PHƯƠNG THỨC BẦU TỔNG THỐNG CỦA NƯỚC MỸ
Tổng thống Mỹ được bầu chọn bởi 538 người đại diện cho dân chúng 51 bang của Mỹ. Đoàn 538 người này được dịch ra tiếng Việt là “Đại cử tri đoàn”. Mỗi tiểu bang có số dân khác nhau cho nên có số người đại diện (Đại cử tri ) của mỗi bang nhiều hay ít tùy theo dân số của từng bang.
(Số Đại cử tri của mỗi tiểu bang lấy theo con số dân biểu tại Hạ viện Mỹ : Thoạt đầu người ta chọn 7 tiểu bang có ít dân nhất để cho mỗi bang có 1 vị dân biểu Quốc hội Liên bang. Trung bình mỗi tiểu bang trong 7 bang này có trên dưới 700 ngàn dân cho nên người ta tính bang nào có dân số gấp 2 lần 700 ngàn thì có 2 đại diện, gấp 3 lần thì có 3 đại diện, v.v…Ví dụ như tiểu bang lớn nhất là California có dân số 37 triệu, gấp 53 lần, cho nên có 53 đại diện tại Quốc hội Liên Bang ).
Vì vậy khi ấn định số “Đại cử tri” để đi bầu Tổng thống người ta cũng chọn theo số dân, tức là theo số dân biểu của mỗi tiểu bang có mặt tại Quốc hội Liên bang. Ngoài ra mỗi tiểu bang còn có thêm 2 người “Đại cử tri” nữa, đó là 2 Thượng nghị sĩ. ( Mỗi tiểu bang đều có 2 Thượng nghị sĩ cho dù đông dân hay ít dân ). Ví dụ như bang Cali có 53 vị dân biểu và 2 Thượng nghị sĩ nên có 55 người đại diện đi bầu cử Tổng thống. Tổng cộng 50 bang và đặc khu Washington DC có tất cả là 538 người “Đại cử tri” hay là 538 phiếu bầu chọn.
538 vị đại diện này sẽ họp nhau lại bỏ phiếu chọn Tổng thống vào ngày thứ 41 sau ngày toàn dân đi bầu. Nhưng mỗi đại diện không được bỏ phiếu tùy theo ý thích của mình, mà tất cả các đại diện của mỗi tiểu bang phải bỏ phiếu cho ứng cử viên nào đã thắng phiếu tại tiểu bang của mình qua sự bầu chọn của dân chúng trong ngày bầu cử trước đó 41 ngày. Ví dụ như tất cả 55 đại diện của bang California phải bỏ phiếu cho ông Obama là người đã thắng phiếu tại Cali trong ngày bầu cử năm 2012. (Ngày bầu cử là ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 của năm có bầu cử ).
Căn cứ vào kết quả trong ngày toàn dân bầu cử mà người ta tính được mỗi ứng cử viên được bao nhiêu phiếu “Đại cử tri” của từng tiểu bang (Nhưng có một ngoại lệ là 4 Đại cử tri của bang Main và 5 Đại cử tri của bang Nebraska lại được quyền bỏ phiếu cho nhiều ứng cử viên khác nhau theo tỉ lệ phiếu bầu của dân chúng. Đây là lệ riêng có từ thời thành lập Liên bang ).
Do ngày xưa phương tiện đi lại và đếm phiếu khó khăn cho nên mới cần 538 người đến một thành phố của bang Florida để bỏ phiếu bầu Tổng thống sau khi dân chúng đã chọn trước đó 41 ngày. Nhưng ngày nay thì phương tiện liên lạc được tính từng giây cho nên người ta không cần “đại cử tri đoàn” đi bỏ phiếu nữa, mà người ta chỉ cần thông báo số phiếu Đại cử tri cho Ban tổ chức bầu cử Liên bang. Tuy nhiên ngày mà Ban tổ chức chính thức công bố ai thắng cử thì vẫn giữ như cũ.
Tóm lại, Tổng thống Mỹ được chọn theo số phiếu bầu của 538 Đại cử tri, nhưng Đại cử tri bỏ phiếu theo kết quả bầu chọn của dân chúng. Tuy nhiên cách này cũng có thể xảy ra trường hợp có một ứng cử viên có tổng số phiếu bầu của dân nhiều hơn nhưng lại có phiếu “Đại cử tri” ít hơn nên bị thất cử. Trường hợp này đã xảy ra 3 lần trong các cuộc bầu cử năm 1876, 1888 và năm 2.000.
Trong năm 2.000 tổng số phiếu cá nhân của 20 tiểu bang và Washington DC bầu cho ứng Cử viên Albert A.Gore ( 51 triệu phiếu ) nhiều hơn tổng số phiếu cá nhân của 30 bang bầu cho ông George W.Bush ( 50,5 triệu phiếu ). Nhưng tổng số phiếu ĐCT của 20 bang và Washington DC bầu cho ông Gore ( 266 phiếu ) lại ít hơn tổng số phiếu ĐCT của 30 bang bầu cho ông Bush ( 271 phiếu ).
Giải thích cho sự tréo ngoe này là vì 20 bang của ông Gore là những bang lớn có nhiều dân ( 223 dân biểu ) nhưng chỉ có 40 nghị sĩ. Trong khi 30 bang của ông Bush là những bang nhỏ có ít dân ( 211 dân biểu ) nhưng có 60 nghị sĩ. Ông Gore thua phiếu ĐCT vì thua số nghị sĩ. Riêng Wahsington DC không có dân biểu và nghị sĩ nhưng có 3 phiếu ĐCT.
Nguồn gốc các chức vụ dân cử tại Mỹ:
Nước Mỹ có nguồn gốc lập quốc hoàn toàn khác với các nước khác trên thế giới. Hầu hết các nước trên thế giới đều khởi đầu từ một nhân vật và một dòng họ. Nghĩa là một người hay một dòng tộc có sức mạnh sẽ chiếm một khu vực lãnh thổ nào đó làm thành đất đai riêng của mình. Lãnh thổ đó thường được giới hạn bằng những dãy núi hay những con sông nên được gọi là một nước, hay là đất nước, hay là sông núi, non sông…
Riêng nước Mỹ thì những người đi khai phá đất đai cũng tập họp gia đình của mình hay nhiều gia đình bạn bè cùng chung khai phá một vùng đất hoang nào đó. Nhiều gia đình hay nhiều nhóm bạn bè sống quây quần thành một khu đông dân cư, gọi là thị trấn, thị xã, hay thành phố. Những người chủ có nhiều đất, có nhiều nhân công (nô lệ) trở thành những tay “có máu mặt” trong địa phương.
Mới đầu những tay có máu mặt tự bảo vệ đất đai của mình nhưng rồi vì tình hình phát triển của xã hội cho nên họ phải họp nhau lại để lo chuyện bảo vệ an ninh trật tự trong thị trấn. Rốt cuộc họ đồng lòng thuê một người có khả năng điều hành xã hội làm ông Thị trưởng, thuê một người am hiểu về luật pháp làm Chánh án, và thuê một người giỏi trị an làm Cảnh sát trưởng.
Những viên chức chính quyền hưởng lương bổng do những tay có máu mặt đóng góp. Họ đóng góp tùy theo đất đai và tài sản của mỗi người. Nghĩa là người giàu nhiều đóng nhiều, người giàu ít đóng ít, còn người đủ ăn và người nghèo thì khỏi đóng. Sau này tiền đóng góp biến thành thuế, người giàu đóng thuế nhiều, người trung lưu đóng thuế ít, người nghèo được miễn đóng thuế.
Như vậy Thị trưởng, Tòa án và Cảnh sát tại Mỹ giống như ban giám đốc của một công ty; và nhóm những tay có máu mặt giông như một hội đồng quản trị công ty. Nhưng thói thường những tay có máu mặt không muốn trực tiếp nhúng tay vào công việc quản trị thị trấn hay thành phố bởi vì họ không có thì giờ và chỉ thích đi chơi, cho nên mỗi một nhóm “có máu mặt” thuê một người đại diện cho mình hay nhóm của mình để làm công việc quản trị thị trấn. Sau này biến thành Hội đồng thị trấn, Hội đồng thành phố hay Quốc hội.
Rốt cuộc hành pháp, lập pháp và tư pháp của nước Mỹ đều có nguồn gốc là người do các tay “có máu mặt” cắt cử ra. Lần hồi nhiều thị trấn họp lại thành quân hạt, nhiều quận hạt họp thành Tiểu bang và Liên bang. Nhưng truyền thống các ông có máu mặt đề cử người điều hành Tiểu bang, Liên bang vẫn ít nhiều được duy trì. Ngày nay người ta gọi là các nhóm có máu mặt là “nhóm đại tài phiệt”.
Hiện nay nước Mỹ có hai nhóm đại tài phiệt lớn nhất có ảnh hưởng tới việc đề cử người điều hành quốc gia là Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ. Hai đảng này thay nhau nắm quyền điều khiển quốc gia Mỹ. Họ luôn luôn tranh nhau đưa người của Đảng vào các chức vụ dân cử các cấp. Dĩ nhiên mỗi Đảng có một đường lối riêng cho đất nước trong từng thời kỳ nhưng không bao giờ chống lại nhau.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ
Theo luật pháp nước Mỹ thì mọi người đều có quyền ứng cử tổng thống nếu mình có nhiều sự ủng hộ của quần chúng. Nhưng thực tế thì cho dầu có tài cách mấy đi nữa thì cũng không có nhiều người ủng hộ bằng người của hai đảng chính. Bởi vì cần người ủng hộ tinh thần đã đành nhưng còn phải ủng hộ về tài chánh, bởi vì các ứng cử viên phải chia nhau chi phí bầu cử cho nên ai không có tiền đóng góp cho chí phí bầu cử thì khỏi ứng cử. Mà chi phí bầu cử cho cả nước thì chỉ có hai đảng CH và DC mới có khả năng.
Như vậy đi bầu cử Tổng thống tại Mỹ là đi bầu cho đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa chứ không phải là bầu cho ứng cử viên nào. Còn chính sách quốc gia sau khi bầu cử là chính sách của đảng thắng cử chứ không phải chính sách của ứng cử viên đắc cử.
Thông thường trước mỗi kỳ bầu cử Tổng thống thì ĐDC hay ĐCH đều có hoạch định trước chính sách điều hành quốc gia trong 1 hoặc 2 nhiệm kỳ sắp tới. Cho nên trước khi xảy ra cuộc vận động bầu cử thì người ta nhìn vào ứng cử viên sáng giá nhất của mỗi đảng để tiên đoán xem đảng nào có đường lối chính sách tốt.
Hễ đảng nào đưa ra một ứng cử viên sáng giá nhất (con gà nòi ) thì đảng đó đang có một chương trình tốt cho tương lai. Còn đảng nào nhắm đường lối trong tương lai của mình không bằng đối phương thì chỉ đưa ra một ứng cử viên xoàng cho có lệ (Con gà tre ).
Nhưng người dân Mỹ thì có thói quen không bầu cho đảng nào có đường lối tốt hay ứng cử viên sáng giá, mà họ bầu cho “phe của mình”. Truyền thống bầu cho “phe của mình” giống như ủng hộ viên của các đội bóng thể thao của Mỹ. Hễ ai theo đội nào thì theo một đội cho tới chết, có khi truyền cả cho con cái để cả nhà cùng theo một phe. Do đó không có chuyện đi bỏ phiếu cho người của đối phương, người ta coi như thế là phản bội.
Vì vậy truyền thống vận động tranh cử của nước Mỹ là không cần “nói tốt” cho con gà của mình, mà chỉ cần “nói xấu” con gà của đối phương. Trong trường hợp con gà của đối phương quá tệ thì ủng hộ viên của đối phương sẽ ngồi nhà mà không đi bầu, coi như bỏ phiếu trắng; chứ không đời nào đi bỏ phiếu cho “phe địch” mặc dầu chuyện chọn phe chỉ có tính cách cho vui mà thôi chứ không có được hưởng quyền lợi gì hết.
Vận động tranh cử
Như vậy bầu cử Tổng thống Mỹ là bầu cho ĐDC hoặc ĐCH chứ không phải là bầu cho người nào cho nên trách nhiệm của mỗi đảng là phải lựa chọn một ứng cử viên đáp ứng được đòi hỏi của tình thế trong 4 năm hoặc 8 năm sắp tới. Dĩ nhiên việc chọn ứng cử viên là nhiệm vụ của các nhóm tài phiệt thuộc 2 đảng.
Có một người Việt Nam rành chính trị nước Mỹ nhất là ông Bùi Diễm. Hồi ký của ông cho biết năm 1964 ông được hân hạnh đi quan sát cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa. Ngay khi đó ông đã viết :
“Tất cả những gì trông thấy chỉ là phần trình diễn bên ngoài, còn phần quan trọng (như chương trình tranh cử, ai hội đủ phiếu của các đại biểu để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng ) thì đã được quyết định qua những sự bàn cãi và thỏa thuận từ trước trong hậu trường…” ( Gọng Kìm Lịch Sử, trang 200 ).
Rõ nét nhất là cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Năm đó Ủy ban Hoạch định chính sách Quốc gia đã thông báo cho hai đảng biết trước là kinh tế của nước Mỹ sẽ sụp đổ vào cuối năm. Cho nên nhiệm vụ của chính phủ kế nhiệm sẽ là chịu đựng cho qua cơn sóng gió suy thoái.
Vì vậy ĐDC vội rút lui lá bài Hilarry Cliton là lá bài đang sáng giá nhất để đưa ra lá bài Obama. Ông Obama đột nhiên trở thành sáng giá vì trước tiên ông ta là người da đen. Một khi kinh tế suy sụp thì tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất sẽ là người da đen; họ có thể nổi loạn do vì thất nghiệp và vật giá leo thang (Kinh nghiệm của cuộc đại suy thoái 1929 ).
Tuy nhiên nếu Tổng thống là một người da đen thì họ sẽ kềm chế bởi vì sợ mang tiếng người da đen lợi dụng có Tổng thống da đen để làm loạn, hoặc mang tiếng người da đen không thể nào làm tổng thống được. Nhưng ngược lại, người da đen sẽ vì tự ái màu da mà giữ sự ổn định, thậm chí giúp Tổng thống Obama lèo lái đất nước qua cơn biến động của suy thoái.
Lợi thế thứ hai của ông Obama là trong 8 năm cầm quyền Tổng thống Bush đã lỡ tuyên chiến với dân Hồi giáo trên toàn thế giới, cho nên các tổ chức Hồi giáo có thể nhân dịp kinh tế Mỹ suy sụp mà làm khó thêm cho nước Mỹ. Trong khi đó ông Obama xuất thân từ một gia đình Hồi giáo cho nên ông dễ dàng thương lượng để đi đến thỏa hiệp với các tổ chức Hồi giáo.
Cũng trong cuộc bầu cử đó, ĐCH đưa ra một ứng cử viên có rất ít hậu thuẫn là ông McCain. Trong suốt cuộc vận động tranh cử ông McCain chỉ vận động cho đúng thủ tục mà thôi. Thậm chí tìm một người làm Phó cũng tìm không ra, bởi vì không ai chịu làm phó cho một người sẽ thất cử. Điều này chứng tỏ thời đó ĐCH không có kế sách gì hay để vượt qua cơn suy thoái.
Giờ đây ông Obama đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ nhưng ĐDC vẫn tiếp tục nhận trách nhiệm cầm cương đất nước bởi vì đa số ủng hộ viên của ĐDC thuộc thành phần dân nghèo là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong tình hình kinh tế suy thoái. Vì vậy vấn đề của 1 hay 2 nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp là phải vực dậy nền kinh tế nước Mỹ sau cơn đại suy thoái 2008. Trước mắt là tìm công ăn việc làm cho đa số dân lao động. Vì vậy ĐDC mới tung ra con gà sáng giá nhất là bà Hilarry Clinton.
Còn ĐCH không có kế sách gì hay nên mới đưa ra ông Donald Trump (ĐCH thường chủ trương giảm thuế cho giới nhà giàu để họ bỏ tiền ra mở hãng xưởng, thuê công nhân. Tuy nhiên chủ trương này không thích hợp hiện nay vì có giảm thuế bao nhiêu cũng không tranh lại với giá hàng TQ ). Riêng ông Trump cũng biết đảng CH đưa mình ra cho đúng thủ tục cho nên ông tuyên bố vung vít những điều mà không ai làm được. Ngay cả cá nhân ông có đắc cử cũng chẳng làm được. Ông mạnh miệng nói bậy chỉ vì biết mình sẽ không bao giờ đắc cử Tổng thống.
Tại sao chỉ vận động tranh cử Tổng thống trong một số các tiểu bang mà thôi?
Do vì truyền thống bầu cử theo lối “người thắng cuộc sẽ hưởng trọn số phiếu Đại cử tri” của mỗi tiểu bang, và do vì truyền thống ưa bầu cho đảng “phe ta” cho nên người ta biết trước từng bang có đa số ủng hộ viên của đảng nào. Và vì thế người ta cũng biết trước đảng nào sẽ hốt trọn phiếu “đại cử tri” tại tiểu bang nào.
Nhưng có khoảng 10 tiểu bang có số ủng hộ viên của hai đảng ngang ngữa nhau; cho nên người ta tập trung giành giật sự ủng hộ của dân chúng tại các bang này. Tiếng Mỹ gọi các bang có số ủng hộ viên ngang ngữa là “swing state” (Tiểu bang chập chờn ), hay “battle ground sate” (Tiểu bang còn giành giật ), hay “purple state” (Tiểu bang nửa đỏ nửa xanh ).
Đặc biệt cuộc bầu cử năm nay có sự nổi đình nổi đám của ông Donald Trump cho nên con số 10 tiểu bang chập chờn có thể lên đến 15 tiểu bang. Bởi vậy các nhân vật nổi tiếng của ĐCH phải lên tiếng để hạn chế bớt số người thuộc ĐCH đi bầu cho ông Trump bởi vì nếu chẳng may ông ta đắc cử thì mọi chuyện hỏng cả.
NGUỒN BÙI ANH TRINH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét