Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Vụ án 20: Kiện chia thừa kế giữa cụ Lê Mười và ông Lê Văn Lợi ở Nha Trang

Vụ án 20:
Kiện chia thừa kế giữa cụ Lê Mười và ông Lê Văn Lợi ở Nha Trang




Nhà từ đường có áp dụng pháp luật về nhà ở không? Xác định tính chất của tài sản theo thời điểm nào? Nếu nhà hiện nay không còn thì đất có thể coi là di sản thừa kế không?

Cố Lê An và vợ là cố Nguyễn Thị Giếng có 7 người con, trong đó có cụ Lê Mười (nguyên đơn). Cụ Mười khởi kiện cho rằng căn nhà từ đường và quyền sử dụng 4000 m2 đất (đo thực tế là 4067 m2) tại thôn Vĩnh Điềm Trung là di sản của cố An và cố Giếng; yêu cầu được chia thừa kế. Bị đơn là ông Lê Văn Lợi (cháu gọi cụ Mười là chú ruột) không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng căn nhà hiện nay do cha của ông là cụ Hượt xây dựng lại và ông Lợi đã được cấp giáy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong quá trình giải quyết vụ án, một trong những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Ánh Nguyệt (em cùng cha khác mẹ với ông Lợi) yêu cầu chia thừa kế của cụ Lê Hượt về nhà đất nêu trên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2010/DSST ngày 22-01-2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa và Bản án dân sự phúc thẩm số 35/2010/DSPT ngày 11-6-2010 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đều đình chỉ giải quyết yêu cầu của cụ Mười ( với lý do di sản của cố An, cố Giếng không còn nên cụ Mười không có quyền khởi kiện) và chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Nguyệt (xác định căn nhà tranh chấp trên 4067 m2 đất là di sản của cụ Hượt và 2 người vợ).

Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 23- 9- 2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm; giao cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:

Việc áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp thừa kế căn cứ vào thời điểm giao dịch, tức là thời điểm mở thừa kế. Do vậy, tính chất của di sản (là nhà ở, nhà từ đường, hay chỉ là đất…) cũng phải được xác định ở thời điểm mở thừa kế. Trong vụ án này thì thời điểm mở thừa kế của cố An là năm 1952, của cố Giếng là năm 1981; di sản của ai thì xem xét theo thời điểm mở thừa kế của người ấy.

Di sản ở thời điểm mở thừa kế nếu là nhà ở thì phải áp dụng quy định của pháp luật về nhà ở là Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước 01-7-1991. Đáng lưu ý là theo quy định hiện hành (Công văn số 91/TANDTC-VKHXX ngày 28-6-2011) thì những người tham gia vào giao dịch dân sự về nhà ở phải định cư ở nước ngoài trước 01-7-1991 thì mới thuộc trường hợp áp dụng Nghị quyết 1037/2006. Trong vụ án này chưa xác định rõ ở thời điểm mở thừa kế có nhà ở hay vừa là nhà thờ vừa là nhà ở hay không; nếu chỉ là nhà từ đường (không dung để ở) thì không thuộc diện được áp dụng Nghị quyết 58/1998 cũng như Nghị quyết 1037/2006.

Nếu tại thời điểm mở thừa kế mà có nhà ở thì đất thổ cư và khuôn viên nhà ở cũng là một bộ phận của nhà ở nên nếu hiện nay nhà không còn thì vẫn phải xác định đất đó được giải quyết theo pháp luật về nhà ở, bao gồm cả việc tính thời hiệu khởi kiện.

Trong trường hợp ở thời điểm mở thừa kế không có nhà ở thì quyền sử dụng đất vẫn có thể là di sản thừa kế (theo quy định tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao) vì đất tranh chấp đã có “chứng thư kiến điền” ngày 01-7-1963 ghi “Thừa kế: Lê An (c), vợ Nguyễn Thị Giếng (1882)” tức là đã có một trong các loại giấy tờ quy định ở Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, nếu di sản chỉ là quyền sử dụng đất (không gắn với nhà ở) thì đến 11-6-2007 mới khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện nếu không có căn cứ gì khác.

Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

1.Nhà từ đường không dùng để ở thì không thuộc đối tượng của pháp luật về nhà ở.

2.Thời điểm xác định tính chất của di sản là thời điểm mở thừa kế.

3.Nhà hiện nay không còn nhưng đất vẫn có thể là di sản nếu đất đó là một bộ phận của nhà ở vào thời điểm mở thừa kế hoặc tuy không gắn với nhà ở nhưng thỏa mãn các điều kiện quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP là người để lại di sản có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét