơn). Ngày 10-10-2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty Lộc Hòa. Mặc dù giấy phép kinh doanh chỉ là tư vấn du học, du lịch, thăm thân… nhưng thực tế Công ty Lộc Hòa thông báo làm dịch vụ tuyển sinh du học, tuyển dụng lao động xuất khẩu. Lộc đã quảng cáo là được ủy nhiệm của nhiều Trường tại Mỹ, Úc, Ca-na-da…có cháu ở Úc lấy chồng là nhân viên sứ quán Úc tại Việt Nam.

Từ tháng 9-2006 đến tháng 5-2007, Lộc và Hòa đã thu của 30 người số tiền 6.250.200.000 đồng và hướng dẫn 4 người chuyển tiền vào tài khoản của Nhi là 371.000.000 đồng, tổng cộng 34 người là 6.621.200.000 đòng. Quá hạn (các biên nhận ghi thời hạn 3 tháng) các bị hại đã có đơn tố cáo. Lộc và Hòa khai đã chuyển cho Phụng và Nhi tổng cộng 7,5 tỷ đồng, trong đó chuyển qua tài khoản của Nhi là 4.963.000.000 đồng. Nhi đã rút tiền và bỏ trốn.

Ngày 16-01-2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị truy tố Lộc và Hòa đều về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 139 BLHS. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 14/2009/HS-ST, TAND tỉnh Quảng trị đã xử phạt Lộc 9 năm tù, Hòa 7 năm tù nhưng tại bản án hình sự phúc thẩm số 04/2009/HS-PT, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 19-8-2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị vẫn truy tố Lộc và Hòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4 Điều 139 BLHS. Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2010/HS-ST ngày 29-9-2010 và bản án hình sự phúc thẩm số 139/2011/HS-PT ngày 05-4-2011 đều tuyên bố Lộc và Hòa không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhận định: Lộc và Hòa có nhận tiền của các bị hại nhưng đã chuyển cho Phụng và Nhi, được Nhi xác nhận và kết quả giám định chữ ký trong giấy xác nhận ngày 01-6-2007 đúng là chữ ký của Nhi nên Lộc và Hòa không có hành vi chiếm đoạt. Đồng thời, cũng chưa có căn cứ xác định Lộc và Hòa biết Phụng và Nhi có hành vi lừa đảo khi chuyển giao tiền cho Nhi.

Bản án hình sự phúc thẩm số 139/2011/HS-PT đã bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 22-7-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại với nhận định: Đã có đủ dấu hiệu xác định Lộc và Hòa đồng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vấn đề cần điều tra làm rõ thêm là chỉ đồng phạm với vai trò giúp sức hay với vai trò cùng thực hành và làm rõ mức độ trực tiếp chiếm đoạt.

Quyết định nêu trên của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng là:

1. Dấu hiệu chiếm đoạt có phải là dấu hiệu bắt buộc với tất cả những người đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Trong đồng phạm, chỉ có người thực hành mới thực hiện đầy đủ các hành vi là dấu hiệu đặc trưng của tội đồng phạm; những người đồng phạm khác như người xúi dục, người giúp sức, và ngay cả người tổ chức thì họ thường chỉ thực hiện một số hành vi đặc trưng hoặc chỉ là hành vi giúp cho việc thực hiện hành vi đặc trưng. Ví dụ thông báo sự có mặt của bị hại để kẻ thực hành đến giết người đó thì mặc dù chỉ có hành vi thông báo cũng là đồng phạm giết người. Do vậy, lấy lý do không trực tiếp chiếm đoạt tài sản để xác định không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sai lầm về áp dụng pháp luật. Không trực tiếp chiếm đoạt vẫn có thể là đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò người giúp sức.

2. Về xác định ý chí của người đồng phạm (cố ý cùng thực hiện tội phạm).

Kẻ phạm tội thường che dấu ý thức chủ quan của mình. Do vậy, cần đánh giá ý thức chủ quan qua các hành vi khách quan. Trong vụ án này, ban đầu các bị cáo Lộc và Hòa cũng tin vào lời hứa của Phụng và đã chuyển tiền cho Phụng để nhờ việc của chính gia đình các bị cáo nhưng thực tế thì Phụng không thực hiên được. Việc Lộc và Hòa phải bịa ra các tình tiết không có thực (như có quan hệ đặc biệt với cơ quan ngoại giao, những trường học, tổ chức ở nước ngoài…) thể hiện các bị cáo nhận thức được nếu không có các tình tiết này thì không đáng tin sẽ thực hiện được việc đưa người ra nước ngoài hợp pháp. Do vậy, với các hành vi khách quan có cơ sở xác định Lộc và Hòa biết việc lừa đảo có thể xảy ra nhưng có mục đích trục lợi nên cứ làm. Và trong trường hợp này cần phải xác định Lộc và Hòa đã chung ý chí với kẻ tổ chức và kẻ thực hành lừa đảo (Phụng và Nhi).

3. Về đánh giá chứng cứ.

Chỉ căn cứ vào kết luận giám định về chữ ký trong giấy xác nhận ngày 01-6-2007 là của Nguyễn Thị Yến Nhi để xác định Lộc và Hòa không chiếm đoạt tài sản là việc đành giá chứng cứ chưa chính xác. Chữ ký có thể đúng của Nhi nhưng nội dung xác nhận có đúng thực tế hay không là chưa thể xác định được trong khi số tiền xác minh qua chuyển khoản cho Nhi là ít hơn nhiều so với giấy xác nhận.

Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

Không trực tiếp chiếm đoạt tài sản vẫn có thể bị kết tội đồng phạm chiếm đoạt tài sản. Việc xác định ý chí của người đồng phạm phải trên cơ sở đánh giá toàn diện các biểu hiện khách quan chứ không phụ thuộc vào sự thừa nhận của những người đồng phạm. Với các biểu hiện khách quan như trong vụ án này là đủ sơ sở xác định có chung ý chí phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét