5 lỗi thường gặp khi soạn thảo văn bản luật
Nghề luật là một nghề đòi hỏi sự nghiên cứu cẩn thận, tỉ mỉ, đi sâu vào từng chi tiết. Do đó, yêu cầu làm việc của các luật sư là vô cùng nghiêm ngặt, đặc biệt là trong việc soạn thảo văn bản. Chỉ những yếu tố nhỏ thôi cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt cấp trên hoặc nhà tuyển dụng. Các bạn sinh viên luật mới ra trường hoặc những người mới vào nghề cần đặc biệt lưu ý cẩn thận với những lỗi thông dụng dưới đây:
1. Lỗi chính tả: Yêu cầu đầu tiên đối với việc soạn thảo bất kỳ văn bản nào cũng là phải đúng chính tả. Bất cứ người đọc nào cũng cảm thấy vô cùng khó chịu khi phát hiện ra những lỗi chính tả trong văn bản. Vì vậy, sau khi hoàn thành văn bản, người soạn cần kiểm tra lại văn bản của mình vài lần để chắc chắn rằng không có bất cứ lỗi chính tả hay ngữ pháp nào.
2. Sai về hình thức văn bản: Mỗi loại văn bản pháp luật sẽ có những yêu cầu về hình thức khác nhau. Phần lớn mẫu đều được thực hiện theo quy định pháp luật, có những quy tắc nhất định về phông chữ, kiểu chữ, căn lề, cách dòng…Người soạn cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin về văn bản mình cần soạn khi làm việc.
3. Sai thuật ngữ pháp lý: Mỗi văn bản pháp lý đều đưa ra những khái niệm, định nghĩa cho một số loại thuật ngữ pháp lý nhất định. Người soạn cần nghiên cứu và hiểu được ý nghĩa của những thuật ngữ đó để sử dụng linh hoạt. Trong nhiều trường hợp, người soạn muốn đưa ra ý này nhưng vì sử dụng sai thuật ngữ khiến người đọc hiểu theo nghĩa khác.
4. Thiếu nhất quán: Sự nhất quán là điểm quan trọng nhất trong văn bản luật. Khác với những loại văn bản khác khi mà việc sử dụng từ ngữ càng linh hoạt và đa dạng càng đem lại sự cuốn hút đối với người đọc, văn bản luật là văn bản cứng nhắc, khô khan đòi hỏi người soạn phải đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ văn bản. Ví dụ việc sử dụng nhiều từ đồng nghĩa để chỉ người bán trong cùng văn bản như nhà cung cấp, nhà phân phối, bên nhận tiền, bên bán… sẽ khiến cho độc giả của văn bản luật bị lẫn lộn. Trong tình huống này, người soạn chỉ được phép sử dụng một thuật ngữ cố định xuyên suốt toàn bộ văn bản. Ngoài ra, người soạn cần cân nhắc mục đích của văn bản để có cấu trúc phù hợp.
5. Thiếu “địa chỉ”: Văn bản luật được soạn thảo không chỉ đơn thuần dành cho việc đọc mà phục vụ cho việc phân tích, dẫn chiếu. Do đó, mỗi đoạn, ý trong văn bản luật đều cần có địa chỉ rõ ràng để tiện cho việc dẫn chiếu sau này. Địa chỉ trong văn bản luật được thể hiện trong các tiêu đề, mục, tiểu mục…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét