Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Bảo vệ hình ảnh cá nhân: quyền hiến định và lòng trắc ẩn

Bảo vệ hình ảnh cá nhân: quyền hiến định và lòng trắc ẩn
Gần đây việc các trang báo mạng, mạng xã hội đồng loạt phát tán hình ảnh chụp lén được xem là “ngủ kém duyên” của một cô hoa hậu gợi lại một vấn đề xã hội: đâu là giới hạn của việc công khai hình ảnh của cá nhân.
Ở Việt Nam với hơn 33 triệu người sử dụng Internet, trong đó hơn 50% có sử dụng Facebook hay các mạng xã hội khác thì tốc độ phát tán, lan truyền hình ảnh riêng tư của một người có thể dẫn đến các hệ lụy khó hình dung được.
Hiện nay, không khó để tìm thấy vô số hình ảnh buồn của các bị can, bị cáo, những người không may dính vào con đường lao lý từ nhiều năm trước. Trong số này, có người đã bị cách ly khỏi xã hội, trả giá cho lỗi lầm của mình, có người đã hoàn lương sum họp cùng gia đình, con cháu. Số khác đã được xóa án tích, được xem như chưa từng bị kết án. Dẫu vậy, hình ảnh thể nghiệm giai đoạn đau buồn nhất của họ vẫn đang được lưu giữ tràn lan trên Internet.
Chưa bàn đến nhận thức đúng sai của xã hội, nhưng dễ thấy cơ chế bảo vệ quyền cơ bản của công dân theo hiến định này tại Việt Nam dường như chưa hiệu quả.
Quyền tự do báo chí và giới hạn việc sử dụng hình ảnh
Vấn đề đặt ra là có phải hình ảnh của đương sự trong tố tụng hình sự đương nhiên được sử dụng mà không phải xin phép? Và báo chí có bị cản trở khi phải xin phép sử dụng hình ảnh của đương sự?
Điều 8.3 Nghị định 51/2002/NĐ-CP cho phép cơ quan báo chí được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Tuy nhiên, thực hiện quyền này như thế nào để không xâm hại đến quyền đối với hình ảnh của các đương sự là cả câu chuyện về trọng pháp và ứng xử nghề nghiệp của nhà báo. Điều 31 Bộ luật dân sự - BLDS (2005) quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật pháp cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư của công dân (điều 38 BLDS).
Đồng thời, Hiến pháp (2013) quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” là một người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (điều 31) và quyền bất khả xâm phạm của công dân về đời sống riêng tư, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình (điều 21). Do vậy, việc sử dụng, minh họa hình ảnh của đương sự trong hay ngoài tố tụng tòa án kèm theo cách bình luận thiếu thận trọng, “ám thị phán xét có tội” của cư dân mạng xã hội, của báo chí đôi khi cũng là hành vi vi hiến.
Trường hợp việc chụp hình của đương sự trong tố tụng hình sự cho các vụ trọng án thì tối thiểu cũng phải được thẩm phán chủ tọa một phiên tòa chấp nhận. Tương tự, đối với một phiên tòa dân sự, hành chính xét xử công khai, việc chụp ảnh, ghi âm, ghi hình đương sự nhất định phải có ý kiến của họ vì có nguy cơ xâm hại đến uy tín, danh dự của công dân.
Có yêu cầu bồi thường thiệt hại được không
Quy định hiện hành về mức bồi thường do bị vi phạm về quyền nhân thân khá nhẹ, chỉ bằng 10 tháng lương cơ bản (tương đương 31 triệu đồng), áp dụng cho trường hợp bên không thỏa thuận được hoặc người khởi kiện không chứng minh được tổn thất thực tế. Mặt khác uy tín, danh dự của con người không phải là loại vật chất hữu hình, lúc nào người bị xâm hại cũng có cơ hội được khôi phục nguyên trạng.
Xét thấy, một phán quyết của tòa án trong khuôn khổ tố tụng dân sự, hành chính hay cả hình sự cũng không đương nhiên tước bỏ một số quyền nhân thân của đương sự, bao gồm cả quyền được bảo vệ hình ảnh. Có ý kiến cho rằng quy định này mâu thuẫn với quy định về quyền tự do báo chí theo Luật Báo chí vì thông tin, hình ảnh sinh động của bị can, bị cáo sẽ hỗ trợ hữu hiệu công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống, tội phạm.
Tuy nhiên, hoạt động tác nghiệp báo chí cần phải được thực hiện trên cơ sở ưu tiên tôn trọng các quyền cơ bản của công dân theo luật định. Lạm dụng nhận định này đôi khi đồng nghĩa với việc tiếp tay cho một hành vi sai trái.
Án lệ nước ngoài
Tại Canada, cô Pascale Aubry, một công dân Canada 17 tuổi, đã khởi kiện một nhiếp ảnh gia vì tự ý chụp hình cô đang ngồi tình cờ trên bậc thang tòa nhà ở Montreal và đăng tải trên tạp chí Vice Versa. Cô Aubry cho rằng hình ảnh riêng tư bị xâm phạm khi cô trở thành tâm điểm cho các trò đùa của bạn bè. Tòa tối cao của Canada đã tuyên Aubry thắng kiện với phân tích rằng việc sử dụng hình ảnh mà không cần xin phép đương sự chỉ được phép tại các hoạt động công cộng và cộng đồng.
Theo đó, nguyên tắc chung là việc công bố, khai thác hình ảnh của bất kỳ ai cũng phải được sự đồng ý của người đó cho dù nhân danh vị nghệ thuật hay vị nhân sinh. Tương tự Canada, pháp luật ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ cũng ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân khỏi sự xâm phạm của giới truyền thông. Các hình ảnh của đương sự trong các phiên tòa chủ yếu được truyền tải bằng các hình ký họa tại tòa, hiếm khi có hình chụp cận cảnh, cận mặt bao vây như cách tác nghiệp của một số phóng viên ở ta.
Chế tài thực thi và lòng trắc ẩn
Như một phần không tách rời của quyền được bảo vệ sự riêng tư, ngoài góc độ tôn trọng bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh, việc sử dụng hình ảnh một con người cụ thể phải được sự cho phép của người đó. Việc chụp, đăng hình ảnh đương sự trước hay sau khi bản án của tòa có hiệu lực trong mọi trường hợp nếu gây tổn hại tinh thần, vật chất cho đương sự thì cần có chế tài xử lý. Trong quá trình tố tụng chỉ tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cho phép chụp ảnh, ghi hình tại phiên tòa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Hành vi phát tán hình ảnh không được phép có thể phát sinh trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS (điều 121: tội làm nhục người khác) hoặc các tội danh có liên quan. Chế tài nghiêm sẽ góp phần nâng cao nhận thức tôn trọng hình ảnh và sự riêng tư giữa các cá nhân trong xã hội, góp phần hạn chế các thiệt hại không đáng có về nhân phẩm, danh dự và vật chất đối với người chịu tác động.
Hiện dự thảo BLDS sửa đổi (2015) đã có cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn khi yêu cầu phải có được sự chấp thuận của người có hình ảnh bị sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận. Ngoài ra, luật cho phép người bị xâm phạm yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại, kể cả với trường hợp sử dụng trái phép cho mục đích phi lợi nhuận. Việc sử dụng hình ảnh không phép chỉ áp dụng với trường hợp vì lợi ích quốc gia, xã hội hoặc trong các hoạt động công khai công cộng, các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác.
Quy định tại Dự thảo BLDS có thể xem là phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội. Dự thảo nếu được thông qua kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, của cộng đồng mạng xã hội.
Một khi luật pháp chưa được thực thi nghiêm, chúng ta cần thêm ở cộng đồng, ở giới làm nghề như nghề báo, một sự trắc ẩn nghề nghiệp của nhà báo khi sử dụng ngòi bút, hình ảnh của người khác vì những hệ lụy xấu có thể phát sinh khi vô tình xâm hại quyền được bảo vệ hình ảnh, một thuộc quyền cơ bản của công dân trong xã hội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét