Viện quốc tế về Nhất thể hoá pháp luật tư: Chính sách và thành tựu lập pháp
Mục đích chính của UNIDROIT là chuẩn bị các quy định hiện đại, thống nhất, hài hoà, của luật tư theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, khái niệm “luật tư” ở đây cũng chỉ mang tính tương đối, bởi thực tế công tác lập pháp của UNIDROIT và các tổ chức quốc tế khác, cũng như hoạt động thương mại quốc tế trên thực tiễn cho thấy cần thiết phải kết hợp giữa công pháp và tư pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực pháp luật mà ranh giới giữa tư pháp và công pháp khó phân biệt, hoặc khi luật tố tụng và luật thực định hoà quyện vào nhau. Các quy tắc thống nhất do UNIDROIT soạn thảo liên quan đến các quy định của luật thực định; các luật này chỉ chứa đựng quy định về xung đột pháp luật một cách ngẫu nhiên.
Với địa vị độc lập trong số các tổ chức liên chính phủ, UNIDROIT đã lựa chọn cách tiếp cận với lĩnh vực pháp luật đặc thù (luật tư) và phương pháp làm việc riêng. Chính vì vậy, tổ chức này đã trở thành một diễn đàn đặc biệt phù hợp cho việc giải quyết những vấn đề thiên về tính kỹ thuật và ít mang tính chính trị.
Công nghệ mới, thực tiễn thương mại v.v… đòi hỏi phải có các giải pháp mới, và khi các giao dịch ngày càng mang tính xuyên quốc gia thì đó phải là các giải pháp mang tính hài hoà và được chấp nhận rộng rãi. Nói chung, công việc hài hoà hoá hoặc nhất thể hoá sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các quốc gia có muốn chấp nhận thay đổi pháp luật trong nước của mình cho phù hợp với giải pháp quốc tế mới hay không. Lập luận về pháp lý và các lập luận khác ủng hộ hài hoà hoá đối với một vấn đề cần phải được cân nhắc thận trọng với sự phụ thuộc nói trên. Cần phải có rất nhiều cân nhắc trong quá trình xác định lĩnh vực nào cần phải được điều chỉnh bởi các quy định đã được hài hoà hoá, và liệu có phải việc hài hoà hoá chỉ hạn chế đối với những trường hợp hoặc quan hệ xuyên quốc gia, hay được mở rộng để bao gồm cả các trường hợp hoặc quan hệ thuần tuý quốc tế.
Các yếu tố xác định loại văn bản pháp luật cần soạn thảo (Luật mềm- soft law (Luật Mẫu, Nguyên tắc chung, Hướng dẫn pháp luật)hay Luật cứng ( Công ước quốc tế)
Các quy định thống nhất do UNIDROIT soạn thảo thường là dưới hình thức các Công ước quốc tế, được thiết kế nhằm áp dụng mặc nhiên với hiệu lực cao hơn so với pháp luật trong nước sau khi hoàn tất mọi yêu cầu chính thức do pháp luật nước đó quy định để các điều ước quốc tế có hiệu lực. Tuy nhiên, việc các Chính phủ chưa đặt ưu tiên đúng mức đối với việc thực hiện các Công ước và sự chậm trễ trong việc hoàn tất thủ tục nội bộ để các Công ước có hiệu lực đã dẫn đến tình trạng có rất nhiều hình thức lựa chọn về nhất thể hoá trong các lĩnh vực mà một công cụ pháp luật có hiệu lực ràng buộc không được coi trọng. Các hình thức lựa chọn đó bao gồm các Luật mẫu mà các quốc gia có thể tham khảo khi soạn thảo văn bản pháp luật trong nước về vấn đề có liên quan hoặc các Nguyên tắc chung đề cập trực tiếp đến thẩm phán, trọng tài viên các các bên hợp đồng - những người được tự do quyết định có sử dụng các luật mẫu và nguyên tắc chung đó hay không. Khi vấn đề liên quan chưa đủ chín muồi cho việc soạn thảo các quy định thống nhất, thì phương án lựa chọn khác sẽ là soạn thảo các bản Hướng dẫn pháp luật, điển hình là về các kỹ thuật kinh doanh mới, các loại giao dịch hoặc khuôn khổ về tổ chức thị trường trong nước và quốc tế. Nói chung, các giải pháp "luật cứng" (ví dụ các Công ước) sẽ cần thiết khi phạm vi điều chỉnh của các quy định đó vượt quá một quan hệ lưỡng cực thường được điều chỉnh trong luật hợp đồng và khi lợi ích của các bên thứ ba hay lợi ích công cộng đang bị đe doạ giống như các trường hợp quy định trong luật về tài sản.
Những văn bản không có giá trị ràng buộc mà chỉ có giá trị tham khảo nêu trên như “Nguyên tắc“ “Hướng dẫn” hay “Luật mẫu” được coi là một trong các hình thức hài hoà hoá. Các loại hình văn bản này còn được gọi là Luật mềm (soft law). Năm 1994 UNIDOIT đã xuất bản phần I cuốn “Những nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế”. Nội dung cuốn sách này bao gồm những nguyên tắc chung về ký kết, giải thích, thực hiện và không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Cuốn sách này đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ, trong đó có cả bản dịch ra tiếng Việt và được những nhà hoạt động thực tiễn như trọng tài viên, thẩm phán, luật sư của các nước thành viên và của các nước không phải là thành viên của UNIDROIT đánh giá cao. Không những những người hoạt động thực tiễn mà cả những nhà lập pháp của nhiều nước cũng sử dụng ”nguyên tắc” này để tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật về hợp đồng (ví dụ Đức tham khảo cuốn sách này để soạn thảo Luật cải cách luật trái vụ 2001). Phần thứ hai của cuốn sách nói trên gồm những nội dung chưa được đưa vào phần I như: đại diện thương mại, chuyển giao quyền và nghĩa vụ v.v... Năm 1998, UNIDROIT đã phát hành cuốn Hướng dẫn sắp xếp hệ thống độc quyền phân phối.
Sau khi một chủ đề được đưa vào Chương trình làm việc của UNIDROIT, Ban Thư ký, khi cần có thể yêu cầu các chuyên gia trong lĩnh vực đó trợ giúp, sẽ chuẩn bị một bản nghiên cứu khả thi và/hoặc một bản báo cáo so sánh pháp luật sơ bộ nhằm xác định sự cần thiết và tính khả thi của cải cách pháp luật. Khi cần thiết và với điều kiện có kinh phí, UNIDROIT sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế. Báo cáo này, đôi khi bao gồm bản sơ thảo các nguyên tắc hoặc những quy định thống nhất, sẽ được trình Hội đồng điều hành xem xét, quyết định. Nếu đồng ý thì Hội đồng thường yêu cầu Ban Thư ký triệu tập một nhóm nghiên cứu, thông thường do một thành viên của Hội đồng chủ trì, để chuẩn bị dự thảo thứ nhất của Công ước hoặc một trong các phương án lựa chọn nói ở trên. Quy chế thành viên của các nhóm nghiên cứu, gồm các chuyên gia tham gia với tư cách cá nhân, là vấn đề của Ban Thư ký và Ban Thư ký cố gắng để bảo đảm cân đối tối đa tính đại diện của các hệ thống pháp luật và kinh tế khác nhau cũng như khu vực địa lý khác nhau trên thế giới.
Giai đoạn 2: đàm phán liên chính phủ
Dự thảo sơ bộ của văn bản do nhóm nghiên cứu chuẩn bị sẽ được trình Hội đồng điều hành phê duyệt và hướng dẫn các bước cần thực hiện tiếp theo. Thông thường, đối với dự thảo Công ước, Hội đồng điều hành sẽ yêu cầu Ban Thư ký triệu tập một Ban chuyên gia Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Công ước có thể trình ra Hội nghị Ngoại giao. Nếu do tính chất riêng mà việc chuyển dự thảo Công ước đó cho Ban chuyên gia Chính phủ là không phù hợp thì Hội đồng sẽ cho phép UNIDROIT công bố và phố biến dự thảo theo đúng trình tự mà dự thảo đã được chuẩn bị.
Đại diện của tất cả các quốc gia thành viên đều có thể tham gia các Ban chuyên gia Chính phủ do UNIDROIT triệu tập. Ngoài ra, Ban Thư ký còn có thể mời các quốc gia khác nếu thấy thích hợp, nhất là căn cứ vào chủ đề có liên quan, các tổ chức quốc tế hữu quan và hiệp hội nghề nghiệp tham gia với tư cách quan sát viên. Sau khi Ban chuyên gia Chính phủ hoàn tất Dự thảo Công ước, dự thảo sẽ được trình Hội đồng điều hành phê duyệt và hướng dẫn các bước cần làm tiếp theo. Thông thường, khi Hội đồng cho rằng dự thảo Công ước phản ánh sự đồng thuận giữa các quốc gia đã tham gia các Ban chuyên gia Chính phủ và có nhiều khả năng được thông qua tại Hội nghị Ngoại giao, thì những bước này sẽ được ghi trong giấy cho phép đưa dự thảo ra Hội nghị Ngoại giao để thông qua với tư cách là một Công ước quốc tế. Hội nghị như vậy sẽ do một trong các quốc gia thành viên của UNIDROIT triệu tập.
Tại các Hội nghị Ngoại giao, các nước thành viên có thể ký và sau đó phê chuẩn Điều ước Quốc tế do UNIDROIT chuẩn bị. Một đặc điểm quan trọng của các Điều ước quốc tế do UNIDROIT chuẩn bị để các nước thành viên ký là yêu cầu về số lượng các nước phê chuẩn để Công ước có hiệu lực không cao, có khi chỉ cần hai hoặc ba nước thành viên phê chuẩn là Điều ước quốc tế đã có hiệu lực ràng buộc đối với các nước đã ký và phê chuẩn đó.
Kể từ khi thành lập đến nay UNIDROIT đã soạn thảo được nhiều Công ước quốc tế trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế, vận chuyển hàng hoá và hành khách quốc tế, về hợp đồng du lịch, về Quỹ đầu tư, về bảo hiểm quốc tế đối với các xe cơ giới v.v... Nhiều Dự thảo đã được thông qua như Công ước La Hay 1964 về mua bán hàng hoá quốc tế, Công ước Brussel 1970 về Du lịch quốc tế, Công ước Washington 1973 ban hành mẫu thống nhất về di chúc quốc tế, Công ước Genevơ 1983 về đại lý bán hàng hoá quốc tế, Công ước Ottawa 1988 về thuê mua tài chính và chuyển giao quyền yêu cầu, Công ước Rom 1995 về sản phẩm văn hoá xuất khẩu trái phép và gần đây nhất là Công ước Cape Town về đăng ký thế chấp quốc tế đối với các thiết bị có giá trị cao và những Nghị định thư đính kèm.
Trong những năm qua, UNIDROIT đã chuẩn bị các Công ước quốc tế sau đây, do chính UNIDROIT soạn thảo và được Hội nghị Ngoại giao thông qua và được các quốc gia thành viên UNIDROIT quan tâm:
· Công ước về một Luật thống nhất về Mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay, 1964)
· Công ước về Luật thống nhất về Ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (La Hay, 1964)
· Công ước quốc tế về Hợp đồng lữ hành (Brúcxen, 1970)
· Công ước về hình thức quốc tế của một Luật thống nhất (Washington, D.C., 1973)
· Công ước về Đại lý trong mua bán hàng hoá quốc tế (Geneva, 1983)
· Công ước UNIDROIT về cho thuê tài chính quốc tế (Ottawa, 1988)
· Công ước UNIDROIT về đại diện trong giao dịch thương mại quốc tế (Ottawa, 1988)
· Công ước UNIDROIT về Văn hoá phẩm bị đánh cắp hoặc xuất khẩu bất hợp pháp (Rome, 1995)
· Công ước về Lợi ích quốc tế trong thiết bị di động (Mobile Equipment) (Cape Town, 2001)
· Nghị định thư bố sung cho Công ước về Lợi ích quốc tế trong thiết bị di động về các vấn đề liên quan cụ thể đến thiết bị tàu bay (Cape Town, 2001)
Các văn kiện khác bao gồm:
· Hướng dẫn đối với hợp đồng chính về nhượng quyền kinh doanh quốc tế (1998)
· Luật mẫu về công khai việc nhượng quyền kinh doanh (2002)
· Các Nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT, bản đầu tiên được xuất bản năm 1994, còn bản thứ hai lớn hơn được xuất bản năm 2004
· Nghị định thư Lúc-xăm-bua bổ sung cho Công ước về Lợi ích quốc tế trong thiết bị di động về các vấn đề cụ thể liên quan đến tàu hoả (Lúc-xăm-bua, 2007)
Các công việc đang tiến hành
UNIDROIT hiện đang soạn thảo một công ước về chứng khoán mua bán qua trung giao - Công trình nghiên cứu LXXVIII, “Công ước UNIDROIT về Chứng khoán". Phiên họp sau của Ban chuyên gia Chính phủ về chuẩn bị dự thảo Công ước về Quy định thực định liên quan đến chứng khoán mua bán qua trung gian sẽ được tổ chức tại Geneva từ ngày 01 đến ngày 13/9/2008, sau khi được Hội đồng điều hành của UNIDROIT phê duyệt. Quá trình đàm phán sẽ dẫn đến việc ký một Công ước quốc tế đề cập đến khung pháp luật về chứng khoán mua bán qua trung gian.
Nhóm công tác về chuẩn bị các Nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế cũng đã triển khai soạn thảo các chương bổ sung. Trong tương lai, các hoạt động của UNIDROIT sẽ tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, thị trường vốn quốc tế.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét